Lần đầu tiên sầu riêng Việt Nam vượt Thái Lan tại thị trường Trung Quốc

Mặc dù mới xuất khẩu từ tháng 9/2022, nhưng sầu riêng Việt Nam đã khẳng định được chất lượng sản phẩm và nhanh chóng tăng thị phần tại Trung Quốc. Đặc biệt, trong quý 1/2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng 66% so với cùng kỳ năm trước, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào thị trường tỷ dân này.
sau-rieng-viet-nam-02-1712413947.jpg
Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc, khi đã chiếm tỷ trọng 57% thị phần tại thị trường này trong 2 tháng đầu năm nay. (Ảnh minh họa)

Sầu riêng xuất khẩu tăng vọt từ đầu năm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 3/2024 kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 433 triệu USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,23 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả đạt và vượt con số 1 tỷ USD ngay trong quý 1. Dự báo năm 2024, xuất khẩu rau quả sẽ tăng trưởng ở mức 15-20% so với năm 2023, sẽ vươn lên kỷ lục mới 6-6,5 tỷ USD.

Trong số các mặt hàng rau quả của Việt Nam, sầu riêng đang là mặt hàng trái cây có giá trị xuất khẩu lớn nhất, với ước tính kim ngạch 254 triệu USD trong quý 1/2024, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chiếm tới 98% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 53.110 tấn sầu riêng tươi trong 2 tháng đầu năm 2024, với trị giá 283,6 triệu USD, tăng 0,4% về lượng nhưng giảm 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc với khối lượng đạt 32.750 tấn, trị giá 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc tính theo kim ngạch đã tăng từ mức 32% của năm 2023, lên mức 57% tính trong 2 tháng đầu năm nay.

sau-rieng-viet-nam-01-1712413983.jpg
Trong quý 1/2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, Thái Lan tụt xuống vị trí thứ 2 về nguồn cung sầu riêng cho Trung Quốc với khối lượng đạt 19.016 tấn, trị giá 120,3 triệu USD, giảm 50,3% về lượng và 45,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Ngoài 2 nguồn cung kể trên, Trung Quốc còn nhập khẩu sầu riêng từ Philippines nhưng thị phần khá nhỏ chỉ khoảng 1% (2,2 triệu USD).

Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh. Đây là những yếu tố đã giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này.

Sầu riêng Việt nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết sầu riêng Việt Nam đã khẳng định được chất lượng sản phẩm. Mặc dù mới xuất khẩu từ tháng 9/2022, nhưng sầu riêng Việt Nam cũng đã chiếm được 31,8% thị phần tại thị trường Trung Quốc và chỉ đứng sau Thái Lan (chiếm 68% thị phần).

Nghị định thư yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được ký kết đã tạo cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng sầu riêng Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn và bền vững.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, thời gian tới, việc mở cửa thành công cho sản phầm sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc sẽ tạo ra một bước tiến quan trọng cho ngành hàng sầu riêng Việt Nam.

Do đó, nếu tận dụng tốt cơ hội, lợi thế và tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, đồng thời không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng thì ngành hàng sầu riêng của Việt Nam sẽ không lo về chỗ đứng, thị phần mà có thể vượt qua sầu riêng của Thái Lan, chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc.

sau-rieng-viet-nam-03-1712414017.jpg
Đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt cho Việt Nam 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng. (Ảnh minh họa)

Từ sau khi Nghị định thư yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được ký kết, diện tích và sản lượng sầu riêng có tốc độ tăng trưởng nóng. Nhiều diện tích trồng cây ăn quả, cây lâu năm kém hiệu quả đã được phá bỏ và thay thế bằng cây sầu riêng.

Đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt cho Việt Nam 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng. Để đảm bảo uy tín với những mã số đã được cấp, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương, cơ quan chức năng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu ngay từ khâu đầu vào, canh tác. Qua đó, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp các trường hợp vi phạm, gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Cùng với đó, tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững; tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp cùng hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Đồng thời, phát triển chuỗi giá trị nông sản, liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.Hiện diện tích sầu riêng cả nước đạt trên 112.000ha, chiếm 9% diện tích trồng cây ăn quả và sản lượng đạt 863.000 tấn.

Các thị trường tiêu thụ chính sầu riêng của Việt Nam là Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Mỹ. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 603.000 tấn sầu riêng; trong đó, xuất sang thị trường Trung Quốc hơn 595.000 tấn (chiếm 98,6%). Đến hết tháng 2/2024, Việt Nam đã xuất được hơn 41.000 tấn (xấp xỉ sản lượng sầu riêng xuất khẩu trong năm 2022)./.

Bình Nguyên