Nghị quyết “tam nông” từ lý luận đến thực tiễn (bài cuối):

Tháo gỡ điểm “nghẽn” nâng tầm “tam nông”

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết “Tam nông”, với sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất to lớn. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện
mo-hinh-trong-dua-vang-1704554119.jpg
Sản phẩm OCOP Dưa vàng Viên Hương đang gặp không ít khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ

Nhiều bất cập trong quá trình thực hiện

Nghị quyết 19 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII nêu: Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, có trách nhiệm, có khả năng cạnh tranh cao, tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế-xã hội cao, bền vững. Xây dựng nông thôn hiện đại, đó là nông thôn mang hơi thở của thời đại, văn minh, tiện nghi và hiện đại, nhưng vẫn là nông thôn, mang đậm văn hóa của cộng đồng.

Tại Thanh Hóa, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, bộ mặt “Tam nông” có nhiều đổi thay, từng bước gặt hái được những thành công nhất định. Bên cạnh đó, quá trình triển khai cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế dẫn đến hiệu quả mang lại chưa cao.

Theo đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, nhỏ lẻ, chưa có nhiều mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa đáp ứng yêu cầu. Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thực sự ổn định.

Chia sẻ về những bất cập trên, ông Bùi Văn Chương, Chủ tịch xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) cho biết: “Cẩm Long là xã thuộc khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, nên hoạt động sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn trong khâu tưới tiêu. Ngoài ra, do kết cấu hạ tầng còn hạn chế nên việc hình thành những vùng chuyên canh phát triển nông nghiệp quy mô lớn còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, theo hộ gia đình còn nhiều”.

Không chỉ có vậy, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn chậm và gặp nhiều khó khăn, phát triển thịt trường tiêu thụ nông, lâm sản hàng hóa còn nhiều hạn chế nhất định, chưa có sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có sản lượng lớn, có thương hiệu để cạnh tranh với nông sản trong và ngoài nước.

Ông Phạm Công Bảo, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Lạc cho biết: “Khó khăn đầu tiên mà chúng tôi gặp phải là việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, tiếp theo đó là việc quy hoạch vùng sản xuất, chỉ khi vùng sản xuất được quy hoạch thì mới đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp vào sản xuất được”.

trong-chanh-leo-1704554322.jpg
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều hạn chế

Ngoài ra, việc triển khai những sản phẩm tinh túy mang nét đặc trưng của vùng miền (OCOP) ở một số địa phương còn hạn chế, số sản phẩm OCOP được công nhận nhiều nhưng sức cạnh tranh, giá trị hàng hóa chưa được nông lên rõ rệt; chưa có nhiều sản phẩm mang thương hiệu tỉnh, địa phương được tiêu dùng phổ biến ở trong nước và xuất khẩu.

Theo số liệu thống kê của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho thấy, trên địa bàn tỉnh Đến nay, toàn tỉnh có 448 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm: 391 sản phẩm hạng 3 sao; 56 sản phẩm hạng 4 sao; 01 sản phẩm 5 sao. Riêng năm 2023, công nhận thêm 156 sản phẩm. Trong đó chỉ có 23 sản phẩm xuất khẩu, số còn lại chủ thể đều tự tìm kiếm thị trường qua các kênh kinh doanh truyền thống hoặc các sàn thương mại điện tử.

Không chỉ dừng lại ở đó, quá trình phát triển “Tam nông” cũng gặp không ít khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sạch đẹp gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chưa có nhiều chuyển biến, chưa được triển khai thực hiện đồng bộ ở các địa phương.

Gỡ "nút thắt" nâng tầm "Tam nông"

Để gỡ bỏ “nút thắt” nêu trên cần tập trung phổ biến, quán triệt, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới.

Xây dựng nông thôn mới phải đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững, tiến tới hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy thế mạnh, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh. Đẩy mạnh tích tụ tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.

san-pham-ocop-2-1704554439.jpg
Dù được công nhận là sản phẩm OCOP, nhưng đến nay, nhiều mặt hàng vẫn chưa thể cạnh tranh với các sản phẩm thông thường

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị.

Thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng. Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng.

Ông Lê Duy Tĩnh, Phó Chủ tịch xã Thanh Tân, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) cho biết: “Phần lớn dịch vụ kênh mương phục vụ tưới tiêu đến thời điểm hiện tại đều chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của bà con, vì vậy hệ thống tưới tiêu cần được tập trung đầu tư hàng đầu.

Ngoài ra, việc dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cây cơ cấu cây trồng cũng cần được triển khai một cách đồng bộ, theo chủ trương, chính sách cụ thể, không thể để người dân mạnh ai nấy làm”.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật (TBKT) vào sản xuất nông nghiệp là bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, làm “đòn bẩy” để phát triển nông nghiệp. Đây cũng là giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững trong thời 4.0.

Ông Phạm Văn Mạnh, trú tại xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, (Thanh Hóa) cho biết: “Làm nông nghiệp muốn có kết quả cao, trước hết phải ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, từ cây giống, phân bó đến các dụng cụ máy móc… Tuy nhiên, đến nay phần lớn các hộ dân vẫn chưa có điều kiện tiếp cận được với công nghệ nông nghiệp do chi phí lớn”.

Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương cũng cần chủ động khai thác hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), từ đó mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu… có như vậy thì “Tam nông” mới từng bước phát triển bền vững, trở thành trụ cột nâng đỡ nền kinh tế của nước nhà./.

Hà Khải