Phát huy vai trò đường sắt nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Để tạo thuận cho xuất khẩu nông sản trong nước, ngoài đường bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành có giải pháp nâng cao năng lực đường sắt, xây đường chuyên dụng để tăng vận chuyển nông sản sang Trung Quốc.
van-chuyen-nong-san-03-1707350502.jpg
Cần hiện đại hóa hệ thống đường sắt và nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt để tăng lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc.(Ảnh minh họa)

Phát huy vai trò đường sắt trong hệ thống logistics

Hệ thống logistics (phương thức vận chuyển đường bộ, biển, hàng không) hiện là điểm nghẽn, chưa được khai thác hiệu quả dẫn tới chi phí cao và giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt khi xuất khẩu. Tại công điện ngày 6/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành tăng kết nối, hoàn thiện hệ thống logistics để tăng lưu thông hàng hóa, nông sản sang Trung Quốc.

Công điện nêu rõ: Hạ tầng hệ thống logistics có ý nghĩa rất quan trọng trong tổng thể nền kinh tế nói chung và phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư phát triển hệ thống logistics thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo thuận lợi cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, kết nối sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản, góp phần ổn định an ninh lương thực, đảm bảo nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội nước ta trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, so với sức sản xuất, tiềm năng, lợi thế nông nghiệp hiện nay, hệ thống logistics vẫn còn là một điểm nghẽn trong kết nối giữa sản xuất và đưa nông sản ra thị trường trong nước và quốc tế nói chung, thị trường các nước láng giềng như Trung Quốc nói riêng; kết nối vận chuyển đường bộ, đường biển, hàng không theo phương thức tiêu thụ truyền thống vẫn chưa thật sự hiệu quả, các phương thức tiêu thụ thông qua thương mại điện tử còn thiếu và hạn chế dẫn đến chi phí logistics còn cao, giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt.

van-chuyen-nong-san-02-1707350538.jpg
Xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc bằng đường sắt. (Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh hiện nay và các năm tiếp theo còn nhiều yếu tố bất ổn, cơ hội và thách thức đan xen, việc hoàn thiện hạ tầng hệ thống logistics phục vụ sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu có ý nghĩa hết sức quan trọng cần được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Để nhanh chóng hoàn thiện hệ thống logistics nhằm kết nối, sản xuất nông sản, phục vụ tốt hơn phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới, Thủ tướng chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: NN-PTNT, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Ngoại giao; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam và các Hiệp hội ngành hàng nông nghiệp khẩn trương triển khai các nhiệm vụ quan trọng.

Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương trao đổi, làm việc với Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, Cục Đường sắt quốc gia Trung Quốc, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc và chính quyền các tỉnh giáp biên phía Trung Quốc về các giải pháp cấp thiết và trung - dài hạn, giúp tối ưu hóa chi phí, thời gian vận chuyển các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Hỗ trợ giảm tình trạng ùn tắc trong vận chuyển nông sản tại cửa khẩu

Trước mắt là hỗ trợ khai thác tuyến vận tải container đường sắt liên vận quốc tế Việt - Trung để tăng lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản vận chuyển qua đường sắt nhằm giảm thiểu tình trạng ùn ứ, ách tắc đường bộ qua cửa khẩu biên giới thời gian qua.

Bộ Giao thông vận tải tập trung tổ chức các giải pháp nhằm hiện đại hóa hệ thống đường sắt và nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt để tăng lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Trước mắt, sớm thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối hệ thống đường sắt tại cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai) để tạo thuận lợi cho giao nhận hàng hóa bằng đường sắt tại cửa khẩu này.

van-chuyen-nong-san-01-1707350567.jpg
Bốc dỡ hàng hóa nông sản tại cửa khẩu.(Ảnh minh họa)

Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải, trong quý 1/2024, chủ trì, phối hợp Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương trao đổi, làm việc phía Trung Quốc để tối ưu hóa chi phí vận chuyển, thủ tục thông thương, nhanh chóng xây dựng đường chuyên dụng hàng hóa nông sản tại các cặp cửa khẩu phụ giáp biên (Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh, Lai Châu, Hà Giang) có tính kết nối các trục giao thông đang xây dựng để thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân địa phương, doanh nghiệp hai nước, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu hai phía.

Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án "Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050" để làm căn cứ tổ chức và triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển hệ thống logistics nông sản đáp ứng yêu cầu thực tiễn trước mắt và dài hạn. Phối hợp với các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch các Trung tâm dịch vụ logistics nông sản.

Năm 2023, Việt Nam xuất khoảng 11,5 tỷ USD các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc, trong đó sầu riêng trên 2 tỷ USD. Ngoài sầu riêng, 13 loại nông sản khác được xuất chính ngạch sang thị trường này, như tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây. Việc nâng cao năng lực hệ thống logistics trong vận chuyển nông sản sẽ góp phần nâng sức cạnh tranh của nông sản Việt khi xuất khẩu./.

Trọng Bình