Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, trong bối cảnh FED tăng lãi suất chậm lại, tình hình thanh khoản cải thiện, nếu giảm được thì NHNN sẽ giảm các mức lãi suất điều hành.

Mới đây, NHNN và UBND TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức hội nghị "Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ".

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với tỷ trọng đóng góp vào GDP luôn ở mức 30%. Tuy nhiên, quý I/2023, theo số liệu của NHNN, tăng trưởng cả huy động và cho vay ở khu vực Đông Nam Bộ đang thấp hơn tốc độ bình quân của cả nước, nhu cầu vay vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh cũng đang chững lại.

Theo Lãnh đạo NHNN, vùng Đông Nam Bộ hiện có quy mô dư nợ chiếm 35% tổng dư nợ cả nước. Đến hết quý I/2023, huy động vốn khu vực đạt trên 4,1 triệu tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm 2022. Tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,72% so với cuối năm 2022, thấp hơn mức tăng chung của cả nước.

ngan-hang-1683880594.jpg
Ảnh minh họa.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, Nhà nước đã ban hành các chính sách về thuế suất, miễn, giảm, giãn nợ. Còn một chính sách nữa là giảm lãi suất. Tất cả những cái đó cộng lại, doanh nghiệp mới có thể quyết tâm mở rộng sản xuất và tái sản xuất tốt được.

Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM kiến nghị, NHNN giảm lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm trong tháng 5 này để tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi vay về 7-8%/năm. Bà nhấn mạnh, với lãi suất cho vay quanh 10%/năm, doanh nghiệp khó có thể phục hồi.

Được biết, tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ cũng đã chỉ ra nguyên nhân chung như nhu cầu tín dụng giảm do nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm. Đơn cử, tại TP Hồ Chí Minh, gần 50% số doanh nghiệp trên địa bàn đang hoạt động cầm chừng, giữ chân lao động và gần như không có nhu cầu vay vốn.

Theo đó, các tỉnh kiến nghị ngành ngân hàng đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ và linh động trong giải ngân; bên cạnh đó, xem xét, giảm thêm lãi suất cho vay. Bởi dù đã hạ, nhưng quanh 10% vẫn là cao với nhiều doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN đánh giá một trong những nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm thời gian qua là hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn. Do đó, bên cạnh chính sách tiền tệ, tài khóa, bà kiến nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tiếp đó, bà cũng dẫn lại nhận xét của các chuyên gia quốc tế rằng doanh nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng. Điều này gây khó khăn, dễ dẫn đến hiệu ứng domino cho cả ngành ngân hàng. Do đó, bà cho rằng cần tiếp tục phát triển thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu, khi đó các ngân hàng chỉ tập trung cho vay ngắn hạn, đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn.

Theo Lãnh đạo NHNN, từ đầu năm, các ngân hàng thương mại đã giảm từ 0,5 - 1,5% lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng đã chủ động đưa ra gói vay ưu đãi, hay đồng loạt giảm lãi suất 0,5% với khách hàng có dư nợ tại nhà băng…Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn chung về tín dụng, NHNN kiến nghị mở rộng chính sách tài khóa, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hỗ trợ cải thiện thanh khoản cho nền kinh tế.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, NHNN, ngành Ngân hàng muốn làm rất nhiều để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. "Chúng tôi cũng đã giao cho các cơ quan chức năng, các đơn vị chức năng, trong bối cảnh FED tăng lãi suất chậm lại, tình hình thanh khoản cải thiện, tỷ giá đánh giá, nếu giảm được thì chúng tôi sẽ giảm các mức lãi suất điều hành"./.

Ánh Dương (t/h)