Thanh Hoá chung tay cùng cả nước gỡ “thẻ vàng IUU- Bài cuối: “Rào cản” pháp lý tái tạo sự đa dạng của môi trường biển

Đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định đang đe dọa đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học ở biển, làm xói mòn tương lai lâu dài của nền kinh tế và an ninh lương thực toàn cầu.
thanh-hoa-go-the-vang-1699186695.jpg
Những năm qua, Ngư dân tỉnh Thanh Hóa đã có chuyển biến tích cực trong quá trình khai thác, đánh bắt cá.

Sau hơn 5 năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "Thẻ Vàng" (23/10/2017), trải qua những lần thanh tra, EC đã khẳng định quá trình gỡ thẻ của Việt Nam đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực. Đây là tín hiệu vui mừng cho sự chung tay nỗ lực của cả hệ thống chính trị.

Trách nhiệm không của riêng ai

Ngay từ đầu, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định, gỡ “thẻ vàng” không chỉ dừng lại ở việc xóa bỏ “rào cản” pháp lý, mà đây là hành động thiết thực để thay đổi nhận thức của ngư dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong quá trình khai thác, đánh bắt, góp phần làm đa dạng hệ sinh học biển, tạo tính bền vững cho tương lai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ quan điểm của Chính phủ về việc gỡ bỏ thẻ vàng, “Gỡ thẻ vàng không phải mục tiêu duy nhất của chúng ta, mà mục tiêu cuối cùng là chúng ta giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển Việt Nam, nếu chúng ta không áp đặt thẻ vàng thì sớm hay muộn nguồn tài nguyên sẽ kiệt quệt, vậy thiệt thòi lớn nhất là Việt Nam chứ không phải EU”.

Từ nhận thức đúng đắn, và hành động quyết liệt, Việt Nam đã triển khai hàng loạt biện pháp, chương trình nhằm ngăn chặn và loại bỏ hoạt động khai thác IUU, bao gồm sửa đổi và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, ký kết các điều ước quốc tế và tham gia các chương trình chống khai thác IUU.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của chính quyền và ngư dân về hậu quả của việc khai thác IUU; nâng cao năng lực của lực lượng thực thi pháp luật trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên biển. Xây dựng các cơ chế hợp tác để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, bài học từ các nước về chống khai thác IUU.

Để đảm bảo sự cân bằng của hệ sinh thái biển, tạo công ăn việc làm cho các ngư dân, ngoài việc chống khai thác, đánh bắt cá không khai báo, không theo quy định ra, chúng ta cần tập trung vào việc nuôi trồng thủy, hải sản. Chuyển dần từ nghề cá đánh bắt tự nhiên sang nghề cá phát triển bền vững.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi một ngành đánh cá, từ mang tính chất đánh bắt tự nhiên trở thành một ngành đánh cá hiện đại, bền vững, có trách nhiệm và việc thay đổi ý thức của ngư dân là một thách thức lớn, đòi hỏi quyết tâm cao của tất cả các bên liên quan.

Ông Lê Bá Quyết, Phó trưởng Phòng NN&PTNN huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) chia sẻ: “Hiện nay, đa số ngư dân đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc chấp hành nghiêm các quy định khai thác đánh bắt cá không khai báo, không theo quy định, chuyển từ khai thác tự nhiên mang tính tận diệt sang khai thác có trách nhiệm. Vì nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất cao, trong khi cả tàu của họ thanh lý toàn bộ cũng không đủ để nộp phạt.

Ngoài ra, do trữ lượng hải sản đã bắt đầu cạn kiệt, giá dầu lại cao, nhiều chuyến không đủ chi phí nên phần lớn họ cũng chuyển dần về nuôi trồng, vừa hiệu quả lại an toàn”.

thanh-hoa-nuoi-tom-1699186888.jpg
Ngư dân Thanh Hóa, tích cực hưởng ứng chuyển đổi nghề, tạo sinh kế biển bền vững.

Tại Quyết định Số: 208/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/3/2023 Phê duyệt đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái, tạo việc làm ổn định cho cộng đồng ngư dân ven biển.

Đề án đã đặt mục tiêu chuyển đổi một số tàu làm nghề khai thác hải sản xâm hại lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái, sử dụng nhiều nguồn lực, nhiên liệu sang các nghề ít xâm hại hơn, hoặc chuyển một số tàu cá sang lĩnh vực khác ngoài khai thác để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác với khả năng phục hồi, tái tạo lại nguồn lợi. Từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sử dụng nguồn lợi, cải thiện môi trường, điều kiện lao động nghỉ ngơi và thu nhập của ngư dân.

Sau khi đề án được ban hành, các địa phương đã tiến hành khảo sát các đối tượng là những người tham gia khai thác, đánh bắt trên biển, từ đó lập kế hoạch cụ thể để chuyển đổi nghề, tạo sinh kế lâu dài cho ngư dân.

Tạo sinh kế bền vững cho ngư dân

Tại Thanh Hóa, với ưu thế địa lý về nghề nuôi trồng và phát triển thủy sản. Trong những năm qua, với sự nỗ lực của các sở, ban, ngành, cùng với sự ủng hộ của người dân. Xác định rõ, “thẻ vàng” không chỉ là rào cản pháp lý, mà là nhiệm vụ sống còn của hệ sinh thái cho tương lai. Từ đó, diện tích nuôi trồng không ngừng được nâng cao.

Theo số liệu thống kê, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh khoảng 19.200 ha, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ 4.100ha (tôm sú 3.400ha, tôm thẻ chân trắng 700ha), sản lượng ước khoảng 13.500 tấn/năm; diện tích nuôi ngao 1.000ha, sản lượng khoảng 18.000 tấn/năm; diện tích nuôi nước ngọt 14.100ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm.

Ngoài ra, còn có khoảng 70.000m3 thể tích nuôi lồng bè với 3.654 lồng nuôi cá biển và 2.086 lồng nuôi cá nước ngọt, sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng trong 10 tháng năm 2023 ước đạt 180.078.

Tuy nhiên việc đầu tư nuôi hải sản theo công nghệ cao tại đây cũng gặp không ít khó khăn về vốn cũng như rào cản về thời hạn thuê đất. Từ đó dẫn đến việc tập trung nguồn vốn để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản thành nghề vững mạnh, lâu dài còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Văn Cư, trú tại phường Quảng Chính, huyện Quảng Xương chia sẻ: “Nuôi trồng thủy sản ngoài việc tạo công ăn việc làm cho ngư dân, giúp ổn định hệ sinh thái. Tuy nhiên những hộ nuôi trồng như tôi cũng gặp không ít khó khăn vì thời hạn thuê đất ngắn dẫn đến việc đầu tư công nghệ hiện đại vào ao nuôi còn hạn chế, nên sản lượng chưa cao”.

Để có thể giải quyết ổn thỏa công ăn việc làm cho số lượng lớn ngư dân, nhiều địa phương đã chủ động liên hệ với các khu công nghiệp để khi ngư dân “lên bờ” sẽ có việc làm. Ngoài ra, chính quyền còn phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề nghiệp, mở những lớp tập huấn về kỹ năng, hướng nghiệp.

Theo phòng Kinh tế Tp Sầm Sơn, để giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân, những năm qua, TP đã tập trung quan tâm, chuyển đổi nghề cho lực lượng lao động bị ảnh hưởng do quá trình thực hiện các dự án, cũng như chuyển đổi nghề cho ngư dân không tham gia khai thác thủy sản.

Trong năm 2022, địa phương tập trung rà soát, đấu mối với các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu, tạo việc làm mới cho 2.000 lao động, tổ chức tập huấn cho hơn 2.000 lao động là cán bộ quản lý, chủ doanh nghiệp, cơ sở lưu trú và người lao động tham gia dịch vụ du lịch trên địa bàn. Đến nay, toàn thành phố có 170 người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu là ngư dân, con em ngư dân không tham gia khai thác thủy, hải sản...

Trong suốt 5 năm qua, chúng ta đang nỗ lực gỡ bỏ “rào cản” pháp lý để nâng tầm vị của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời góp phần nâng cao giá trị thủy sản xuất khẩu. Nhưng giá trị đích thực mà Đảng và Nhà nước ta hướng tới chính là tạo một môi trường sinh thái biển bền vững đến mai sau.

Hà Khải