Phát triển chè hữu cơ mang lại nhiều giá trị cho người nông dân

Trong bối cảnh an toàn vệ sinh thực phẩm đang trong tình trạng báo động, chè hữu cơ có độ an toàn vệ sinh thực phẩm cao, đảm bảo chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Nhận thấy nhiều lợi ích của chè hữu cơ, nông dân trồng chè tại xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã nhiệt tình hưởng ứng.

Xã Bảo Hưng hiện có hơn 150ha chè kinh doanh, trong đó chủ yếu là giống chè Bát Tiên với hơn 70ha, còn lại là chè Phúc Vân Tiên và các giống chè khác. Trên địa bàn có trên 300 hộ dân sản xuất chè, trước đây, đa phần người dân trong xã canh tác theo cách truyền thống. Việc sử dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý đã làm giảm chất lượng của chè, gây bạc màu đất và ô nhiễm môi trường.

Qua việc triển khai một số dự án tại địa phương như dự án "Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học tỉnh Yên Bái", mô hình “Sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái triển khai, đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong canh tác chè, chuyển từ phương thức truyền thống sang hướng hữu cơ, sinh thái.

nguoi-dan-xa-bao-hung-thu-hai-che-bat-tien-1689910510.jpg
Người dân xã Bảo Hưng thu hái chè Bát Tiên (Ảnh trang thông tin điện tử Huyện Trấn Yên)

Khi những nương chè dần thích nghi với phương thức canh tác mới, hiệu quả về kinh tế còn được thể hiện ở chi phí chăm sóc giảm đáng kể so với dùng phân và thuốc trừ sâu hóa học. Chất đất đã không còn bị chai cứng mà trở nên tơi xốp, dễ canh tác. Từ đó tiết kiệm được nước tưới vì đã có lớp mùn dày bám trên mặt đất. Những thiên địch có lợi dần phát triển, giải quyết vấn đề sâu bệnh, bà con không còn phải phun thuốc trừ sâu hóa học tràn lan như trước. Môi trường đất, nước và không khí vì thế đều được cải thiện.

Gia đình ông Vũ Ngọc Tề ở thôn Trực Thanh có 0,6 ha chè Bát Tiên, hiện toàn bộ diện tích này được sản xuất theo hướng hữu cơ, chè được bón phân chuồng ủ hoai mục và phân vi sinh, việc phòng trừ sâu bệnh cũng được sử dụng bằng các chế phẩm sinh học. Nhờ đó, sản phẩm chè của gia đình ông đã tạo được thương hiệu chè sạch, hương vị thơm ngon, mỗi năm diện tích chè mang lại thu nhập cho gia đình ông Tề từ 100 triệu trở lên. Ông Vũ Ngọc Tề chia sẻ: “Được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương và cán bộ khuyến nông tập huấn hướng dẫn kỹ thuật ủ phân vi sinh để chăm sóc cây chè và làm các chế phẩm sinh học phòng chống sâu bệnh nên diện tích chè của tôi phát triển tốt, sản phẩm làm ra được người tiêu dùng tin cậy. Đặc biệt, chúng tôi được sống trong mô trường sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường từ phân hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật”.

Xã Bảo Hưng đã thành lập được 9 tổ hợp tác và 1 Hợp tác xã sản xuất chè. Các tổ hợp tác và HTX đều lựa chọn quy trình sản xuất chè theo hướng hữu cơ và đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ việc cải tạo giống, khâu chăm sóc, thu hái, chế biến… đều tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt. Trong khâu chế biến, HTX cũng chú trọng từng công đoạn để bảo đảm có được sản phẩm tốt nhất. Đến nay, HTX chè xanh chất lượng cao của xã đã có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao là trà Bát Tiên Bảo Hưng và trà túi lọc Bát Tiên Bảo Hưng. Các sản phẩm này đã được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh với giá từ 250. 000 – 300.000 đồng/kg.

Hiện ở xã Bảo Hưng đã có hàng trăm hộ dân áp dụng các biện pháp canh tác chè theo hướng hữu cơ và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ngăn ngừa và hạn chế rủi ro do các nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chè, môi trường, sức khỏe của người dân trong sản xuất. Ban đầu chỉ những hộ dân tham gia mô hình, dự án sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tham gia, dần dần, những hộ dân trong xã thấy đây là cách làm không những nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị cho sản phẩm chè mà còn mang tính bền vững nên phong trào trồng chè hữu cơ được lan toả trong toàn xã.

Ông Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Hưng cho biết hiện nay ở Bảo Hưng đã quy hoạch phát triển được vùng nguyên liệu chè sạch khoảng hơn 40ha. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành hữu quan, tích cực tuyên truyền vận động người dân mở rộng diện tích chè sản xuất theo phương thức hữu cơ, mở rộng diện tích chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, kiểm soát chặt chẽ và hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật ở các vườn chè. Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa hoạc kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thêm các sản phẩm chè OCOP để nâng cao giá trị, thu nhập cho bà con.../.