Không gian xanh và vườn dược liệu sạch tại Đại học Thành Đông

Mô hình Đại học xanh đang là một xu thế được xã hội quan tâm và hướng tới. Mô hình này được các trường Đại học phát triển theo hướng thân thiện với môi trường.
1-khoa-y-duoc-truong-dai-hoc-thanh-dong-1660717995.jpg
Khoa Y Dược - Trường Đại học Thành Đông

Mô hình đại học xanh đang là một xu thế được xã hội quan tâm và hướng tới. Mô hình này được các trường đại học phát triển theo hướng thân thiện với môi trường.

Ngày nay, toàn cầu đang đối mặt với vấn đề nước và không khí ô nhiễm, chất thải độc hại gia tăng, tài nguyên cạn kiệt. Điều này đang đe dọa sự toàn vẹn của trái đất và đa dạng sinh học. Trong điều kiện như vậy, chúng ta cần có những hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng trên. Theo đó, với vai trò giáo dục, nghiên cứu, các trường đại học phải là một trong những nơi khởi xướng và tham gia tích cực để ứng phó với tình huống cấp bách này.

Năm 1990, lần đầu tiên “Tuyên bố Talloires” được ký kết tại Talloires, Pháp. Tuyên bố này thực hiện cam kết bền vững môi trường trong giáo dục đại học nhằm đưa tính bền vững và yếu tố môi trường vào các hoạt động của các trường cao đẳng và đại học. Đến nay nó đã được ký bởi hơn 500 hiệu trưởng các trường đại học tại hơn 50 quốc gia.

3-vuon-cuc-hoa-vang-truoc-khoa-y-duoc-truong-dai-hoc-thanh-dong-1660717995.jpg
Vườn Cúc hoa vàng trước Khoa Y Dược - Trường Đại học Thành Đông

Ở Việt Nam cũng đã có nhiều trường quan tâm đến vấn đề trên. Một số trường đã ký “Tuyên bố Talloires”. Mặc dù vậy, với thực tế hạn chế về diện tích, thiếu vắng cây xanh và một số yếu tố khác đang làm nhiều trường đại học chưa triển khai được mô hình đại học xanh. Một trong những tiêu chí đầu tiên của đại học xanh chính là khuôn viên xanh. Đây là tiêu chí mơ ước của nhiều trường đại học – đặc biệt là các trường đại học khối sức khỏe càng mong muốn và quan tâm đến tiêu chí này. Đến với khoa Y Dược – Trường Đại học Thành Đông, bạn sẽ thấy điều này đã trở thành sự hiện hữu ngay trước mắt bạn qua những tán lá xanh ngời, rung rinh bên hệ thống hồ, ao. Toàn bộ không gian xanh chiếm đến gần 2/3 diện tích.

Khoa Y Dược – Trường Đại học Thành Đông nằm trong khuôn viên của Trường Đại học Thành Đông tại Hải Dương. Đây là một ngôi trường rộng lớn tràn ngập cảnh sắc thiên nhiên. Bởi vậy, khoa cũng được tận hưởng lợi thế này. Nhưng không chỉ có vậy, với chức năng đào tạo một số chuyên ngành về sức khỏe, khoa đã rất chú ý đến môi trường. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu sẽ dẫn tới các rủi ro sức khỏe nghiêm trọng nhất do môi trường gây ra. WHO cũng đã đưa ra nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của không gian xanh đối với sức khỏe con người. Xuất phát từ những vấn đề này, khoa Y Dược đã đưa ra những chủ trương bảo tồn và xanh hóa không gian đi cùng với nhiệm vụ giảng dạy và học tập.

4-cay-sam-bo-chinh-trong-vuon-duoc-lieu-khoa-y-duoc-truong-dai-hoc-thanh-dong-1660717995.jpg
Cây Sâm bố chính trong vườn Dược liệu - Khoa Y Dược - Trường Đại học Thành Đông

Khoảng sân rộng phía trước là một trảng cây xanh. Dưới đất được các thầy cô và sinh viên trồng cúc hoa và đó cũng là một vị thuốc. Vào những kỳ bung nở, cả một trảng rộng vàng rực sắc hoa trông thật tươi tắn. Bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Thị Hà cho biết: “Cây cúc hoa vàng này được dân gian dùng làm thuốc, ướp chè và cả nấu rượu nữa. Thu hoạch bắt đầu từ tháng 9, tháng 10. Nó có vị đắng, cay, tính ôn. Có tác dụng giáng nhiệt, giải độc rất tốt. Ở đây chúng tôi trồng với mục đích vừa làm đẹp cảnh quan, vừa làm sạch không khí và cũng đóng góp một phần dược liệu sạch cho tiêu dùng. Đây là một vị thuốc rất phổ thông, hầu hết các sinh viên của khoa đều biết về vị thuốc này”.

Nhìn một vòng quanh Khoa Y Dược, chúng tôi thấy không gian ở đây như một máy điều hòa thiên nhiên khổng lồ. Phía sau là những rặng cây bằng lăng, sưa và hoàng yến tạo nên một mảng xanh mướt mát chen lẫn đủ sắc màu thơ mộng. Phía trước thì cây nhiều như một trảng rừng nhỏ với những hàng sao đen và bàng Đài Loan. Cây sao đen có thể nói là một đặc trưng của thành phố Hải Dương và trường Đại học Thành Đông.

Nói về cây này là cả một câu chuyện tâm huyết của thầy Hiệu trưởng Lê Văn Hùng – PGS.TS ngành Lâm nghiệp. Những cây sao đen ở Hải Dương có từ cách đây hơn 20 năm đều do thầy mang về, thời kỳ thầy là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh. “Từ ý tưởng sáng tạo độc đáo và sự chỉ huy của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, khi đó là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, năm 2004 tôi đã chuyển 4200 cây sao đen từ thành phố Hồ Chí Minh về thành phố Hải Dương để trồng” – Thầy Hùng cho biết.

Cây sao đen rất dễ chăm bón, không rụng lá vào mùa đông và không gãy đổ khi mưa, tốc độ tăng trưởng nhanh. Vì thế đây là một loài cây rất tốt cho môi trường.

Theo bác sĩ Hà thì sao đen cũng là một vị thuốc. Đặc biệt, được ưa chuộng trong nam. Dân gian dùng để chữa các bệnh áp xe lợi, viêm lợi, sâu răng. Xen trước hàng sao đen là một hàng bạch quả mới trồng xem chừng rất được gìn giữ và nâng niu. Giữa và cuối trảng là những cây bàng Đài Loan lá nhỏ, tán xòe tròn như những chiếc ô của bà con vùng cao. Xa mé ngoài là một hồ nước rộng, trong xanh và mát lịm. Tôi chợt nhớ đến phần mềm đo không khí IQAir, vội bật lên xem thì một màu xanh mát hiện ra với chỉ số 22. Trời mùa hè mà nhiệt độ là 28 và tốc độ gió 12,7km/h, độ ẩm 75%. Thật là một chỉ số đẹp về chất lượng không khí. Tôi đang tận hưởng một cơn gió cái mát rượi ùa đến thì bác bảo vệ đi qua, vội hỏi bác đường ra vườn Dược liệu.

Rất nhiệt tình, bác dẫn chúng tôi đi xem. Cánh tay rám nắng trong bộ quân phục bạc màu sốt sắng mở cánh cổng sau trường, bác chỉ: “cổng vườn kia kìa cô”. Tôi nhanh chân bước đến và xém chút thì va đầu vào anh chàng đội chiếc mũ lưỡi trai sụp gần hết trán. Nhìn lên thì “Ơ chị, chị đi đâu đấy?”. “Ơ thầy Đức à, hôm nay thầy làm gì ở đây vậy”. Dĩ nhiên là vì tôi và thầy Trần Quỳnh Đức đã biết nhau. Thế là một cuộc hàn huyên rôm rả, say sưa diễn ra. Cao hứng, thầy gọi cả bác sĩ Hà là người cùng chịu trách nhiệm về vườn Dược liệu ra trò chuyện. Hai người đưa chúng tôi đi một vòng và giới thiệu cặn kẽ từng loại. Trán lấm cả đất, trong nhịp kể có lúc thầy chạy vào ngó nghiêng xem cái gì đó rất kỹ. “Hè đến trời nóng dữ, nên mấy luống hà thủ ô phải chăm kỹ không có nó bị cằn chị ạ”. Bác sĩ Hà là một cô gái trẻ có đôi mắt biết cười thật dịu dàng và điều tuyệt vời là phía sau khuôn miệng xinh xắn kia là cả một kho truyện về gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, công năng, tác dụng của các loài dược liệu,… Hà cứ thế thủ thỉ kể.

6-mot-goc-vuon-duoc-lieu-khoa-y-duoc-truong-dai-hoc-thanh-dong-1660717995.jpg
Một góc vườn Dược liệu - Khoa Y Dược - Trường Đại học Thành Đông

Theo chỉ đạo của Thầy Cao Đức Hy – Bác sĩ Chuyên khoa II – Chủ tịch Hội đồng khoa kiêm Phó trưởng khoa Y Dược, khoa thiết lập vườn Dược liệu này nhằm tạo điều kiện cho việc học đi đôi với hành. Phương châm của khoa là luôn hướng tới tiêu chí chất lượng cao nhất trong mọi hoạt động, vì vậy phải là vườn hữu cơ 100%. Cả ngành Y học cổ truyền và ngành Dược đều học rất nhiều vị thuốc từ cây cỏ, cho nên việc tận dụng đất của trường để trồng dược liệu thật sự hữu ích cho công tác giảng dạy và học tập. Thầy Đức và cô Hà là những người lăn lộn từ những ngày đầu tiên.

  • Hồi đầu vất vả lắm chị ạ. Thầy Đức cho biết. Ban đầu ở đây là một khu đất hoang với cỏ dại cao ngút và xỉ thải xây dựng đổ khắp nơi. Thế mà vì sốt sắng với vườn quá, trong vòng có 10 ngày, bọn em làm cật lực để dọn sạch tất cả rác, đốt hết cỏ tranh rồi cày đất, đánh luống và làm cả đường đi vào vườn nữa. Sau đó làm hệ thống tưới tiêu tự động rất tiện lợi và chuyên nghiệp. Chị nhìn thấy “phom” vườn đẹp không chị?

Ánh mắt tôi trải dài từ đầu này sang đầu kia. Quả là các khu, các luống được phân chia rất khoa học và đều tăm tắp như lên vi tính. Màu hoa sâm bố chính đỏ hồng phía xa chắc như muốn nói với tôi rằng vườn Dược liệu đang độ xuân thì.

  • Em yêu cỏ cây hoa lá lắm cô ạ. Bác sĩ Hà nói. Cô xem, đây là cây hoa hiên nhé. Chị Minh trên Viện Dược liệu kể loài hoa này xưa kia chỉ các cung tần mỹ nữ mới được dùng thôi, vì ngoài tác dụng làm thuốc, nó còn có tác dụng dưỡng da tốt lắm. Rồi Hà bảo, cái vườn dược liệu này nhắm mắt em cũng nói được cây gì, cây gì cô ạ.

Mấy chị em cùng cười vui vẻ giữa tiết hè mà bầu trời trong vắt như thu. Đi đến dãy ba kích, thầy Đức hồ hởi hẳn lên:

  • Theo các chuyên gia trên Viện Dược liệu, đây là giống ba kích tím rất quý và ở đây nó phát triển rất tốt, thậm chí còn tốt hơn ở các chỗ đất khác. Vì vậy họ khuyên mình nên phát triển loài cây này chị ạ.

Rồi thầy kể trên Viện Dược liệu cũng giúp khoa rất nhiều. Một số giống cây họ tặng, một số họ tư vấn nên lấy giống ở đâu, trồng cây gì vì họ biết tính chất của đất ở đây. Thạc sĩ Nông học Nguyễn Thị Hòa – Nguyên Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội và Thạc sĩ Nông học Phạm Hồng Minh, công tác ở bộ môn Giống cây thuốc trên Viện Dược liệu là hai người lăn lộn với vườn nhiều nhất. Theo Thạc sĩ Minh, giống hoài sơn mà chị mang về đây là loại giống thuần bên Trung Quốc. Giống này do đích thân Thạc sĩ Hòa sang Viện Dược liệu Trung Quốc nhập về Việt Nam. Hay như giống kim ngân lông đang được trồng ở đây là loài cho chất lượng tốt nhất. Vườn còn rất nhiều các loài cây khác như chè vằng, kỳ tử, đương quy, cây thìa canh, lạc tiên, râu mèo, nhiều lắm.

- Thầy và cô Hà tâm huyết với vườn quá. Cảm kích trước những câu chuyện mà hai thầy cô kể, tôi không kìm được đã thốt lên.

- Bọn em cứ thấy việc là làm thôi chị. Khi thầy Hy giao quyết định cho em làm cái vườn Dược liệu này, bọn em không ngại vất vả, chẳng kể nắng mưa, cứ lao ra vườn mà làm. Nhiều lúc cứ say như con thiêu thân ý.

Thầy kể và cười thật hiền. Hà cũng cười theo. Rồi thầy bảo, cũng gần đứng bóng rồi, mấy chị em mình qua phòng thầy Hy một chút đi.

Thế là chị em tôi ra rửa chân tay sạch sẽ rồi quay lại khoa. Phòng thầy Cao Đức Hy trên tầng ba. Ngoài lan can là những chậu hoa giấy trắng hồng xinh xắn. Không gian thật trong lành dễ chịu. Chúng tôi bước vào, các cửa sổ được mở toang và không cần điều hòa. Một cô giáo bưng tới khay nước màu xanh trong suốt đẹp như ngọc. Tôi chợt hiểu đây chính là trà từ hoa đậu biếc được trồng ở vườn và rải rác trên hàng rào, giữa những lùm cây quanh sân. Chà chà, quả là ở cái khoa này đâu cũng thấy cây xanh, vị thuốc từ cỏ cây hoa lá và chúng thật gần gũi. Tôi thưa với thầy Hy.

- Ở đây đâu cũng thấy vị thuốc, thầy nhỉ.

- Chúng tôi chủ trương kết hợp trồng dược liệu trong chương trình xanh hóa trường học mà cô.

Thầy giảng giải cho tôi biết và rất nhanh, tôi thấy thầy bỗng say sưa kể về cây bạch quả.

- Tôi đang rất muốn nghiên cứu và thực nghiệm di thực cây bạch quả về Việt Nam.

- Cây này có tác dụng gì đặc biệt và sao thầy lại muốn di thực về thế ạ? Tôi hỏi thầy.

- Đây là giống cây của xứ lạnh. Nguồn gốc của nó ở Trung Quốc, Nhật và Hàn. Trong nền y học cổ truyền phương đông, bạch quả có vị ngọt đắng, tính ấm, có tác dụng ôn phế ích khí, trị ho hen, trừ đàm, tiêu độc sát trùng. Nói chung bạch quả có nhiều tác dụng chữa bệnh. Nhưng trong đó có một tác dụng rất tốt mà ngày nay đang được y học thế giới sử dụng, đó là khả năng điều trị rối loạn trí nhớ bao gồm cả bệnh Alzheimer. Nó còn được dùng để cải thiện chức năng nhận thức ở người khỏe mạnh.

Nói rồi thầy đứng lên chỉ cho chúng tôi xem hàng cây phía trước.

- Tôi đang trồng thí điểm, nhưng quả thực công tác chăm sóc rất khó khăn vì bản chất nó là cây xứ lạnh, mà ở ta là xứ nhiệt đới. Nhưng cũng cứ phải thử thôi. Khoa học luôn đòi hỏi chúng ta dấn thân mà.

Thầy cười sảng khoái rồi dường như cũng biết tôi mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về vấn đề không gian xanh ở đây, thầy chủ động tiếp:

- Với đặc thù ngành đào tạo sức khỏe của khoa, trong đó có chuyên ngành Y học cổ truyền và Dược, chúng tôi kết hợp giữa kế hoạch trồng cây xanh và dược liệu, được cả hai yếu tố cô ạ.

- Xanh hóa là một xu thế mà hiện nay các trường đại học trên thế giới hướng tới phải không thầy?

- Đúng thế. Thầy trầm ngâm nói. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, khan hiếm rồi cạn kiệt tài nguyên là những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt với hậu quả của nó. Với vai trò đào tạo và nghiên cứu, trường đại học chính là nơi có tác động lớn và lâu dài đến ý thức, nhận thức của sinh viên và xã hội về môi trường. Vì thế, hơn ai hết, các trường đại học phải là nơi đi đầu trong vấn đề bảo vệ và cải tạo môi trường, thế thì mô hình đại học xanh hướng tới điều đó. Tận dụng lợi thế về diện tích, không gian, bước đầu chúng tôi chủ trương xanh hóa trường học. Cho nên các bạn thấy khắp không gian quanh khoa, quanh trường được phủ rất nhiều cây xanh cùng với hệ thống ao hồ, mương lạch. Việc trồng cây dược liệu, ngoài mục đích giảng dạy thì nó phải thỏa mãn tiêu chí đầu tiên là bảo vệ và tái tạo môi trường. Ở đây, từ đội ngũ các thầy cô giáo đến sinh viên ai nấy đều đồng lòng thực hiện chủ trương này. Cho nên vào đây các bạn thấy không khí vô cùng trong lành, nhiệt độ mát hẳn so với khu vực khác cùng thời điểm.

2-vuon-cay-truoc-khoa-y-duoc-truong-dai-hoc-thanh-dong-anh-2-1660718185.jpg
Vườn cây trước Khoa Y Dược - Trường Đại học Thành Đông

Quả đúng như vậy. Tôi đã mê và giờ càng mê hơn nữa ngôi trường này và đặc biệt là khoa Y Dược. Đồng hồ nhích gần đến con số 12. Tôi xin phép thầy ra về dù thầy cố mời chúng tôi ở lại dùng bữa cơm căng tin. Lúc đi xuống, tôi nói vui mà nửa như thật với thầy Đức :

- Chị phải xin thầy Hy một “chân” về đây làm việc thôi em ạ.

- Kiểu này mà còn con cháu thi đại học chắc bà chị lại khuyến khích nó vào đây học ý nhỉ.

Hai chị em phá lên cười vì thầy Đức nói trúng “tim đen”. Tiếng cười của chúng tôi dường như trong trẻo hơn giữa không gian xanh và sạch. Gió lưng trời như cũng muốn cuốn lấy những niềm vui ấy. Niềm vui từ Đại học xanh.

Nguyễn Phương Anh