Lại nói về ông Kim Ngọc

Nhà biên kịch Nguyễn Hậu: Năm 2003, tôi may mắn được đi công tác cùng với nhà báo Vũ Văn Quang, lúc đó là Trưởng phòng giáo vụ – Trung tâm đào tạo – Đài Truyền hình Việt Nam. Cũng phải nói ngay rằng, tuy không phải đạo diễn chuyên nghiệp, nhưng trước đó, anh đã là tác giả của một số phóng sự và phim tài liệu khá gây ấn tượng, như Giã từ đại ca, Chuyện ở phá Tam Giang và Trịnh Tố Tâm – chân dung một người lính.

Hai anh em chúng tôi ở chung một phòng, có chuyện gì cũng thường trao đổi với nhau, khá là tâm đầu ý hợp. Rồi một hôm, bỗng nhiên Quang nói với tôi:

- Mình phải làm một bộ phim tài liệu về ông Kim Ngọc, anh ạ!

Tôi hơi ngạc nhiên trước ý tưởng này của anh bạn trưởng phòng. Vì trong suy nghĩ của tôi ở vào thời điểm đó, ông Kim Ngọc, nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc là người mắc khuyết điểm gì đó và bị kỉ luật rất nặng. Nhưng cụ thể là như thế nào, thì chỉ có trời mới biết. Bởi lẽ trong suốt một thời gian rất dài, đó là loại thông tin không phải dành cho báo chí hay tất cả mọi người, mà chỉ được phổ biến trong phạm vị rất hẹp, tùy từng trường hợp.

toi-lam-phim-ve-ong-kim-ngoc-1633334844-1634439708.jpg
Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc (Ông Kim Ngọc bên trái Bác)

Quang không phản bác những ý kiến của tôi, mà chỉ nhẹ nhàng kể lại những gì anh biết về ông Kim Ngọc. Ngay lập tức, tôi bị thuyết phục bởi cuộc đời và sự nghiệp của vị cố Bí thư tỉnh ủy nổi tiếng một thời, và yêu cầu anh bạn cung cấp tài liệu cho tôi viết kịch bản. Quang đồng ý, hẹn sau khi về Hà Nội.

Số tài liệu ấy thật ra cũng chỉ là vẻn vẹn mấy bài báo, đăng rải rác trên các tờ Đại đoàn kết, Tiền phong, Lao động…, với những cái tít, như Người đi trước thời gian, Hỡi người xưa của ta nay, Cần phải truy tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Kim Ngọc… Tất cả đều giống nhau ở chỗ, mọi người đánh giá rất cao nhân cách, lối sống và sự cống hiến hết mình của ông cố Bí thư tỉnh ủy. Nhưng như vậy chưa đủ để viết thành một kịch bản phim tài liệu: không biết vợ con, những người thân thiết nhất của ông là như thế nào; mối quan hệ giữa ông và bạn bè, cộng sự ra sao. Và hơn tất thảy, lãnh đạo cấp trên đã nghĩ gì về ông Kim Ngọc?

Không có điều kiệu lên Vĩnh Phúc sưu tầm tài liệu và tìm hiểu tình hình, thêm vào đó là sự ỷ lại vào thực tế, nhiều ý tưởng chỉ bật ra khi đoàn làm phim đã bấm máy (tất nhiên, xin được khu biệt trong lĩnh vực phim tài liệu), tôi bắt tay vào viết. Rất may mắn, là tuy còn sơ sài nhưng kịch bản vẫn được thông qua, và đoàn làm phim, với Vũ Văn Quang đạo diễn đã lên đường. Do bận việc, nên rất tiếc, tôi không tham gia được với đoàn, dù chỉ một ngày. Vả chăng còn cả nỗi ngại ngần vì kinh phí được cấp cho mỗi bộ phim tài liệu là rất ít.

kim-ngoc-nong-dan-1634439212.jpg
Ông Kim Ngọc, người lãnh đạo gần gũi nông dân

Bộ phim nhanh chóng được quay xong. Vũ Văn Quang mời tôi đến xem anh dựng. Quả thật, cảm giác đầu tiên của tôi là hơi thất vọng, vì quá ít hình ảnh về ông Kim Ngọc. Nhưng biết làm sao, vì đây là vấn đề lịch sử để lại: thời điểm ông còn đang công tác, truyền hình Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn hình thành. Nhiếp ảnh, điện ảnh vẫn còn là “của độc”. Lại nữa, với bản tính khiêm nhường, giản dị, rất có thể ông cũng không muốn người ta quay phim, chụp ảnh mình nhiều. Thôi thì “đành lòng vậy, cầm lòng vậy”, coi như đây là khó khăn chung trong việc làm phim về những vấn đề lịch sử đã qua và những người quá cố. May sao, Vũ Văn Quang còn xin được một ít hình ảnh tư liệu Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc, có ông Kim Ngọc tháp tùng để dựng thêm vào…

Cũng rất đáng ghi nhận việc đạo diễn Vũ Văn Quang mời được hai nhân vật quan trọng nói về ông Kim Ngọc. Người thứ nhất, là nhà báo Hữu Thọ, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân, có thời gian làm trợ lí Tổng Bí thư. Người thứ hai, là ông Vũ Kỳ, thư kí riêng của Bác Hồ trong suốt mấy chục năm trời. Rõ ràng là, ở cương vị của mình, mỗi lời nói của hai ông đều có trọng lượng hơn rất nhiều người khác. Đặc biệt, Vũ Văn Quang còn gặp may khi được biết, trên bàn làm việc của Bác tại nhà sàn vẫn lưu giữ tờ báo Hà Nội mới, trong đó có bài nói về “ba khoán” và bút tích của Bác, chứng tỏ Người rất quan tâm đến việc đổi mới quản lí kinh tế nông nghiệp. Đây cũng là tờ báo cuối cùng có bút tích của Bác Hồ bằng mực đỏ. Quang đã lập tức cho ghi hình bài báo ấy.

Tôi bắt tay vào viết lời bình sau khi phim đã được dựng xong. Tên phim, chẳng có cách nào hơn là dùng lại từ một bài báo, mặc dù đáng lẽ phải gọi ông Kim Ngọc là người đi trước thời đại mới đúng. Bởi vì ai cũng biết rằng người đi trước thời đại thường dễ bị rơi vào bi kịch, và thực tế đã vận vào đúng ông cố Bí thư tỉnh ủy, người đã dũng cảm dấn thân, dám xé rào, thử nghiệm một cách làm mới trong công tác quản lí kinh tế nông nghiệp mà người ta vẫn gọi là khoán chui hay khoán hộ. Tiếc thay, vào thời điểm năm 1966 ấy, không có nhiều người tán thành quan điểm của ông. Thậm chí một vị từng giữ chức Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương còn tuyên bố: “Thà để dân bị đói còn hơn là sai quan điểm”. “Quan điểm” lúc ấy, là chỉ có hai hình thức kinh tế, là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể. Trái lại là làm ăn cá thể, tư nhân, là quay trở lại con đường tư bản chủ nghĩa, cần phải loại trừ.

Thú thực, tôi đã tìm cách gài một ý hơi mỉa mai, cay đắng vào sau câu nói của vị quan chức nọ bằng câu hỏi: “Nhưng quan điểm nào đây?”. Tiếc rằng sau đó câu này bị gạch đi, chỉ còn lại câu “Hai mươi hai năm sau ngày ông Kim Ngọc…”. Vâng, giá như Đảng và Nhà nước ta khởi xướng công cuộc đổi mới sớm hơn. Bởi lẽ, hai mươi hai năm là đủ để cho một thế hệ mới ra đời và trưởng thành, gánh vác những công việc khác nhau; dân mình sớm thoát khỏi đói nghèo, và nước mình có thể sớm xuất khẩu gạo được hơn một chút…

Sau khi công việc hoàn thành, đạo diễn Vũ Văn Quang đem phim lên chiếu cho tỉnh ủy Vĩnh Phúc xem, và lần này thì tôi có mặt, với mục đích đến thăm bà Kim Ngọc và thắp cho ông một nén hương. Khi vừa mới đến đầu lối rẽ vào nhà của ông bà, tôi đã tiếc: đúng là muốn vào được cổng, phải đi qua một nghĩa trang đủ các ngôi mộ lô nhô cao thấp. Vậy mà trong phim, qua một cú “phích” máy lấy toàn cảnh con đường, khán giả gần như chẳng thấy bãi tha ma đâu, ngoài tấm bia màu trắng. Giá mà trong lúc làm phim, đạo diễn cho lia một cảnh từ các ngôi mộ vào đến sân nhà…

Bà Kim Ngọc lúc đó đã ngoài tám mươi, nhưng vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Gương mặt của bà có cái gì đó thật đôn hậu, dễ gần. Chúng tôi thắp hương lên ban thờ, và tôi nhận ra sai lầm của mình khi phóng bút viết trong kịch bản, bịa ra cảnh đêm khuya, cửa sổ tầng hai của ngôi nhà còn sáng ánh đèn; dường như ông Bí thư tỉnh ủy vẫn còn đang làm việc. Hóa ra, tác giả của “khoán chui”, “khoán hộ” không ở trong biệt thự của Tây để lại, cũng chẳng có nhà cao cửa rộng gì. Nhà ông, đơn giản có một tầng, mái tôn Autsnam có lẽ mới được thay cho mái ngói, vì đến lúc ông ra đi vào năm 1979, ở Việt Nam vẫn chưa có loại tôn này.

kim-ngoc-kim-nam-1634439280.jpg
Ông Kim Ngọc và con trai Kim Nam

Tôi ngước lên nhìn ông, và từ trong khung kính, ông đáp lại tôi bằng cái nhìn bình thản, nét miệng hơi cười. Vâng, mọi chuyện đã qua rồi. Nhưng tôi không hiểu được, tại sao gần bốn mươi năm tính đến thời điểm ấy, vẫn có một lớp lờ mờ sương khói bảng lảng quanh ông, trong khi người dân Vĩnh Phúc tôn vinh ông như một anh hùng; ba trường từ tiểu học đến phổ thông trung học đã mang tên Kim Ngọc; rất nhiều bài báo từ trung ương đến địa phương ca ngợi ông và Nguyễn Bùi Vợi đã có cả một bài thơ dài về ông cố Bí thư tỉnh ủy mà rất nhiều người thuộc. Tuy vậy, chúng tôi dường như cũng được an ủi phần nào khi biết được trước đó không lâu, Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng ông Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Bộ phim Người đi trước thời gian, sau một “sự cố kĩ thuật” nho nhỏ không đáng có, đã được phát sóng lần đầu tiên vào một buổi sáng thứ hai. May quá, mọi sự phản hồi là tích cực và sau đó nó được phát sóng thêm vài lần nữa vào đúng khung giờ đã định. Ông Kim Ngọc đã được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh, và tôi tình cờ bắt gặp hình ảnh của bà trên truyền hình khi bà nhận phần thưởng cao quý thay chồng. Vẫn gương mặt hiền lành, chân chất và đôn hậu không có gì thay đổi.

duong-kim-ngoc-1634440821.jpg
Con đường đẹp nhất thành phố Vĩnh Yên, được mang tên Kim Ngọc (Báo xây dựng)

Rồi thì bộ phim truyện truyền hình nhiều tập Bí thư tỉnh ủy ra đời, được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và phát sóng trên VTV1. Nhưng thật lòng, tôi không thích bộ phim ấy lắm vì nó có vẻ “hiện đại”, “tân kì” quá. Mặt khác, diễn viên chính vào vai ông Bí thư tỉnh ủy chẳng giống Kim Ngọc một chút nào. Thì vẫn là cái non kém trong nghệ thuật hóa trang đấy thôi. Đến nỗi, trong một số phim truyện về chiến tranh và cách mạng, khán giả thật không thể tin nổi các vị lãnh đạo và tướng lĩnh kiệt xuất của một thời lại có ngoại hình như thế. Đó là chưa kể, ông “Phái viên Chính phủ” làm sao lại có vai trò “ghê gớm” đến như thế trong phim! Vấn đề của ông Kim Ngọc trước hết là vấn đề của Đảng, của Trung ương kia mà!

Cứ nghĩ một cách lẩn thẩn, giá mà đất nước mình có được thật nhiều ông Kim Ngọc!

Nguyễn Hậu