Nghệ An nỗ lực đưa sản phẩm OCOP vào phát triển du lịch

Phát triển du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc xây dựng các sản phẩm OCOP gắn liền với du lịch tỉnh Nghệ An thực sự rất có thị trường rất có tiềm năng.
quay-trung-bay-1694259458.jpg
Những gian hàng phía ngoài khu di tích Kim Liên bày bán nhiều sản phẩm mang bản sắc địa phương.

Để sản phẩm OCOP trở thành một thành tố phục vụ ngành du lịch, rất cần làm một cách bài bản, hướng dẫn tư vấn cụ thể, sâu sát, và thường xuyên liên tục và dài hơi.

Sản phẩm OCOP chưa chủ động vào cuộc

Nghệ An là tỉnh đa dạng về địa hình, đa thành phần dân tộc nên cũng đa dạng về đặc sản vì thế Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước (sau Hà Nội) về số lượng sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao. Đến hết năm 2022, Nghệ An có 403 sản phẩm từ 3 sao trở lên (chiếm 4,6% cả nước), trong đó 43 sản phẩm 4 sao, 359 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao, với sự đa dạng, phong phú. Khá nhiều sản phẩm đã vượt xa khỏi địa phương, vào được siêu thị, tới các thành phố lớn và xuất khẩu. Tuy nhiên, ít có sản phẩm nào trở thành sản phẩm chính thức phục vụ du lịch chung của tỉnh.

Qua khảo sát, có thể thấy, sản phẩm OCOP mới chỉ tiếp cận được người tiêu dùng bình thường chứ chưa chiếm lĩnh được thị trường du lịch, chưa có sản phẩm tạo thương hiệu cho du lịch Nghệ An và có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách du lịch ngoại tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm quà tặng tại các điểm du lịch...

Khi về thăm Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên, rất nhiều du khách ngoại tỉnh đã bày tỏ: “Muốn mua một sản phẩm nào đó mang đặc trưng của quê Bác về để biếu, tặng người thân và bạn bè, nhưng rất khó chọn. Những gian hàng trong khu vực di tích chỉ bày bán những sản phẩm bình thường có thể mua bất cứ ở đâu trong nước. Có một ít sản phẩm mang bản sắc địa phương được bày bán thì không phù hợp để mua làm lưu niệm, quà tặng”.

Khảo sát thực tế tại cửa hàng sách, vật phẩm văn hóa, lưu niệm do Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên quản lý và những gian hàng phía ngoài khu vực đậu xe của khu di tích cho thấy đang bày bán nhiều tranh, ảnh, sách về danh nhân, áo, mũ có in dòng chữ “Kỷ niệm về thăm quê Bác” với giá rẻ, chất lượng kém. Các vật phẩm quà tặng bày bán ở đây lại phần nhiều đến từ các địah phương khác như dầu Tràm (Huế), bánh chè lam (Thái Bình), cơm cháy (Thanh Hóa), kẹo dừa (Bến Tre), kẹo cu đơ (Hà Tĩnh), thậm chí còn có đồ chơi trẻ từ Trung Quốc, dép cao su… không rõ xuất xứ.

Trong khi đó, huyện Nam Đàn hiện có rất nhiều các sản phẩm OCOP chất lượng, đã được gắn 3 sao, 4 sao cấp tỉnh như giò bê, tinh bột sắn dây, miến Quy Chính, các sản phẩm từ sen… lại “vắng bóng” tại các quầy hàng. Ông Phạm Kim Tiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sen Quê Bác bày tỏ: “Hợp tác xã hiện sở hữu 9 sản phẩm OCOP, trong đó, có 4 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm của đơn vị đều có nguồn gốc từ sen mang rõ đặc trưng của Kim Liên, quê Bác. Chúng tôi và một số đơn vị khác đã vài lần đề đạt xin được mượn, thuê quầy hàng, cửa hàng khu vực khu di tích để giới thiệu, bày bán sản phẩm nhưng chưa nhận được sự đồng ý. Thực sự, nếu đưa những sản phẩm OCOP của địa phương vào bày bán tại đây thì du khách sẽ ấn tượng hơn. Mặt khác, theo tôi không nên bày bán những thứ không rõ nguồn gốc, không mang nét đặc trưng nào của Nghệ An”.

tra-sen-1694259857.jpg
Sản phẩm Trà sen ở Nam Đàn.

Ở đô thị du lịch biển Cửa Lò, tại khu vực trung tâm tắm biển, nghỉ dưỡng, những quầy hàng lưu niệm, các mặt hàng được bày bán chủ yếu là hàng tiêu dùng và hàng may mặc khá phổ biến trên thị trường. Gần như không có quầy hàng nào bày bán các sản phẩm OCOP của thị xã Cửa Lò và các địa phương trong tỉnh. Tình trạng này cũng diễn ra tại các khu chợ ở Cửa Lò, các sản phẩm OCOP của địa phương gần như vắng bóng. Theo các tiểu thương, những mặt hàng như nước mắm, cá thu và mắm tôm dù đã được công nhận là sản phẩm OCOP nhưng rất khó tiêu thụ. Vì khi cần, người dân địa phương sẽ đến mua tại cơ sở chế biến, trong khi khách du lịch thì không mấy mặn mà.

Câu chuyện các cửa hàng đặc sản Nghệ An đang bày bán sản phẩm “thập cẩm” của các tỉnh, thành khác, vắng bóng sản phẩm OCOP của địa phương không chỉ xảy ra tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh. Tình trạng này cũng diễn ra tại các điểm, trạm dừng chân trên địa bàn.

Đã gắn “sao” nhưng sản phẩn OCOP vẫn vắng bóng

Mặc dù, Nghệ An có nhiều sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao trở lên và cũng đã đặt vấn đề phát triển sản phẩm phục vụ du lịch, thậm chí có đề án phát triển, nhưng cách làm và giải pháp không rõ ràng nên chưa thành công. Trong khi đó, thời gian triển khai chương trình OCOP mới được 4 năm, quãng thời gian quá ngắn đối với việc phát triển một sản phẩm hàng hóa.

Việc sản phẩm OCOP vắng bóng trên thị trường du lịch, chưa được du khách ưa chuộng do nhiều nguyên nhân. Trước hết, tự thân các sản phẩm OCOP chưa thật sự hấp dẫn, thiếu sức cạnh tranh, chưa khẳng định được thương hiệu, chưa phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Thứ đến, khâu quảng bá sản phẩm còn nhiều hạn chế, đặc biệt là quảng bá sản phẩm trên các kênh online, thương mại điện tử chưa bắt mắt, sinh động, hấp dẫn. Thứ ba, việc lựa chọn, xây dựng sản phẩm OCOP chưa được chú trọng vào tính đặc trưng, đặc thù, tiêu biểu. Việc xây dựng và thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” còn chạy theo phong trào. Bản thân người tiêu dùng ở Nghệ An chưa ủng hộ sản phẩm OCOP bản địa, chưa làm cho sản phẩm quê hương nổi bật lên. Cuối cùng là chưa có nơi để tập trung quảng bá cũng như bán hàng cho khách du lịch một cách đúng tiêu chuẩn. Vì vậy, khách muốn mua cũng không biết mua ở đâu.

Lý giải về thực tế vắng khách, các nhân viên tại trạm dừng nghỉ và cửa hàng đặc sản trên địa bàn Nghệ An cho rằng: Khách hàng nói chung, du khách nói riêng thường chọn rất kỹ trước khi quyết định mua một sản phẩm. Sản phẩm được lựa chọn thường phải có thương hiệu nổi tiếng. Trong khi đó, các sản phẩm OCOP trong tỉnh chưa khẳng định được thương hiệu, chưa được biết nhiều trên phạm vi cả nước nên chưa được ưu tiên lựa chọn… Do đó, đã có trạm dừng nghỉ (tại huyện Nghi Lộc) và cửa hàng chuyên bán đặc sản Nghệ An phải đóng cửa do ế ẩm, thua lỗ.

Hơn nữa, những tồn tại của sản phẩm OCOP cũng đã được đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ tại Hội nghị công bố sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh năm 2022. Theo đó, sản phẩm OCOP do sản xuất chủ yếu là thủ công, thiết bị công nghệ lạc hậu, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, Các chủ thể sản phẩm OCOP chưa quan tâm đến kiểu dáng, nhãn mác, bao bì đóng gói, các loại giấy chứng nhận. Một số địa phương chưa xác định được lợi thế, tiềm năng của mình, chưa quan tâm nhiều đến việc phát triển các sản phẩm mới, một số địa phương và chủ thể chưa mặn mà với chương trình. Nguồn lực triển khai chương trình còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép dẫn đến những khó khăn trong quá trình thực hiện, công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP chưa được quan tâm đúng mức…

Vào cuộc đồng bộ

Để sản phẩm OCOP trở thành “sứ giả” của du lịch thì rất cần sự đồng hành, vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương và sự chủ động, nhận thức, tư duy của chính các chủ thể OCOP.

det-tho-cam-1694259819.jpg
Sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Thái rất được khách du lịch ưa chuộng

Trước hết, trong thời gian trước mắt, để có sản phẩm độc đáo, đặc trưng về lịch sử, văn hóa vùng miền, nhằm góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Nghệ An, cần tổ chức cuộc thi bình chọn một số sản phẩm tiêu biểu nhất trong hơn 400 sản phẩm hiện có. Để tuyển chọn, cần xây dựng tiêu chí, thang điểm, mức điểm và có hội đồng chuyên gia lĩnh vực du lịch và liên quan. Những sản phẩm đạt 70/100 điểm, không có điểm liệt, sẽ được chọn và tiếp tục loại bỏ dần để có các sản phẩm mong muốn. Sau khi được chọn, tỉnh nên có chính sách hỗ trợ để hoàn thiện sản phẩm để đạt tiêu chí phục vụ du lịch, cũng như các nội dung liên quan đến sản phẩm (câu chuyện về sản phẩm - thuyết trình giới thiệu sản phẩm, không gian tham quan, trải nghiệm;...).

Cơ quan chức năng xây dựng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm (nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý). Hỗ trợ thiết kế mẫu mã sản phẩm, mẫu bao bì, nhãn mác. Hỗ trợ ứng dụng đổi mới công nghệ để sáng tạo sản xuất sản phẩm mới, nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gồm truyền thông, xây dựng website, fanpage, hội chợ,... Khuyến khích vận động nhân dân trong tỉnh sử dụng với tinh thần: “Mỗi người dân là một đại sứ thương hiệu”.

Tại một số khu du lịch trọng điểm của tỉnh như Cửa Lò, Kim Liên - Nam Đàn, Vinh... cần hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng “Trung tâm mua sắm quà lưu niệm và đặc sản Nghệ An đạt chuẩn du lịch. Đây là nơi không chỉ quảng bá và bán sản phẩm được lựa chọn nêu ở trên, mà còn dành cho các sản phẩm OCOP cũng như sản phẩm khác của tỉnh. Các huyện thị còn lại cũng xây dựng ở quy mô phù hợp và vị trí hợp lý (luôn gắn với du lịch), khi có nhu cầu và không xây dựng ồ ạt, tránh lãng phí.

Giải pháp nữa là xây dựng cơ chế hỗ trợ kết nối chuỗi giữa các nhà sản xuất với các công ty hoạt động du lịch, nhất là các công ty lữ hành. Đồng thời củng cố kết nối chuỗi ngang giữa các nhà sản xuất để đảm bảo sản xuất số lượng lớn và đồng đều về chất lượng, mẫu mã (nếu là làng nghề). Ứng dụng công nghệ để đưa ra các giải pháp du lịch thông minh để khách du lịch dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ du lịch cũng như mua sắm đặc sản và quà lưu niệm. Do vậy, rất cần sự vào cuộc của công ty du lịch, mà cụ thể là hướng dẫn viên, lái xe. Chủ thể sản phẩm OCOP cần chú trọng cách thức quảng bá, giới thiệu, khuyến mãi, ưu đãi sản phẩm. Sự liên kết giữa doanh nghiệp du lịch và chủ thể sản phẩm OCOP phải là mối quan hệ hữu cơ. Trong mối quan hệ này cần có sự định hướng, “đấu nối” của các cấp, ngành chức năng.

Để sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm phục vụ du lịch, rất cần làm một cách bài bản, hướng dẫn tư vấn cụ thể, sâu sát, và thường xuyên liên tục và dài hơi.

Lê Thìn