Lần đầu tiên công bố nhiều văn bản quan trọng của Châu bản triều Nguyễn

Theo ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, trưng bày lần này là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa trưng bày hiện vật gốc kết hợp với công nghệ trình chiếu. Đây cũng là một trong những bước đi đầu tiên mang tính thử nghiệm đối với trưng bày tài liệu lưu trữ tại Việt Nam.
van-hoa-doanh-nghiep-kinh-te-xanh-1700301757.jpg
Châu bản triều Nguyễn, di sản văn hóa được kết hợp công nghệ trình chiếu ánh sáng.

Hướng tới ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) đã phối hợp thực hiện đợt trưng bày "Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại".

Triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam đã để lại cho hậu thế nhiều di sản quý giá, trong đó có Châu bản. Đây là tài liệu hành chính gốc duy nhất ở Việt Nam, thuộc số ít trên thế giới còn lưu được bút tích phê duyệt trực tiếp của các hoàng đế trên văn bản. Với những giá trị đặc biệt về nội dung và hình thức, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới.

Việc trưng bày giới thiệu đến công chúng hàng trăm trang tài liệu đặc sắc được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới và nhiều hiện vật tiêu biểu. Trong đó, nhiều văn bản quan trọng lần đầu tiên được công bố. Châu bản triều Nguyễn là hệ thống văn bản hành chính được sản sinh trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền triều Nguyễn, bao gồm văn bản do các Hoàng đế ban hành và văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực màu son đỏ. Hệ thống văn bản này được giao cho Nội các triều Nguyễn tập hợp và quản lý thống nhất thành một khối văn thư của triều đình.

Châu bản triều Nguyễn còn lại hiện nay gồm hơn 86.000 văn bản gốc của 11 triều vua nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Trong đó, có 10 vị vua để lại bút tích phê duyệt bằng mực son trên văn bản. Hai triều vua không có Châu bản là Dục Đức và Hiệp Hòa.

Đây là khối tài liệu gốc quý giá với thông tin có độ tin cậy cao, nội dung phản ánh hầu như mọi mặt xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn. Năm 2014, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2017, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO vinh danh là Di sản Tư liệu thế giới./.

Gia Bảo