Một năm đặc biệt, cà phê trỗi dậy khẳng định vị thế cây tỷ đô

Năm 2023 đánh dấu mốc tăng trưởng ngoạn mục của cà phê Việt Nam. Từ chỗ trầm lắng, cà phê bỗng bừng tỉnh tạo ra bước tăng trưởng ngoạn mục. Giá cà phê cũng tăng một cách bất ngờ giúp người trồng cà phê bội thu. Tiếp tục khẳng định vị thế cây tỷ đô, cà phê kỳ vọng sẽ bứt phá trong năm 2024.
xuat-khau-ca-phe-02-1704332646.jpg
Cà phê đứng top 5 trong nhóm hàng ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao nhất năm 2023.

Giá cà phê tăng kỷ lục kim ngạch nhảy vọt

Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, từ 1/1 đến 15/12/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt khoảng 1,5 triệu tấn, trị giá 3,9 tỷ USD. Về lượng thì tương đương với cùng kỳ 2022, nhưng kim ngạch lại tăng 11,3%.

Kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng khá trong khi lượng xuất khẩu không tăng, là nhờ giá cà phê tăng cao. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong tháng 10/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam lập mức cao kỷ lục 3.603 USD/tấn, tăng 40,7% so với tháng 10/2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt mức 2.573 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng cao chủ yếu nhờ xu hướng tăng sử dụng cà phê Robusta trên toàn cầu. Lạm phát và lãi suất ở nhiều nền kinh tế lớn ngày càng cao, làm tăng chi phí sinh hoạt và giảm mức thu nhập khả dụng trong một thời gian rất dài đối với phần lớn các nước trên thế giới.

Những yếu tố này đã góp phần làm suy giảm tiêu thụ cà phê cũng như làm giảm xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu. Báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, trong niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến hết tháng 9/2023) xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu là 123 triệu bao, giảm 5,6% so với niên vụ 2021-2022.

Điều đáng chú ý là trong khi xuất khẩu cà phê nhân nói chung bị giảm, thì xuất khẩu cà phê Robusta trên toàn cầu lại tăng, do nhiều người tiêu dùng trên thế giới chuyển từ cà phê Arabica có giá cao sang cà phê Robusta có giá rẻ hơn. Điều này thể hiện rất rõ qua số liệu của ICO.

xuat-khau-ca-phe-03-1704332685.jpg
Các chuyên gia dự báo giá cà phê thế giới vẫn duy trì ở mức cao và còn có thể tiếp tục lập đỉnh mới.

Trong niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê Arabica toàn cầu chỉ đạt 67,05 triệu bao, giảm 10,1% so với niên vụ 2021-2022. Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 43,76 triệu bao, tăng 2,6%.

Người tiêu dùng chuyển mạnh từ Arabica sang sử dụng cà phê Robusta, đã khiến cho giá cà phê Robusta trên thế giới tăng mạnh, qua đó tác động lớn tới giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam - nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới.

Do giá cà phê xuất khẩu tăng cao, giá cà phê nhân xô trong nước cũng đã đạt những cột mốc lịch sử, có thời điểm đã lên tới 70.000 đồng/kg, là mức chưa từng có trước đây. Có thể nói giá cà phê nhân xô trong năm 2023 đã nằm ngoài dự đoán của tất cả mọi người trong ngành cà phê, từ nông dân cho tới các nhà thu mua, xuất khẩu. Chính vì vậy, khi giá lên trên 60.000 đồng/kg, gần như nông dân không được hưởng mức giá này vì đã ồ ạt bán hết cà phê khi giá mới ngoài 50.000 đồng/kg – là mức mà nông dân đã thấy có lợi nhuận tốt.

Đến đầu niên vụ 2023-2024 (bắt đầu từ tháng 10/2023), giá cà phê nhân xô vẫn ở mức cao, trên 60.000 đồng/kg. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, cho biết, trong tất cả các niên vụ cà phê trước đây, chưa từng thấy niên vụ nào mà vào thời điểm đầu niên vụ giá cà phê nhân xô lại cao đến như vậy.

Cơn sốt giá cà phê vẫn "nóng bỏng" trong năm 2024

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nhân cà phê, giá cà phê Việt Nam vẫn sẽ có triển vọng tích cực trong năm 2024. Trước hết, như đã nói ở trên, giá cà phê nhân xô ở mức rất cao ngay từ đầu niên vụ 2023-2024, sẽ là cơ sở quan trọng để giá cà phê tiếp tục đứng ở mức cao vào cuối năm 2023 và đầu 2024. Thông tin từ các thương nhân cà phê cho thấy, trong những ngày cuối năm 2023, giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên đang ở mức gần 70.000 đồng/kg.

Ông Đỗ Hà Nam nhận định, nhiều khả năng trong năm 2024, giá cà phê nhân xô ở Việt Nam sẽ ở mức cao nhất thế giới. Nguyên nhân là do sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm, trong đó có nguyên nhân quan trọng là ở nhiều diện tích vốn trồng xen sầu riêng với cà phê, nông dân đang chặt bỏ cà phê để biến vườn trồng xen thành vườn độc canh sầu riêng nhằm đáp ứng quy định về cấp mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Do đó, nếu như trong năm 2023, đến tháng 6 gần như đã không còn cà phê trong dân, thì trong năm 2024, có thể chỉ đến tháng 4 hoặc tháng 5 là đã xảy ra điều này. Mà từ nay đến tháng 4/2024, các nhà nhập khẩu cà phê EU, nếu mua cà phê Robusta thì chỉ có thể trông cậy vào Việt Nam, khi mà các nước sản xuất Robusta lớn khác chưa vào vụ.

Thậm chí khi các nước khác thu hoạch cà phê Robusta, nguồn cung vẫn hạn chế. Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự báo, tổng sản lượng cà phê của Indonesia (nước sản xuất cà phê lớn thứ 4 thế giới, chủ yếu là Robusta) niên vụ 2023-2024 sẽ giảm hơn 18% so với niên vụ 2022-2023, xuống ở mức 9,7 triệu bao. Dự kiến Indonesia sẽ ưu tiên cà phê nguyên liệu cho ngành công nghiệp trong nước, chỉ dành cho xuất khẩu khoảng 5 triệu bao cà phê hạt, giảm tới 35% so với niên vụ trước.

xuat-khau-ca-phe-04-1704332720.jpg
Giờ đây, cà phê của Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà nhập khẩu trong phân khúc cà phê Robusta.

Về thị trường thế giới trong năm 2024, các chuyên gia nhận định cầu tăng trong khi nguồn cung chưa thể cải thiện. Triển vọng tại Brazil vẫn chưa mấy khả quan khi tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài. Indonesia cũng cho biết sẽ ưu tiên cà phê nguyên liệu cho ngành công nghiệp trong nước, chỉ dành cho xuất khẩu khoảng 5 triệu bao cà phê hạt, giảm tới 35,02% so với niên vụ trước.

Nguồn cung thiếu hụt sẽ tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu cà phê lớn còn lại như Việt Nam. Trên thực tế, trong những tháng cuối năm 2023 vừa qua, ngay khi Brazil hạn chế xuất khẩu thì giá cà phê đã được đẩy lên cao kỷ lục, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 dù giảm tới 9,6% so với năm 2022 nhưng kim ngạch lập kỷ lục lịch sử đạt gần 4,2 tỷ USD. Theo ghi nhận của Tổng cục Hải quan, cà phê xếp top 5 trong nhóm hàng ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao nhất năm.

Do vậy, năm 2024, Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục có lợi thế về thị phần và đặc biệt là giá cả khi các chuyên gia dự báo giá cà phê thế giới vẫn duy trì ở mức cao và còn có thể tiếp tục lập đỉnh mới.

Ngay ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp cũng đã cho biết đơn đặt hàng liên tục đổ về. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh thông tin, doanh nghiệp đang không đủ người để tiếp các đoàn khách từ nhiều nơi trên thế giới đến tìm hiểu và mua cà phê Việt Nam.

Theo ông Thông, cà phê Việt Nam trước kia không được đánh giá cao, bị coi là chất lượng thấp nên giá bán không cao. Nhưng giờ đây, cà phê của Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà nhập khẩu trong phân khúc cà phê Robusta. Nhu cầu nhập khẩu cà phê Robusta của châu Âu được cho là gần như hoàn toàn trông cậy vào cà phê Robusta của Việt Nam, ít nhất là từ nay đến hết tháng 4/2024.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, ông Đỗ Hà Nam cũng nhấn mạnh: "Chưa bao giờ ngay từ đầu vụ mà giá cà phê cao như hiện tại. Điều này phản ánh nhu cầu của thị trường đang rất lớn trong khi nguồn cung thiếu hụt. Nếu xét về vụ mùa ở các nước xuất khẩu khác thì Việt Nam vẫn sẽ một mình một chợ cho đến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2024, các nước Indonesia và Brazil mới vào vụ thu hoạch. Vì vậy, có thể nói niên vụ cà phê 2023/2024 của Việt Nam là tốt nhất lịch sử".

Cơ hội hiện hữu đang là rất lớn, tuy nhiên phải làm sao để tiếp tục tận dụng cơ hội và gia tăng xuất khẩu là vấn đề mà doanh nghiệp trong ngành quan tâm. Theo các chuyên gia kinh tế, không cần lo lắng về thị phần, giá cả mà nên tập trung vào việc nâng cao chất lượng cà phê, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như quy định chống mất rừng (EUDR) của EU; tiêu chuẩn của Cục Quản lý Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA); chứng nhận HACCP, GlobalGAP; sản xuất xanh… để xuất khẩu cà phê được bền vững./.

Trọng Bình