Thị trường bất động sản và xu hướng biến động trong năm 2022

Nền kinh tế trong năm 2021 đã trải qua nhiều đợt sóng gió, cùng với đó là sự thay đổi thất thường khó đoán của thị trường Bất động sản. Trong năm nay, thị trường bất động sản sẽ dịch chuyển như nào? Phóng viên của Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã có bài phỏng vấn TS. Hoàng Thị Hương - giảng viên, đồng thời là nhà nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực quản lý bất động sản về lĩnh vực này.

* Doanh nghiệp và Kinh tế xanh: Năm 2021 nền kinh tế của chúng ta đã trải qua một năm đầy biến động phức tạp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cùng với đó là sự thay đổi thất thường của thị trường Bất động sản. Giá cả của bất động sản leo thang chóng mặt, theo Tiến sĩ xu hướng này sẽ diễn ra như thế nào trong năm 2022 ?

* TS. Hoàng Thị Hương: Với diễn biến dịch bệnh covid vẫn còn phức tạp, đầu tư sản xuất phục hồi còn chậm, khó đem lại lợi nhuận; Ngân hàng chưa siết chặt tín dụng bất động sản do đó có thể dự kiến bất động sản còn tiếp tục tăng đến cuối năm 2022; Mặt khác trong năm 2022, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh hơn, tạo động lực phát triển kinh tế tốt hơn, từ đó giúp thị trường bất động sản sẽ được hưởng lợi. Một số khu vực ven đôi của Hà Nội như khu Hòa Lạc (Thạch Thất), huyện Mê Linh, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức…, hiện nay các hoạt động mua bán đất nền diễn ra khá sôi động. Những hiệu ứng từ các dự án đã đầu tư hoặc chuẩn bị triển khai khiến phân khúc đất nền giá lên cao. Việc "ăn theo" thông tin dự án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã đẩy giá đất khu vực huyện Đông Anh, Gia Lâm (Hà Nội) lên cao. Cùng với sự sôi động về giá bất động sản, các Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Quốc cũng không ngoiaj lệ, giá đất cũng tăng chóng mặt…

* Doanh nghiệp và Kinh tế xanh: Theo bà các Doanh nghiệp bất động sản sẽ phải làm gì để có thể vượt qua được các thách thức?

* TS. Hoàng Thị Hương:

Hiện nay thị trường bất động sản đang biến động, không kiểm soát được, chưa thấy có dấu hiệu giá đất thị trường đạt mức đỉnh điểm do đó người dân và doanh nghiệp nhỏ rất dễ bị doanh nghiệp lớn chi phối tạo thị trường ảo. Khi các nhà đầu tư lớn rút vốn, doanh nghiệp nhỏ sẽ không đủ sức chống chịu, khi đó bất động sản không bán được, lãi suất ngân hàng có thể tăng khi ổn định kinh tế. Đến thời điểm nào đó doanh nghiệp nhỏ sẽ bán tháo dẫn đến chịu ảnh hưởng về kinh tế. Do vậy các doanh nghiệp nhỏ cần liên kết với nhau để cùng chia sẻ lợi ích cũng như phân tán rủi ro. Thêm vào đó, doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn, nhất là về cơ chế, chính sách đầu tư, về nguồn vốn tín dụng và thị trường.

Để tránh rủi ro cho người dân và doanh nghiệp cần có sự đánh giá tốt về thị trường bất động sản, đánh giá các diễn biến của thị trường đâu là đỉnh, đâu là đáy; nắm bắt các chính sách của nhà nước về đất đai, thị trường bất động sản. Cần củng cố và nâng cao tiềm lực tài chính của doanh nghiệp bất động sản thông qua phục hồi quy mô doanh thu và lợi nhuận cũng như tăng quy mô vốn chủ sở hữu và vốn tự có của doanh nghiệp. Cần sự nhanh nhạy và kiên trì chính là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp có được bứt phá về doanh số ngay cả khi Covid-19 vẫn liên tiếp diễn biến với những biến thể mới.

* Doanh nghiệp và Kinh tế xanh: Hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư đang tìm cách chuyển hướng đầu tư vào đất đai, mua đất để đầu cơ. Vậy theo bà, có nên đầu tư vào đất đai trong thời điểm này?

* TS. Hoàng Thị Hương: Nên hay không nên rất khó giải thích ở thời điểm này bởi giá BĐS đến cuối năm 2021 vẫn tăng, sang đầu năm 2022 giá vẫn tăng, chưa đánh giá được là thời điểm đạt đỉnh. Do đó, nếu đầu tư thì cần có sự đánh giá tốt về diễn biến thị trường BĐS ở các giai đoạn, tránh trường hợp rơi vào tình trạng sốt đất ảo năm như năm 2011 ở Hà Nội và rớt giá giai đoạn 2013-2014 khiến nhiều nhà đầu cơ chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên vẫn có thể đầu tư ở một số vùng vẫn còn tiềm năng do 2 yếu tố đô thị hóa, về dân sinh, những vùng có cảng, có thương mại lớn, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông hàng hóa, đặc biệt giá chưa tăng nhiều. Cơ hội không phải để lướt sóng mà tầm nhìn 1 đến 5 năm tới.

* Doanh nghiệp và Kinh tế xanh: Đối với sự leo thang về giá cả trong thị trường mua bán quyền sử dụng đất, theo Tiến sĩ Nhà nước cần có những giải pháp và chính sách gì để quản lý thị trường?

* TS. Hoàng Thị Hương:

  • Cần tổ chức công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án, đặc biệt là những dự án lớn hay sáp nhập, nâng cấp đơn vị hành chính một cách chính xác và đầy đủ… để người dân, doanh nghiệp nắm rõ. Ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất để trục lợi bất hợp pháp.
  • Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời, tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS. Theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng BĐS trên địa bàn.
  • Tăng cường công tác quản lý tình hình bất động sản tại các địa phương. Có giải phảp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông…gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân; đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp môi giới, mua bán BĐS, dự án BĐS, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý…vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh BĐS và pháp luật có liên quan (nếu có)
  • Minh bạch hóa thị trường BĐS, cung cấp thông tin đầy đủ cho doanh nghiệp và người dân.
  • Xử lý các cá nhân, tổ chức có biểu hiện tung tin, “thổi giá đất”… là cơ sở để ngăn chặn tình trạng “sốt đất ảo”, tiến tới lành mạnh hóa thị trường bất động sản tại các địa phương và trong cả nước
  • Cần có chế tài đối với các ngân hàng trong việc cho vay đầu tư BĐS để hạn chế rủi ro
  • Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến luật đất đai, nhà ở… mà cần phải hoàn thiện lại toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản. Với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống, hệ thống pháp luật được thiết kế hợp lý sẽ ngăn được những tiêu cực thị trường.

* Doanh nghiệp và Kinh tế xanh: Trân trọng cám ơn những nhận định và đánh giá của Bà. Chúc Bà cùng gia đình dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và bình an!

172246939-2877903765766699-5614704519094386411-n-1647339207.jpeg

TS. Hoàng Thị Hương, Tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý đất đai tại học viện Nông nghiệp Việt Nam. Bà đã tham gia giảng dạy và có nhiều công trình nghiên cứu, đề tài, dự án có liên quan đến quản lý sử dụng đất, quản lý thị trường bất động sản, quản lý tài nguyên và môi trường.

Nguyễn Hương