Chuyện nam nhà báo rẽ lối sang làm nông nghiệp sạch

Thời còn làm báo, Nguyễn Văn Cường là phóng viên xông xáo, nhiệt huyết với nghề. Anh cần mẫn tìm tòi, đem đến những thông tin bổ ích cho bạn đọc. Và rồi, "đùng một cái", anh rẽ ngang sang làm nông nghiệp hữu cơ...

Một thủa dấn thân với nghề viết

Tôi với Cường làm báo cùng nhau từ thuở còn hàn vi. Cường bản tính xông xáo, chấp nhận dấn thân vào những nơi nóng bỏng, nhằm đem đến cho bạn đọc những thông tin nóng hổi. Rồi anh đầu quân cho một tờ báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, phụ trách luôn mảng biển đảo, với những chuyến đi biển dài ngày, đem về những bài viết sắc sảo, chứng minh chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nêu những khó khăn, vất vả của các chiến sĩ làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo, với bút danh Hồng Chuyên.

img-8922-1687188148.jpg
Nguyễn Văn Cường, cựu phóng viên Báo điện tử Infonet (nay Báo Infonet đã sáp nhập vào Báo Vietnamnet)

Tên khai sinh của anh là Nguyễn Văn Cường, người huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội, trình độ chuyên môn: Cử nhân Báo chí, Cử nhân Luật. Tôi với Cường từng lăn lộn làm Tạp chí Người tiêu dùng, tôi có trách nhiệm tổ chức nội dung, còn Cường là phóng viên xông xáo vào các ngõ ngách của cuộc sống, nhằm đem đến những thông tin bổ ích cho bạn đọc. Khi tôi về Tạp chí Văn hóa Doanh nhân làm với nhà văn Lê Lựu (hiện đã qua đời), Cường vẫn đang bươn trải, lăn lộn cộng tác với một số tờ báo. Rồi tôi được tin anh đầu quân cho tờ Báo điện tử Infonet, nay thuộc Báo VietNamnet, của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tại đây, Nguyễn Văn Cường được giao phụ trách tuyến bài về biển đảo, với bút danh Hồng Chuyên, được anh em bạn đồng nghiệp đặt cho nickname Hồng Chuyên Biển Đảo.

Những chuyến đi thực tế, để hiểu thêm về cuộc sống

Để có nickname Hồng Chuyên Biển Đảo, nhà báo Nguyễn Văn Cường có loạt bài lý luận chặt chẽ về chủ quyền biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông; chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các bài viết của Hồng Chuyên không chỉ chặt chẽ về lí luận, mà còn đầy ắp kiến thức pháp lí về biển đảo. Không chỉ có những kiến thức, pháp lí về chủ quyền biển đảo, Hồng Chuyên còn có những chuyến đi thực tế, để hiểu thêm về cuộc sống của những người lính biển, về những người lính ngày đêm vượt mọi khó khăn để gìn giữ chủ quyền của đất nước với quần đảo Trường Sa.

Tháng 6/2013, lần đầu tiên Hồng Chuyên may mắn được ra Trường Sa. “Tưởng có chuyến đi nhẹ nhàng. Ai ngờ đó lại là cuộc trải nghiệm thách thức đáng nhớ đối với tôi. Tôi vốn có tật say tầu xe, đụng đến đi tầu, xe tôi còn bị say, nói gì đến ra biển gặp sóng, gió? Thế nhưng, việc thâm nhập thực tế cuộc sống của các chiến sĩ biển đảo, là mong mỏi của tôi. Đến Trường Sa là tâm nguyện của tôi, để được nhìn, được biết đến từng phần đất của Tổ quốc mình vẫn viết mỗi ngày” – nhà báo Hồng Chuyên chia sẻ.

Chuyến đi đó do Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức, thành phần là một số thân nhân lính biển, đi khá nhiều đảo với thời gian hơn 10 ngày. Những ngày cuối tàu gặp lúc biển động, sóng to, là lúc Hồng Chuyên đối mặt với những cơn cực hình. Nhiều ngày không ăn uống được, mà liên tục chỉ nôn, có lúc nôn nhiều đến ứa máu. Qua đó, anh mới thấm nhuần những khó khăn, vất vả của người lính biển, những mất mát trong cuộc sống của họ. Chuyến đi tuy vất vả nhưng để lại cho nhà báo Hồng Chuyên nhiều kỷ niệm đẹp, những tư liệu thực tế quý báu. Những bài viết của Hồng Chuyên sau chuyến đi này đầy ắp trăn trở về người lính biển, thôi thúc anh tiếp tục gắn bó với biển đảo.

Chuyến thứ 2 Hồng Chuyên được chọn tham gia cùng các chiến sĩ hải quân, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa mà họ đang chiếm đóng trái phép. Hồng Chuyên kể, trong nhiều ngày Trung Quốc huy động lực lượng đông đảo, có lúc tời 150 tàu các loại, gồm cả tàu hộ vệ, tên lửa và máy bay cánh bằng… để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981. Hồng Chuyên lại lao vào tác nghiệp xen lẫn những cơn say sóng, mà anh bảo “như chết đi sống lại”.

Qua chuyến đi này, Hồng Chuyên một lần nữa “lột xác”, hiểu hơn thực tế cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo nhưng hiểm nguy luôn bủa vây các chiến sĩ. Sau chuyến đi trở về đất liền, Hồng Chuyên thành lập ngay nhóm Hậu phương người lính biển, bằng cách tập hợp bạn bè, đồng nghiệp, các mạnh thường quân… cùng quyên góp để giúp đỡ những số phận còn khó khăn, là người nhà, người thân của những người lính biển. Hồng Chuyên tìm những cảnh đời khó khăn của gia đình những người lính biển, lên phương án giúp họ vượt qua khó khăn, bằng khả năng của những tấm lòng thiện nguyện.

Rẽ ngang, mở lối đi mới

Đang tiến vùn vụt trong nghiệp làm báo với những bài viết sắc sảo về biển đảo, bỗng một hôm Cường thông báo với tôi "anh đã nộp đơn xin thôi nghề báo". Hỏi ra mới biết, anh tập hợp được một số nhà khoa học cùng chí hướng, thành lập Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ - IOA (thuộc Liêp hiệp các hội và Khoa học Kỹ thuật Việt Nam). Điều bất ngờ và lạ lẫm nhất, Cường được bầu làm Viện trưởng, chuyện tưởng như đùa, mà đó hoàn toàn là sự thật. Lần thứ 3 ra biển, anh không còn là phóng viên bụi bặm như xưa, mà ở cương vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ. Chuyến đi này, Cường dành tới 38 ngày để đi nhiều đảo nổi, khảo sát và lên phương án phủ xanh đảo bằng giống cỏ Vetiver có khả năng chống xói mòn, tạo sinh khối để sử dụng trong chăn nuôi, làm phân bón…

Lại nói, chuyến đi này cũng đầy những khó khăn, thách thức. Hành trình trải qua nhiều ngày sóng dữ, có lúc tàu đứt neo nghiêng tới 35 độ, có lúc phải loanh quanh ngoài biển do sóng lớn tàu không thể tiếp cận đảo… 38 ngày để lại một kỳ vọng các đảo được phủ xanh, giảm thiểu được cảm giác khô cằn trên các đảo đá của quần đảo Trường Sa. Và, sự kỳ vọng được đền đáp xứng đáng, khi nhận được tin cỏ Vetiver đã lên xanh mướt, bộ đội đã bắt đầu cắt cỏ làm thức ăn cho lợn. Thành công của chuyến đi này giúp cho Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ thêm tin tưởng, có thể nhân rộng vào cuộc sống.

img-8924-1687188404.jpg
Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ Nguyễn Văn Cường

Tìm cơ hội cho cuộc sống sạch

Trở lại hành trình từ nghề báo rẽ lối sang làm nông nghiệp hữu cơ, anh Cường cho biết, khi anh chuyển nhà về Hà Đông, hằng ngày, chứng kiến những người nông dân sử dụng thuốc sâu, thuốc diệt cỏ phun vào ruộng rau, Cường trăn trở, bệnh tật ở đây mà ra chứ đâu! Những trăn trở âm thầm lớn dần trong lòng, trong anh luôn đau đáu câu hỏi: "Phải làm sao góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sạch?". Nhưng làm nông nghiệp sạch vấp phải khó khăn vô cùng lớn, đó là đầu tư nhiều, giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh với thị trường. Trong một lần Cường gặp người bạn du học ở Nhật về, hai người nói chuyện với nhau cả một buổi chiều, chỉ xoay quanh việc nuôi con giun quế. Cường nhận thấy, chính con giun quế là chìa khóa để làm nông nghiệp hữu cơ, thế là bắt tay vào thực nghiệm và sau đó là thành công.

Ý tưởng thành lập Viện nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ được anh Cường ấp ủ từ năm 2015, đến ngày 10/5/2017, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ ra đời. Đề tài đầu tiên của Viện chính là thử nghiệm công nghệ sinh thái để trồng rau xanh tại quần đảo Trường Sa, nhưng trong anh vẫn đau đáu việc làm sao để làm nông nghiệp sạch, phổ biến rộng rãi hơn trong xã hội.

untitled-1687573112.jpg
Một số sản phẩm, dịch vụ của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ

Không chỉ làm giun quế để chế phân hữu cơ, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ còn nghiên cứu nhiều đề tài khác về chăn nuôi, trồng cây thuốc, đồng thời hỗ trợ người nông dân mở mang thị trường bền vững. Hiện, Viện đã thành công với công nghệ nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Đây là loại thảo dược quý xuất xứ từ vùng núi cao của Tây Tạng, Trung Quốc. Đông trùng hạ thảo tự nhiên của Tây Tạng có giá trị kinh tế rất cao, lên tới vài tỷ đồng/kg. Mong muốn mang đến cho người tiêu dùng dòng sản phẩm đông trùng hạ thảo nuôi cấy, giá thành hợp lý, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ đã tìm tòi, nghiên cứu và thực hiện thành công phương pháp nuôi cấy đông trùng hạ thảo từ bột nhộng tằm và các nguyên liệu khác, phân lập đúng chủng loại với tố chất cơ bản là Cordyceps Militaris, nuôi trong điều kiện mô phỏng tự nhiên, sản phẩm có hàm lượng cordycepin và adenosine khá tốt, mà giá bán chỉ trên dưới 100 triệu đồng/kg.

Trước những thành công của Cường và Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ, tôi thấy mừng cho anh. Mong rằng, thời gian tới, anh và Viện tiếp tục nghiên cứu, cung cấp những sản phẩm hữu cơ hữu ích cho cuộc sống, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Hoàng Linh