Kênh bán lẻ truyền thống vượt khó tìm lại khách hàng

Đến thời điểm này không chỉ các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng... mà mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng đã mở cửa hoạt động bình thường trở lại. Đồng thời, cộng đồng thương nhân, tiểu thương kinh doanh ở kênh bán lẻ truyền thống cũng không ngừng nỗ lực vượt khó tìm lại khách hàng và bắt kịp thị hiếu tiêu dùng mới của người dân.

* Nguy cơ cạnh tranh thị phần
Bước sang tháng 10/2021, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội. Đây cũng là thời điểm quý cuối của năm 2021 nên nhu cầu mua sắm, chi tiêu của người dân thường tăng cao và dự báo có thể duy trì sức mua đến hết năm.
Trong bối cảnh đó, hầu hết doanh nghiệp, nhà bán lẻ, thương nhân, tiểu thương... đều chuẩn bị kế hoạch cho việc tái sản xuất, buôn bán. Theo đó, kênh bán lẻ hiện đại với trung tâm thương mại, siêu thị...; kênh bán lẻ truyền thống với mạng lưới chợ, cửa hàng nhỏ lẻ... cũng như hoạt động giao dịch thương mại điện tử đều tăng năng lực cạnh tranh và kích cầu tiêu dùng trên "đường đua" đến với khách hàng.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Thái Trinh, tiểu thương chợ Bến Thành, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh cho hay, khi nhận được thông báo từ Ban quản lý chợ cho phép kinh doanh trở lại, quầy hàng mất khoảng một tuần đầu tiên để liên kết lại chuỗi cung ứng hàng hóa và khách hàng. Nhờ vào việc duy trì kênh bán hàng trực tuyến (online) trong thời gian quầy hàng tạm đóng cửa nên tiểu thương vẫn giữ được số lượng nhất định đối tác, bạn hàng và khách hàng thân thiết.
Đồng quan điểm này, anh Thanh Tâm, tiểu thương chợ Phú Nhuận, quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh cũng cho biết, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách, người dân trở lại cuộc sống "bình thường mới" nên họ bắt đầu trở lại với kênh bán lẻ truyền thống. Đặc biệt, người dân vẫn duy trì thói quen đi chợ truyền thống và thị hiếu tiêu dùng những nhóm ngành hàng nông sản, thực phẩm... vốn là lợi thế cạnh tranh của mạng lưới chợ truyền thống.

cua-hang-tap-hoa-1487963034884-1635605959.jpeg
Một gian hàng tại chợ truyền thống

Tuy vậy, trước xu hướng tiêu dùng thay đổi của người dân sau đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, cộng đồng thương nhân, tiểu thương vẫn đánh giá họ gặp nhiều thách thức hơn là cơ hội. Bởi mạng lưới chợ truyền thống vừa phải vượt khó đảm bảo tiêu chí và quy định phòng, chống dịch COVID-19, vừa tăng năng lực cạnh tranh với kênh bán hàng online đã chiếm lĩnh thị phần đáng kể trong những đợt bùng phát dịch vừa qua.
Điển hình là thương nhân, tiểu thương kinh doanh tại kênh bán lẻ truyền thống đang chịu áp lực cạnh tranh về giá cả và nguồn hàng với những đầu mối mua chung đã xây dựng thành công mạng lưới bán sỉ và lẻ trong cộng đồng dân cư. Với phương thức kinh doanh mua hàng giá tận gốc, liên kết trực tiếp với nhà vườn, nhận đặt hàng và giao hàng tận nơi cho người tiêu dùng đầu cuối..., các đầu mối mua chung có nguồn hàng dồi dào với giá tốt vì không cần qua nhiều khâu trung gian.
Bên cạnh đó, các đầu mua chung ngày càng mở rộng mạng lưới khách hàng thân thiết khi len lỏi vào nhóm cộng đồng tại nhiều khu dân cư, chung cư... thông qua mạng xã hội nên dễ dàng quảng bá, tiếp thị và giới thiệu hàng hóa. Các đầu mối mua chung cũng không ngừng phát triển, khách hàng mua lẻ trở thành đối tác, bạn hàng, đơn vị phân phối và bán lẻ nhằm chia sẻ nguồn cung hàng hóa, khai thác khách hàng của nhau thành khách hàng chung.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Thiên Thanh, cư ngụ tại quận 4, Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù cơ sở kinh doanh dịch vụ đã được phục vụ khách hàng tại chỗ từ ngày 28/10 đến nay và trước đó hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố đã từng bước mở cửa phù hợp với quy định nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng gia đình vẫn ưa chuộng mua sắm ở những địa điểm kinh doanh thân quen. Trong thời gian qua, gia đình đã thay đổi thói quen chủ yếu mua sắm trực tiếp (offline) sang mua sắm online với tần suất và giá trị đơn hàng nhiều hơn.
Theo chị Thiên Thanh, kênh mua sắm online ngày càng tiện lợi khi khách hàng có thể đặt hàng bất kể lúc nào, thanh toán không tiền mặt, nhận giao hàng tận nhà..., đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, trong bối cảnh "bình thường mới", người dân vẫn phải xác định tâm lý "sống chung với dịch COVID-19".
* Khai thác lợi thế đặc thù
Theo Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại Tp. Hồ Chí Minh trong tháng 10/2021 đạt 43.602 tỷ đồng, tăng 27% so với tháng trước và giảm 52,3% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại Tp. Hồ Chí Minh đạt 683.272 tỷ đồng, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm trước.
Còn kết quả khảo sát vừa mới công bố của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam chỉ ra rằng, hiện nay người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên mua sắm hàng hóa có giá trị thật, hữu ích, nhất là đối với nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh, hàng thực phẩm... Bên cạnh đó, quy mô và nhân khẩu của hộ gia đình Việt đang có xu thế giảm nên nhu cầu cá nhân ngày càng quan trọng.

img20160416013923102-1635605995.jpeg
Ảnh minh họa

Hơn thế nữa, hoạt động mua sắm của nhiều gia đình Việt trở nên phức tạp hơn khi bất cứ thành viên trong gia đình có thể tự mua, không chỉ phụ thuộc vào một người nội trợ hay ai đó trong gia đình. Điều này dẫn đến bài toán khó khăn cho tất cả kênh bán lẻ, kể cả kênh hiện đại và truyền thống, kênh online và offline.
Liên quan đến vấn đề người tiêu dùng sẽ chọn kênh nào để mua sắm, ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Uniliver toàn cầu Gro 24/7, phụ trách chuỗi bán lẻ toàn cầu Uniliver phân tích, ở ngành hàng tiêu dùng nhanh thì kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm trung bình từ 70 – 80%, tùy từng địa phương. Thống kê trong khoảng 25 năm qua, kênh bán lẻ hiện đại chỉ lấy thị phần của kênh bán lẻ truyền thống bình quân 1%/năm.
Kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam, ngoài trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi... còn kinh doanh thương mại điện tử. Tuy kinh doanh thương mại điện tử có tốc độ phát triển cao, nhưng chiếm tỷ trọng thấp trong thị trường bán lẻ Việt Nam (chỉ từ 3–5% thị phần).
Những con số nêu trên cho thấy, kênh bán lẻ truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng trên thị trường nội địa. Người tiêu dùng có thể vào mạng xã hội để xem sản phẩm, tham khảo giá cả..., nhưng họ cũng luôn sẵn sàng ra cửa hàng tạp hóa, chợ mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, một số yếu tố digital (kỹ thuật số), omnichannel (bán hàng đa kênh)... cũng khiến khách hàng có thể xem và đặt hàng online, sau đó lựa chọn nhận hàng tại một cửa hàng gần nhà, trong khu dân cư... Vì vậy, doanh nghiệp, nhà bán lẻ, thương nhân, tiểu thương... dù kinh doanh ở kênh bán lẻ nào cũng cần xác định đối tượng khách hàng mục tiêu để có phương thức kinh doanh, bán hàng phù hợp./.