Mỗi người nên bớt một chút “cái tôi”

Một khảo sát cho thấy khoảng 70% các cuộc ly hôn ngày nay bắt nguồn từ “CÁI TÔI” quá lớn của người chồng hoặc vợ, hoặc cả hai. Trong xã hội hiện đạị thì vợ chồng bình đẳng, không ai lệ thuộc vào ai. Nhưng chính cái “hiện đại” ấy khiến “cái tôi” trỗi dậy và trở thành chướng ngại cho hạnh phúc gia đình.
cai-toi-la-gi-va-cai-toi-qua-lon-co-tot-khong-1664161621.jpg

Thói đời là khi có được thành công trong một việc nào đó, con người thường nghĩ rằng thành công ấy có được là do chính mình. Còn khi thất bại, thì lại nghĩ nguyên nhân là ở kẻ khác; cụ thể vợ đổ tại chồng, chồng cho là tại vợ: Con giỏi giang nhờ bố, con hư tại mẹ chiều. Cứ thế, chẳng ai chịu ai dẫn đến tan cửa nát nhà. Tất cả là do “CÁI TÔI” quá lớn, ích kỷ và cao ngạo, coi người khác dưới tầm mắt mình, đầy hoang tưởng.

Tâm lý đề cao “cái tôi” đẻ ra vô ơn bạc nghĩa. Họ tin rằng chính “cái tôi” của họ tạo ra mọi thành công, chứ họ chẳng nhờ ai, chẳng ơn ai cả. Và họ tin rằng bất cứ một thất bại nào của mình cũng là do người khác gây ra hoặc do người khác phá. Thậm chí có những người con thất bại trên đường đời quay ra oán trách cha mẹ, ông bà, anh chị em thế này thế khác.

Chồng “quên” những cố gắng của vợ từ trước đến nay, vợ “quên” tất cả công lao khó nhọc của chồng. Thực ra, “cái tôi” chỉ là một mớ ảo tưởng về chính mình, do con người mình tự vẽ ra hoặc do cha mẹ, anh em, bà con, bạn bè vô tình tạo nên cho mình từ thuở thơ ấu. Khi trưởng thành, nếu cứ ôm những ảo tưởng ấy, viễn vọng ấy làm hành trang vào đời, chúng ta sẽ gây ra bất hạnh cho gia đình và xã hội.

Một cuộc khảo sát gần đây do các nhà tâm lý học và xã hội châu Âu tiến hành với 200 gia đình hạnh phúc cho thấy trong các gia đình đó đều có người vợ, người chồng hoặc cả hai vợ chồng hy sinh “cái tôi” cho hạnh phúc chung. Đó là một người vợ dịu hiền, tận tuỵ suốt hàng chục năm chỉ biết nghĩ đến chồng con, đến tương lai của gia đình. Đó là người chồng không quản gian lao, vất vả, tận lực gây dựng cho các con, cho tổ ấm một cuộc sống ấm no.

Còn hầu hết những gia đình bất hạnh, đổ vỡ đều do một thành viên nào đó nghĩ đến “cái tôi” quá nhiều. Một gia đình mà vợ sống theo “cái tôi” của vợ, chồng sống theo “cái tôi” của chồng, các con mỗi đứa theo đuổi “cái tôi” của chúng nó thì khó có được hạnh phúc.

Nhà phân tâm học người Pháp, Jean Pierre Winter kết luận: “Cái tôi” luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Muốn vượt lên cuộc sống và giữ vững hạnh phúc trong tầm tay, điều đầu tiên là mỗi người phải biết quên đi “cái tôi” của mình./.