Nhật Bản hỗ trợ đào tạo phục hồi chức năng cho người cao tuổi

Trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng cho người cao tuổi mắc bệnh mãn tính ở miền Bắc Việt Nam”, Đại học Kobe và Đại học Y Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến chuyên đề về hoạt động trị liệu ở Asean vào ngày 4/11/2022. Đây là dự án thuộc Chương trình Đối tác Phát triển (JPP) của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Jica).

Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin về hoạt động trị liệu và lịch sử phát triển cũng như giai đoạn chuyển đổi của hoạt động này tại Nhật Bản - đất nước có dân số già hàng đầu thế giới, và tại Thái Lan - đất nước có dân số già hàng đầu Asean.

1-1667615232.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến chuyên đề về hoạt động trị liệu ở Asean vào ngày 4/11/2022.

04 bệnh viện tại Hà Nội được lựa chọn là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Phục hồi Chức năng Hà Nội, đã giới thiệu các dịch vụ hoạt động trị liệu hiện đang được phát triển trong lĩnh vực phục hồi chức năng tại Việt Nam.

Hội thảo thu hút sự tham gia của khoảng 90 đại biểu với 70 chuyên gia phục hồi chức năng của Việt Nam, các đối tác của Dự án và các đơn vị hoạt động trong các dự án về hoạt động trị liệu của các tổ chức phi chính phủ, như Tổ chức Nhân đạo và Bao trùm (HI), Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV), Trung tâm Quốc tế (IC) và Tổ chức Hỗ trợ Người khuyết tật Việt Nam (VNAH), cùng 20 đại biểu đến từ Nhật Bản, bao gồm các sinh viên đang theo học về hoạt động trị liệu tại Đại học Kobe.

2-1667615281.jpg
GS. Tanemura Rumi - Đại học Kobe, đồng thời là Giám đốc Dự án, phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo diễn ra trong giai đoạn cuối của Dự án hợp tác giữa Đại học Kobe và Đại học Y Hà Nội trong khuôn khổ chương trình JPP đề cập ở trên, được triển khai từ tháng 5/2019 và xuyên suốt Đại dịch Covid-19.

GS. Tanemura Rumi - Đại học Kobe, đồng thời là Giám đốc Dự án chia sẻ: “Đối với vấn đề già hoá dân số của Việt Nam trong tương lai gần, Đại học Y Hà Nội và Đại học Kobe đã thực hiện phục hồi chức năng cho người cao tuổi dựa trên hoạt động trị liệu trong ba năm rưỡi, và đặt mục tiêu đào tạo được 12 giảng viên về hoạt động trị liệu. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chương trình từng có nguy cơ phải dừng lại, tuy nhiên chúng tôi đã thực hiện đào tạo theo hình thức trực tuyến”.

3-1667615313.jpg
PGS. Phạm Văn Minh - Đại học Y Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Đại học Kobe và Đại học Y Hà Nội hy vọng hội thảo sẽ đóng vai trò định hướng cho mục tiêu chung của dự án là “góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc, cũng như phòng chống suy giảm trí tuệ ở người cao tuổi khu vực phía Bắc, thông qua phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng cho người cao tuổi, chủ yếu bằng hoạt động trị liệu”.

PGS. Phạm Văn Minh - Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Thông qua dự án, các cán bộ đào tạo về hoạt động trị liệu đến từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Phục hồi Chức năng Hà Nội đã có cơ hội bổ sung thêm kiến thức cơ bản trong hoạt động trị liệu dành cho người lớn tuổi mắc các bệnh mãn tính. Bên cạnh đó, dự án cũng tạo điều kiện cho các cán bộ đào tạo cùng với sự phối hợp của trường Đại học Kobe tiến hành giảng dạy và đào tạo lâm sàng cho các bác sĩ và chuyên viên trị liệu ở miền Bắc Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng dự án sẽ là bước đầu trong việc xây dựng các chương trình đào tạo hoạt động trị liệu trong tương lai”.

4-1667615799.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam được dự báo sẽ tăng nhanh trong 20 năm kể từ năm 2010, mạnh hơn Nhật Bản. Mặc dù, các liệu pháp y tế đối với các bệnh mãn tính đã được Việt Nam thực hiện từ đầu thế kỷ XXI, khi các bệnh không lây nhiễm có chiều hướng gia tăng, việc thực hiện các liệu pháp đối với các bệnh lão khoa cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục hồi chức năng như hoạt động trị liệu vẫn chưa đạt được nhiều kết quả.

Việc chuyển giao các kỹ thuật phục hồi chức năng cho người cao tuổi từ Nhật Bản cho Việt Nam là điều rất quan trọng và có ý nghĩa đối với Việt Nam. Nhật Bản đã trở thành một xã hội với dân số ‘siêu’ già và hơn 6,02 triệu người bị suy giảm trí tuệ, cũng như nhiều người cao tuổi khuyết tật vẫn đang sống hoà nhập với cộng đồng nhờ vào các kỹ thuật về phục hồi chức năng dành cho người cao tuổi.

Đạm Quang Lê - Đoàn Thoa