Sản xuất theo phương thức Nhật Bản tại Việt Nam và vai trò đào tạo của các trường Đại học

Ngày 09/3/2023, Trường Đại học Việt Nhật, Công ty Mitani Sangyo và Công ty Koganei Seiki đã phối hợp đồng tổ chức hội thảo đặc biệt lần thứ 2 trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác giữa trường và các doanh nghiệp.

Ngoài các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên của Trường Đại học Việt Nhật, hội thảo cũng đã thu hút hơn 130 người tham gia cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, từ các tổ chức giáo dục liên quan, các công ty tư nhân ở Nhật Bản và Việt Nam cùng các cơ quan chính phủ của cả hai nước.

Monozukuri là từ ghép tiếng Nhật, trong đó “mono” là sản phẩm, và “zukuri” là quá trình tạo ra sản phẩm. Monozukuri là đặc trưng của tinh thần Nhật, đòi hỏi tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của khách hàng với niềm tự hào tiêu chuẩn Nhật. Đối với Việt Nam, Monozukuri là một khái niệm còn khá mới mẻ. Sự xuất hiện của các công ty Nhật Bản trên thị trường Việt Nam những năm gần đây, cùng những thành công từ các doanh nghiệp lớn khi áp dụng triết lý Monozukuri đã tạo ra một xu thế mới cho các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi và áp dụng.

1-1678437035.jpg
GS. Furuta Motoo - Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật phát biểu tại hội thảo “Tương lai của Monozukuri - Sản xuất theo phương thức Nhật Bản tại Việt Nam và vai trò đào tạo của các Trường Đại học tại Việt Nam”.

Hội thảo hợp tác giữa Trường Đại học Việt Nhật, Mitani Sangyo và Koganei Seiki dựa trên từ khóa “Sản xuất theo phong cách Nhật Bản” với mục đích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có thể nhanh chóng nắm bắt được nền sản xuất của Nhật Bản, bên cạnh đó kích thích tính sáng tạo và hiệu suất làm việc của người lao động. Sau những thành công gặt hái được từ hội thảo lần thứ nhất được tổ chức năm 2021, năm nay là năm thứ 2 hội thảo được tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, ông Watanabe Shige - Phó Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: “Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Trường Đại học Việt Nhật có thể nói là biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai nước. Chúng tôi khẳng định tầm quan trọng của Trường Đại học Việt Nhật và mong muốn hỗ trợ hơn nữa để phát huy tiềm năng và làm cho trường ngày càng phát triển sôi động hơn”.

Tại hội thảo, ông Shibutani Yoji - Giáo sư Đại học Osaka kiêm Viện trưởng Viện Khoa học Bền vững - Trường Đại học Việt Nhật, giới thiệu chương trình đào tạo mới “Cơ điện tử thông minh và sản xuất theo phương thức Nhật Bản”, chương trình đào tạo bậc đại học mới mở trong năm 2023 của Trường Đại học Việt Nhật. Đây là chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở hỗ trợ về học thuật của Đại học Osaka và các hỗ trợ khác từ Jica. Vật liệu - Gia công - Lắp ráp là những yếu cố cần thiết cho sản xuất theo phương thức Nhật Bản và điều đó cho thấy Nhật Bản có thế mạnh lịch sử trong từng lĩnh vực. Giáo sư Shibutani Yoji nhấn mạnh chương trình đào tạo mới tại Trường Đại học Việt Nhật được thiết kế để đáp ứng toàn diện ba yếu tố trên. Cùng với đó, GS. Fujimoto Takahiro đã giới thiệu và phân tích về Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa trong ngành công nghiệp sản xuất.

2-1678437088.jpg
Hội thảo “Tương lai của Monozukuri – Sản xuất theo phương thức Nhật Bản tại Việt Nam và vai trò đào tạo của các Trường Đại học tại Việt Nam” đã diễn ra tại Hà Nội.

Trong bài trình bày chính của GS. Fujimoto Takahiro - Đại học Waseda với tiêu đề “Chiến lược sản xuất kỹ thuật số cho những năm 2020” đã phân tích quá trình chuyển đổi lịch sử của ngành công nghiệp sản xuất Nhật Bản, các đặc điểm và thế mạnh của ngành công nghiệp sản xuất Nhật Bản cũng như so sánh thực trạng ngành này với thực trạng ở các quốc gia khác. Ngoài ra, GS. Fujimoto Takahiro đã trình bày một phân tích gợi ý về tương lai của ngành sản xuất Nhật Bản trong một thế giới mà quá trình số hóa đang phát triển và hướng đi mà ngành sản xuất của Việt Nam nên thực hiện.

Ở phần thảo luận được điều hành bởi GS. Enomoto Toshiyuki đến từ Đại học Osaka, và các thành viên khác gồm ông Kamoshita Yusuke - Chủ tịch Koganei Seiki với tư cách là một chuyên gia học thuật, công nghiệp liên quan đến sản xuất; TS. Nguyễn Văn Thắng - Giảng viên Trường Đại học Việt Nhật và GS. Fujimoto Takahiro, người đã có bài phát biểu quan trọng tại hội thảo. Các thành viên đã thảo luận về tương lai của ngành sản xuất tại Việt Nam và vai trò mới mà các trường đại học, trong đó TS. Nguyễn Văn Thắng nêu vấn đề giới trẻ Việt Nam rất quan tâm đến công nghệ thông tin và công nghệ tài chính, đồng thời bày tỏ kỳ vọng những người tham dự hội thảo sẽ hiểu rõ hơn về ngành công nghiệp sản xuất thông qua hội thảo này. Ông Kamoshita Yusuke - Chủ tịch Koganei Seiki cho biêt: “Có nhiều kỹ sư Việt Nam đang làm việc tại công ty của ông, đồng thời nhấn mạnh các công ty Nhật Bản luôn chào đón nguồn nhân lực nước ngoài xuất sắc”.

GS. Fujimoto chia sẻ: “Tôi cảm thấy rằng các nhân viên của Koganei Seiki dường như rất thích công việc của họ. Mọi người thường nghĩ rằng công việc trong nhà máy thật vất vả và nhàm chán, nhưng thực tế đang thay đổi. Nguồn nhân lực cho sản xuất không đơn thuần chỉ là công nhân nhà máy mà cũng là các nhà nghiên cứu, kỹ sư và nhà khoa học. Chúng tôi muốn thiết kế một chương trình kết hợp các yêu cầu của các công ty nơi sinh viên đang làm việc, vì vậy hãy đưa ra nhiều yêu cầu khác nhau”.

3-1678437123.jpg

Được biết, Trường Đại học Việt Nhật là thành viên thứ 7 của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), là mô hình đại học mới ở Việt Nam, thành lập năm 2014 trên cơ sở hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Trường được kỳ vọng sớm trở thành trường đại học đẳng cấp quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới trở thành nhà lãnh đạo, nhà quản lý và chuyên gia ở Việt Nam, Nhật Bản và trên thế giới.
Với sứ mệnh thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia, đồng thời xúc tiến chuyển giao tri thức Việt Nam Nhật Bản, Trường Đại học Việt Nhật đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tổ chức các chuỗi hội thảo chia sẻ thông tin, tạo cơ hội cho nguồn nhân lực trẻ tại Việt Nam tìm hiểu, tiếp cận thực tiễn.

Đạm Quang Lê