Những người viết tiếp truyền thuyết Yaly

Nhà báo Vũ Quang: Đây chính là tên bộ phim của tôi – phóng viên Vũ Quang của trung tâm truyền hình thanh niên thuộc trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát sóng vào tết âm lịch năm 1996 tức là xuân Bính Tý trên VTV1.

Cũng như các phóng viên của các đài truyền hình, các tờ báo trong cả nước tôi có mặt tại công trường thủy điện Yaly trong ngày lấp sông Sê san đợt 2.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh lấp sông trong niềm vui vỡ òa của nhân dân hai tỉnh Gia lai và Kon tum cùng tập thể cán bộ, kỹ sư và công nhân tổng công ty Sông Đà.

Với sự kiện quan trọng nhất của Tây nguyên vào năm 1995 đó các báo đài từ trung ương đến địa phương đều đưa tin, phóng sự và ghi nhanh của phát thanh vì đây là lần đầu tiên các cán bộ, kỹ sư và công nhân thủy điện Việt Nam tự thiết kế và xây dựng công trình thủy điện lớn nhất Tây nguyên.

Còn với tôi ngoài việc đưa tin về ban biên tập tôi tranh thủ thu thập tư liệu về hình ảnh, gặp gỡ nhân vật cho phóng sự truyền hình dài hơi.

thac-2-1024x768-1633441919.jpg
Tạp chí người làm báo tháng 9/2021

Những viên đá dưới chân thác Yaly

Tôi nhìn những viên đá sỏi trơ lại dưới chân thác Yaly xinh đẹp khi dòng sông Sê san được ngăn lại và nhớ lại truyền thuyết Yaly…

Chuyện kể rằng: Ngày xưa vùng đất này luôn khô hạn, người sông thiếu nước sống khổ sở,đói khát. Một lãnh chúa của vùng đất này biết một nguồn nước ngọt lại đem lòng yêu thương một cô gái xinh đẹp nhất vùng có tên Yaly.

Vị lãnh chúa này nói: Nếu em tiết lộ bí mật này cho dân làng em sẽ phải chết.

Biết được sự thật này nhưng cô gái Yaly vẫn không giữ bí mật cho riêng mình khi hàng ngày chứng kiến những người dân bị đói khát. Và một bi kịch thật đau thương. Nàng Yaly xinh đẹp và tốt bụng đã phải chết sau khi chỉ cho dân làng nơi có nguồn nước quý giá. Mái tóc của cô gái trẻ biến thành dòng thác Yaly chảy suốt đêm ngày cùng âm thanh dạt dào mang lại ấm no, sung túc cho bản làng của cô cùng những người dân trên vùng đất Bazan đầy nắng và gió.

Và bằng sự liên tưởng mạnh mẽ tôi đã nghĩ ngay cái tên phóng sự ngợi ca những người thợ thủy điện sông Đà: Những người viết tiếp truyền thuyết Yaly.

Những chi tiết không thể quên

Với chiếc máy quay VHS M1000, tôi đã ghi lại hình ảnh cán bộ, công nhân của Tổng công ty sông Đà đến thăm và tặng quà cho công dân đầu tiên của những người làm thủy điện Việt nam. Cô bé có cái tên Ly gắn liền với thác Yaly huyền thoại.

Cú zoom in vào công dân đầu tiên trên công trường thủy điện Yaly trong tình yêu thương của lãnh đạo và công nhân là một cú máy, một chi tiết khó quên.

Những viên sỏi đá của thác nước Yaly trơ ra dưới ánh nắng mặt trời khiến tôi liên tưởng đến việc những nhà máy thủy điện mang lại dòng điện – nguồn sáng cho đất nước nhưng đã lấy đi những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp gắn với truyền thuyết vô cùng đẹp đẽ và nhân văn?

Câu hỏi này sau đó tôi đặt trước Bộ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Mạnh Kiểm. Ông đăm chiêu suy nghĩ và khất nhà báo Vũ Quang sẽ trả lời vào dịp khác.

Sau vài năm trong cuộc gặp gỡ đồng chí Vũ Trọng Kim, bí thư thứ nhất trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, bộ trưởng vẫn nhắc lại câu hỏi của tôi và khen câu hỏi hay và khó…

Ca khúc Tình ca Tây Nguyên được sử dụng cho phần mở đầu và kết của phóng sự.

Không ít những ca khúc về Tây nguyên đã nằm lòng trong tôi, tuy nhiên khi thực hiện phóng sự này tôi lại chọn bài hát này: ” Trời Tây nguyên xanh..la la…Hồ trong nước xanh…la Trường sơn xa xanh la la la lá la. Những con đường đất đỏ, trải dài trên cao nguyên, những năm dài thương nhớ…”

Giai điệu thiết tha cùng những ca từ đẹp gợi cho tôi cách quay phim và dựng phim. Xin cảm ơn nhạc sĩ tài hoa Hoàng Vân đã viết ra ca khúc này. May mà hồi đó chưa thực hiện bản quyền âm nhạc. Nhạc sĩ Hoàng Vân đã đi xa. Xin được viết những dòng chữ này để bày tỏ tình cảm của những người làm truyền hình với các nhạc sĩ, đặc biệt là nhạc sĩ Hoàng Vân!

Các tác phẩm, ca khúc của các nhạc sĩ cùng giọng hát tuyệt vời của các ca sĩ là nguồn cảm xúc cho những người làm truyền hình.

thac-yaly-1633442205.jpg
Thác Yaly ( Ảnh Đồng hương Kon tum)

Ê kíp làm phim chỉ có duy nhất 1 người

Cách đây 25 năm, các phóng viên truyền hình đôi khi phải tác nghiệp chỉ có một mình, vừa là người viết kịch bản, lời bình vừa phải quay phim và hoàn thiện tác phẩm. Các thành phần tham gia hậu kỳ là người dựng phim và phát thanh viên.

So với hôm nay, khi điện thoại thông minh và máy ảnh cùng công nghệ cao cho phép người làm phim có thể hoàn thành phim chỉ bằng chiếc điện thoại.

Nghĩa trang của những người làm thủy điện

Tôi đề nghị anh hùng lao động Nguyễn Khắc Luận khi đó là chủ tịch công đoàn tổng công ty sông Đà đưa ra thắp hương các liệt sĩ sông Đà đã hy sinh trong quá trình xây dựng công trình thủy điện lớn nhất Tây nguyên.

Những ngôi mộ còn chưa kịp xanh cỏ bên những ngôi mộ cỏ đã úa. Những tấm bia đơn sơ ghi tên tuổi, quê quán và đơn vị công tác với những người sinh 6X, 7X khiến chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động khi nghĩ đến cha mẹ, vợ con họ…

Tôi cùng anh hùng Nguyễn Khắc Luận thắp hương cho khoảng 50 ngôi mộ với lòng thành kính và biết ơn. Vâng, họ chính là những người viết tiếp truyền thuyết Yaly. Họ chính là những người đổ xương máu vì dòng điện Tây Nguyên. họ chính là niềm tự hào của những người xây dựng thủy điện Việt Nam. Họ là những huyền thoại mới trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Nhớ về những người làm thủy điện anh hùng của đất nước trong mùa thu Tân Sửu và nhớ lời ca khúc Tình ca Tây nguyên của nhạc sĩ Hoàng Vân: Yêu em anh từng xông pha nơi lửa đạn, yêu em trên đất đỏ cao nguyên em chờ anh! Đất chờ nước nước theo anh về, cho Tây nguyên thêm xanh, cho tình em thêm xanh…

Vũ Quang- nguoilambao.vn