Bất động sản hòa nhập làn sóng số hóa thị trường

Công nghệ bất động sản (property technology) đang trở thành xu thế phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực bất động sản, giúp dễ dàng kết nối giữa các bên có nhu cầu và nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ.

Không nằm ngoài xu hướng chung, số hóa bất động sản tại Việt Nam cũng là hướng đi của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn thông qua việc đầu tư hoặc mua lại các startup về proptech. Nhờ ứng dụng công nghệ, việc tìm kiếm, so sánh, giao dịch… trở nên tiện lợi, linh hoạt, nhanh chóng và tiết kiệm hơn.

Các chuyên gia cho rằng, với cơ cấu dân số trẻ, thường xuyên sử dụng công nghệ và quy mô thị trường bất động sản dự kiến lên tới 21 tỷ USD nên proptech ở Việt Nam có nhiều điều kiện lý tưởng để phát triển và khai thác.

Chuyên gia kinh tế Tạ Văn Thành nhận xét, thúc đẩy chuyển đổi, ứng dựng công nghệ số vào thị trường bất động sản Việt Nam là tất yếu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Từ việc giãn cách, hạn chế tiếp xúc, công nghệ số đã chứng minh sự ưu việt trong quảng bá sản phẩm, kết nối thông tin, tăng tương tác giữa chủ đầu tư và khách hàng. Dịch COVID-19 chính là nhân tố thúc đẩy chuyển đổi số nhanh chóng của doanh nghiệp bất động sản để hướng tới phát triển bền vững.

Công ty Tư vấn bất động sản Toàn Cầu Jones Lang Lasalle (JLL) trích dẫn số liệu của Công ty cổ phần FinREI Investment JSC cho thấy, tại Việt Nam hiện proptech đang phát triển với 56 công ty cùng nhiều startup tiếp tục ra mắt trong thời gian tới. Trong số đó, có tới 80% các nền tảng proptech là công ty nước ngoài hoặc được rót vốn từ nhà đầu tư ngoại.

Mặc dù còn sơ khai nhưng thị trường proptech ở Việt Nam được đánh giá giàu tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư. Công nghệ được cho là yếu tố chủ chốt tạo nên sự khác biệt và thành công cho mô hình kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Vì vậy, nếu doanh nghiệp bất động sản làm chủ được công nghệ sẽ có cơ hội vàng để bứt phá và làm chủ thị trường.

Điển hình như thương vụ Cen Land đã hoàn tất việc mua lại 100% Cenhomes.vn - nền tảng công nghệ bất động sản tiên phong tại Việt Nam. Đây cũng chính là nền tảng proptech do chính người Việt Nam đầu tư và phát triển.

a-tb-bds-binh-thanh-pic-quynh-9743-1122-1633058211-1642556407.jpeg
Bất động sản hòa nhập làn sóng số hóa thị trường. Ảnh minh hoạ

Ra mắt tháng 5/2019, Cen Homes đã liên tục cập nhật về mặt công nghệ và đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng. Năm 2020, số liệu truy cập hệ thống định giá Cen Homes ghi nhận, lượng người dùng là 377.592 lượt, số phiên là 478.613 lượt.

Cùng đó, website https://cenhomes.vn/ có trung bình 250.000 lượt truy cập/tháng; app Cen Homes đạt trên 24.000 lượt tải. Hiện nền tảng đang giới thiệu khoảng 500 dự án trên toàn quốc, mỗi tháng trung bình có khoảng 3.000 tin đăng mua bán/cho thuê và thực hiện thành công khoảng 800 giao dịch.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Quản lý Phòng nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam nhận xét, số hóa trong lĩnh vực bất động sản sẽ khiến thị trường này phát triển một cách đồng bộ và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để đón đầu xu hướng này, Nhà nước cần có những chính sách và hành lang pháp lý để doanh nghiệp và Nhà nước hợp tác chặt chẽ hơn với mục tiêu phát triển thị trường bất động sản đồng bộ, minh bạch.

Tại Việt Nam, hiện việc áp dụng xu hướng công nghiệp 4.0 vẫn còn ở những bước đầu. Đơn cử như việc xây dựng đô thị thông minh là hướng nhìn về dài hạn, nhưng hiện mới đang giải quyết những vấn đề trong ngắn hạn. Đây là bài toán về lâu dài, đòi hỏi có nguồn lực lớn. Công nghệ không thay đổi được con người, nhưng con người cần đổi mới để thích nghi với sự phát triển của công nghệ - bà Thanh dẫn chứng.

Đồng quan điểm, ông Mathew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cũng khẳng định, ứng dụng công nghệ cũng trở thành xu hướng tất yếu trong ngành bất động sản, từ việc đưa ra thông tin dự án trực quan tới việc kết nối người mua và người bán. Điều này giúp tăng cường khả năng minh bạch thông tin thị trường khi chủ đầu tư có thể công khai về dự án để khách hàng dễ dàng nắm bắt, kiểm chứng, so sánh.

Tuy nhiên đang có một thưc tế là tình trạng bất cân xứng thông tin giữa cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp lẫn người dân. Điều này đã để lại những hệ lụy không nhỏ, đặc biệt là niềm tin và định hướng phát triển bền vững của thị trường.

Ông Mathew Powell cho rằng, điều này cũng bắt nguồn từ việc Việt Nam chưa xây dựng được một hệ thống dữ liệu cập nhật theo thời gian thực về các dự án bất động sản; trong đó có sự liên kết đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu của tất cả cơ quan chức năng có liên quan như các Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Công an… để người mua có thể tiếp cận dữ liệu và kiểm chứng thông tin về dự án một cách trực diện - chuyên gia này nhận xét.

Trong khi đó, ở nhiều quốc gia, hệ thống này đã được triển khai và chứng tỏ hiệu quả đáng kể, giúp giảm thiểu rủi ro cho người mua nhà, người đầu tư bất động sản. Bởi vậy, theo ông Mathew Powell, việc số hóa mang lại lợi ích trong kiểm soát thông tin đất đai, dự án... nhằm đảm báo tính minh bạch của thông tin về sản phẩm bất động sản.

Đây có thể xem là một trong những giải pháp cần được xem xét sau khi xảy ra hàng loạt cơn sốt đất thời gian qua. Giá đất bị đẩy lên cao cũng chỉ vì thiếu nguồn tin chính xác. Một trong những giải pháp cần được tính đến là việc thành lập Dữ liệu Quốc gia về giá đất - nơi mà toàn bộ thông tin về đất đai được lưu trữ trên nền tảng số.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Giám đốc điều hành, người sáng lập Công ty cổ phần dịch vụ Bất động sản Sen Vàng cho rằng, kỷ nguyên số hóa đã thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp bất động sản, bởi nó giúp xây dựng những mô hình kinh doanh mới, liên quan đến chuyển đổi số.

Điều này đặc biệt hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài suốt thời gian qua để đảm bảo giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động trong điều kiện buộc phải giãn cách xã hội. Trong bối cảnh kinh tế số thay đổi từng ngày, từng giờ, doanh nghiệp bất động sản phải áp dụng công nghệ để đổi mới sáng tạo trên các “mặt trận” kinh tế, xã hội, môi trường trong tiến trình phát triển bền vững.

Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số cũng phải tính đến vấn đề tài chính. Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có chế tài để minh bạch hóa, số hóa bất động sản ngay từ giao dịch. Hiện quy trình giao dịch bất động sản rất chặt chẽ nên khi số hóa, các thủ tục này cũng cần được cơ quan chức năng của Nhà nước công nhận để tránh tranh chấp, rủi ro, giảm bớt tiêu cực, phiền hà trong quá trình giao dịch./.