Lê Anh Phương: Thương hiệu nhà báo được tạo bằng tác phẩm

Nhà báo cần tạo bản sắc và sức hút bằng các phóng sự có chiều sâu và  sự phân tích cao. Đây là tâm sự đầy tâm huyết của nhà báo Lê Anh Phương, trưởng đại diện cơ quan thường trú của VTV ( đài truyền hình Việt Nam) tại Trung Đông. 

Nhà báo Vũ Quang: Đâu là lý do khiến Anh Phương trở thành phóng viên thường trú của VTV ở Trung Đông?
Nhà báo lê Anh Phương: Giữa năm 2016, tôi nhận được điện thoại từ Tổng giám đốc Trần Bình Minh, vừa trở về sau chuyến khảo sát tại khu vực này. Rất ngắn gọn, Tổng giám đốc nói: “cháu suy nghĩ nhé, nhưng hãy xem đây là nhiệm vụ”. Từ giây phút đó, tôi hiểu rằng một phần cuộc đời mình sẽ gắn bó với mảnh đất này. Nói như vậy, nhưng với tôi, trở thành phóng viên thường trú VTV tại Trung Đông là một cảm giác vinh dự, tự hào, nhiều hơn là nghĩa vụ hay sự thử thách. Thời gian qua, nhiều khán giả chắc cũng nhận thấy các phóng viên thường trú của VTV tại nước ngoài đã tạo nên một thương hiệu và bản sắc rất riêng của VTV. Tôi khi đó là một trong số những người trẻ nhất được chọn đi phụ trách một cơ quan thường trú VTV tại nước ngoài. Càng cảm thấy mình không có lý do gì để không dám xông pha.

van-anh-3-1634024599.jpg

Nhà báo Lê Anh Phương và vợ nhà báo Vân Anh

Nhà báo Vũ Quang: Rào cản lớn nhất khi tác nghiệp tại vùng đất giàu có về lịch sử và văn hóa này?
Nhà báo Lê Anh Phương: Tôi đã ở Trung Đông hơn 3 năm, và càng lúc Trung Đông lại càng căng thẳng, nghi kỵ và đối đầu. Nó khiến cho việc tác nghiệp trở nên rất khó khăn, vì nói chung người ta ngày càng dè chừng báo chí. Chẳng hạn, tại Vùng Vịnh, ngay cả khi bạn có thẻ nhà báo, thì khi đi quay phim, dù ở ngoài đường, bạn sẽ còn phải xin thêm giấy phép quay phim cho từng khu vực nữa. Mà để có được giấy phép này, bạn phải khai rõ mục đích quay phim của mình là gì, lời lẽ ra sao…? Tôi trước đây từng có 6 năm là phóng viên mảng quốc tế Ban Thời sự, VTV. Đã từng đi tác nghiệp tại nhiều nước. Nhưng những ngày đầu mới sang khu vực này, đó là một cảm giác hoang mang thực sự. Có đợt tôi đi tác nghiệp trong 3 ngày, thì có 4 lần lực lượng an ninh mời về trụ sở kiểm tra giấy tờ. Rồi khi đang quay ngoài đường, bỗng nhiên có người đến đòi kiểm tra, xem mình quay gì, có dính người ta vào hình mà chưa xin phép không…? Văn hóa Trung Đông phần lớn là văn hóa hồi giáo, vốn đóng khép, lại trong một bầu không khí xã hội nhiều nghi kỵ, làm báo và phản ánh một cách chân thực các câu chuyện tại đây luôn là một thách thức.
Nhà báo Vũ Quang: Phát hiện riêng của Anh Phương sau 3 năm tác nghiệp ở Trung Đông?
Nhà báo Lê Anh Phương: Chắc hẳn anh đang băn khoăn, tác nghiệp với hàng hàng lớp lớp rào cản như thế, vậy hơn 3 năm qua, chúng tôi đã “tồn tại” với nghề báo như thế nào tại khu vực này? Xin thưa, Trung Đông có một đặc điểm khá thú vị. Đó là khi bạn tạo được niềm tin, thì bạn sẽ làm được nhiều việc. Và khi nói về niềm tin ở Trung Đông, là người Việt Nam là bạn đã có một lợi thế rồi. Tôi đã đi khá nhiều quốc gia trong khu vực, và trong hầu hết các tình huống, hai tiếng Việt Nam luôn tạo ra sự hào hứng cho người dân tại đây. Người thì ấn tượng về lịch sử của chúng ta, người lại thích thú khi nghe tới sự phát triển ngoạn mục những năm qua của Việt Nam. Nó tạo giúp chúng tôi luôn tạo được thiện cảm ban đầu. Ngoài ra, có mấy năm thường trú tại Trung Đông như thế này, tôi mới cảm nhận được sâu sắc chính sách đối ngoại “làm bạn với tất cả các quốc gia” của Việt Nam có ý nghĩa như thế nào. Đúng, khi chúng tôi tác nghiệp thường bị lực lượng an ninh hỏi thăm, hay nhiều người dòm ngó. Nhưng hầu hết, chúng tôi đều vượt qua một cách tốt đẹp. Người ta khi biết mình là các phóng viên Truyền hình quốc gia của Việt Nam, họ tin rằng Việt Nam sẽ không làm gì phương hại tới họ. Cùng lắm thì họ bảo không được quay nữa. Nếu may mắn có khi họ còn giúp mình làm phóng sự hay tìm người phỏng vấn nữa (cười).

Nhà báo Vũ Quang: Phóng viên Vân Anh có ý nghĩa thế nào trong cuộc sống của Anh Phương?
Nhà báo Lê Anh Phương: Tôi may mắn được sống trong một gia đình báo chí. Từ ông, cha, anh cho tới vợ (phóng viên Vân Anh) đều làm báo. Những câu chuyện về nghề báo thường xuất hiện trong các bữa cơm gia đình. Những khi đại gia đình đoàn tụ, mọi người nói vui là có cảm giác như đang họp giao ban báo chí (cười). Hai vợ chồng cùng làm báo có một điều thuận lợi. Vợ chồng có thể góp ý cho nhau về mặt nghề. Khi người này làm phóng sự, người kia sẽ phản hồi dưới góc nhìn của một khán giả. Đôi khi, có thể xem đó là lớp duyệt bài đầu tiên nữa (cười). Tất nhiều nhiều lúc nó cũng hơi rắc rối một tí. Vợ chồng gia đình khác, người ta tranh luận khi khác biệt quan điểm về con cái, cơm áo gạo tiền… Gia đình tôi có thể tranh luận vì dẫn hiện trường nên như thế này, viết nên như thế kia… Cũng mệt đấy (cười).

Nhà báo Vũ Quang: Chuyến đi nào khiến Anh Phương thay đổi định kiến của mình?
Nhà báo Lê Anh Phương: Tác nghiệp tại Trung Đông thì đáng nhớ nhất là đi vào các điểm nóng. Tôi đã nhiều lần sang Iran, đã tới Bờ Tây – mảnh đất đối đầu giữa Israel và Palestine, hay đã ra sát eo biển Hormuz… Những chuyến đi như thế luôn mang đến nhiều điều bất ngờ. Các bạn có thể đã xem rất nhiều hình ảnh về các cuộc đụng độ tại Bờ Tây (Palestine). Nhưng có thể các bạn không biết, sáng người ta đi biểu tình, đụng độ, chiều họ đã có thể ngồi cà phê vui vẻ. Hay như tại Iran, ngay khi giới chính trị đang dùng những lời lẽ căng thẳng nhất, cảnh báo nguy cơ chiến tranh, thì người dân vẫn đi tập thể dục, buôn bán, thả bộ ngoài công viên… Nó không có nghĩa những điểm nóng ấy chỉ nóng bề ngoài. Nhưng cuộc sống của người dân tại đây đã quá quen với căng thẳng, xung đột. Với họ, nó đã trở thành một phần của cuộc sống,và dần dà nó tạo cho họ một bản lĩnh để chung sống với những căng thẳng ấy.

anh-phuong-500x233-1634024684.jpg

Nhà báo Lê Anh Phương đưa tin từ hiện trường


Nhà báo Vũ Quang:Sự kiện nào ở Trung đông gây ấn tượng nhất với Anh Phương trong 5 tháng qua?
Nhà báo Lê Anh Phương: 5 tháng qua, thế giới bị bao trùm bởi đại dịch COVID-19. Khu vực này năng lực xét nghiệm về cơ bản không cao, con số người nhiễm thực tế có thể còn cao hơn con số được công bố nhiều lần. Việc tác nghiệp của chúng tôi vì thế cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Các hoạt động cuộc sống đều bị ngưng trệ. Nhưng trong sự ngưng trệ ấy, thì chúng tôi lại nhận được nhiều hơn các tin nhắn, cuộc gọi từ cánh bạn bè báo chí tại đây. Họ rất bất ngờ, ấn tượng với thành quả chống đại dịch của Việt Nam. Họ muốn hỏi mấu chốt thực sự cho sự thành công ấy từ đâu mà có? Khu vực này vốn đã thiện cảm với Việt Nam, tôi tin rằng đây là thời điểm mà sức hấp dẫn Việt Nam lên cao hơn lúc nào hết. Có lẽ, chúng ta nên nhân cơ hội này để có thêm những bước đi lan tỏa sức hấp dẫn Việt Nam, mà nói theo ngôn ngữ quan hệ quốc tế thì là “sức mạnh mềm Việt Nam”, tại khu vực này.
Nhà báo Vũ Quang: Những kinh nghiệm quý mà anh có được sau 3 năm làm việc ở Trung Đông?
Nhà báo Lê Anh Phương: Trước khi đi, Tổng giám đốc VTV Trần Bình Minh có căn dặn: “hãy xem đây là cơ hội để rèn luyện”. Tôi nghĩ rằng tôi thực sự đã được trao những cơ hội đáng quý để rèn luyện. Là phóng viên thường trú, kỹ năng nào là quan trọng nhất? Theo tôi, đó là kỹ năng tự lực cánh sinh. Khi làm báo trong nước, chúng ta có một tập thể sau lưng, nếu cần luôn có sự vào cuộc của cả một tòa soạn báo. Nhưng phóng viên thường trú, dù anh gặp khó khăn gì thì cũng không nên kêu, vì có kêu, người ở nhà cũng khó có thể làm gì được. Hãy tự vận dụng mọi khả năng của mình để vượt qua. Người ở nhà đã trao cho chúng tôi niềm tin khi cử chúng tôi đi. Chúng tôi phải đền đáp bằng thành quả, là những sản phẩm gửi về, dù phải đối mặt với bất cứ rào cản hay thách thức nào. Ngoài ra, 3 năm thường trú cũng đã rèn luyện tôi từ một phóng viên chỉ viết và dựng hình, giờ còn có khả năng quay phim nữa. Nhiều tình huống, cùng một thời điểm có nhiều sự kiện diễn ra, chúng tôi mỗi người phải tỏa đi một hướng để ghi nhận sự kiện. Thứ 3, là khả năng lập kế hoạch. Trước đây, khi tham dự một khóa học của CNN, tôi có hỏi các bạn CNN “đâu là yếu tố quan trọng nhất để làm nên sự thành công cho các bạn ngày hôm nay?”. Họ trả lời đó là khả năng “lập kế hoạch”. Đúng thật! Nếu bạn có được một kế hoạch tốt, nhìn trước được những sự kiện sẽ diễn ra, bạn sẽ có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Và khi chúng ta ghi nhận một vấn đề nào đó với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, rõ ràng những sản phẩm sẽ có chiều sâu hơn nhiều. Trong thời buổi thông tin internet và mạng xã hội như hiện này, việc độc giả, khán thính giả tiếp cận thông tin là không khó, dù sự kiện ở bất cứ đâu. Lãnh đạo VTV xác định, các phóng viên thường trú phải tạo bản sắc và sức hút cho mình bằng các phóng sự có chiều sâu và hàm lượng phân tích cao. Thời gian tới, chúng tôi sẽ càng phải nỗ lực hơn nữa để mang đến cho khán giả của nhìn những góc nhìn từ sâu bên trong các lớp vỏ kiện.