Khuyến khích phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng

Nhằm giảm thiểu rủi ro cho người nuôi tôm, tỉnh Trà Vinh chủ trương đa dạng hóa hình thức nuôi thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu. Mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đang được ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến khích người dân vùng ven biển áp dụng và nhân rộng.

Là một tỉnh ven biển, nằm giữa 02 con sông lớn là Sông Tiền và Sông Hậu, với 03 vùng sinh thái mặn, lợ, ngọt tự nhiên, Trà Vinh đã hình thành được vùng nuôi tôm lớn, tập trung tại các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu nhiều địa phương ven biển đã chuyển đổi sang mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng.

Huyện Duyên Hải có diện tích nuôi tôm hằng năm khoảng 8.500 ha. Trong đó, hơn 5.000 ha là mô hình nuôi thủy sản kết hợp với rừng. Từ tháng 6-2020, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ nguồn vốn cho dự án "Chống chịu khí hậu tổng hợp sinh kế bền vững vùng ĐBSCL" và chọn 22 hộ ở huyện Duyên Hải để hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi tôm dưới tán rừng.

Sau vụ nuôi theo mô hình này hơn 3 tháng, năng suất bình quân đạt khoảng 0,7 tấn/ha, lợi nhuận mỗi ha đạt gần 74 triệu đồng - cao hơn so với sản xuất đại trà trước đó gần 40 triệu đồng. Theo người dân địa phương với khoảng 3 ha đất rừng được bố trí kết hợp nuôi thuỷ sản. Qua 3 năm sản xuất, nếu so sánh về hiệu quả giữa nuôi tôm thâm canh và mô hình rừng – tôm, tỷ lệ lợi nhuận rừng – tôm đạt 90-95%, còn nuôi tôm thâm canh mật độ cao đạt khoảng 30%.

Năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến khích nông dân ở các huyện vùng ven biển huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú, thị xã Duyên Hải, tiếp tục phát triển và giữ vững mô hình sản xuất rừng – tôm, với diện tích khoảng 5.700 ha. Đây là mô hình nuôi tôm thích ứng với biến đổi khi hậu, cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

nuoi-tom-rung-tra-vinh-1680953655.jpg
Mô hình nuôi tôm dưới tán rừng đang phát huy hiệu quả trong nâng cao thu nhập kinh tế cho người dân tại huyện và thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, những năm qua, hàng trăm hộ nông dân trong tỉnh không có đủ nguồn vốn và điều kiện đất đai bố trí mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã tự trồng rừng để nuôi tôm sú sinh thái, tạo sản phẩm sạch bán được giá cao. Ngoài diện tích đất được nông dân tự trồng rừng để nuôi thủy sản, toàn tỉnh còn có hơn 5.120 ha rừng được tỉnh giao khoán cho người dân và các tổ chức bảo vệ, kết hợp nuôi tôm, cá, vọp, sò huyết, cua biển dưới chân rừng để có thêm thu nhập. Bình quân mô hình sản xuất rừng – thủy sản đem lại cho nông dân nguồn lãi ròng từ 120 – 130 triệu đồng/ha/năm.

Lợi thế mô hình rừng – tôm là nông dân giảm đến hơn 80% chi phí thức ăn, chủ động trong thu hoạch để chọn lựa tôm đạt kích cở loại I (10 con/kg trở lại) bán được giá cao, không bị động thu hoạch và thất thu khi gặp thị trường tôm giảm giá. Bình quân 1 kg tôm nuôi sinh thái được thương lái đặt hàng thu mua cao hơn tôm nuôi thâm canh từ 20–30%. ngoài sản xuất rừng – tôm, nhiều năm nay nông dân trong tỉnh còn phát triển mô hình lúa – tôm càng xanh tại các vùng nước lợ với diện tích hơn 5.600 ha. Bình quân, 1 ha sản xuất lúa – tôm càng xanh, nông dân có tổng lợi nhuận từ 150-200 triệu đồng/ha/năm, nhờ sản phẩm sạch, bán được giá cao.

nuoi-tom-ruong-lua-1680953870.jpg
Mô hình lúa-tôm kết hợp cũng đang được triển khai rộng rãi tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tổng cục Thủy sản cho biết, phát triển nuôi sinh thái theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nâng cao hiệu quả, bền vững, bảo đảm hài hoà lợi ích các bên. Tại Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 xác định khuyến khích phát triển các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Trước tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu phát triển bền vững, ngành thủy sản xác định khả năng phát triển và hình thức canh tác phù hợp với điều kiện sinh thái cụ thể của từng vùng. Không chỉ phát triển nuôi dưới tán rừng ngập mặn mà còn phát triển các hình thức như xen canh lúa-tôm, lúa-cá…với những vùng sản xuất quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ./.