Hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với nông thôn mới

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, hiện địa phương đang triển khai nhiều giải pháp căn cơ nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
keo-dua-1637108238.jpg
Bến Tre đã có nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát huy nguồn lực của tỉnh, đóng góp cho sự phát triển (Ảnh: Phương Khuê)

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, Sở sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực để người dân thực hiện theo định hướng chung của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh Bến Tre thực hiện xây dựng mô hình hợp tác xã điểm hoạt động có hiệu quả và thực chất. Các hợp tác xã này phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu vào, đầu ra ổn định cho nông sản; góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, thay đổi bộ mặt vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, Bến Tre tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và tổ chức lại dân cư nông thôn. Tỉnh thực hiện các chính sách đặc thù, khuyến khích, kêu gọi đầu tư, thu hút các doanh nghiệp liên kết với người dân, hợp tác xã. Mặt khác, tỉnh phát triển mạnh kinh tế hợp tác, phát triển kinh tế nông nghiệp và đầu tư phát triển hạ tầng, hệ sinh thái nông thôn.

Cùng với đó, Bến Tre xây dựng hoàn chỉnh chuỗi giá trị nông sản chủ lực gắn với chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết là 30%. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn Bến Tre, thời gian qua, tỉnh đã tập trung bứt phá nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác và hợp tác xã trong việc xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, có truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, hướng đến mục tiêu xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, chuyển đổi mạnh theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa.

Ông Đoàn Văn Đảnh cho hay, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã tập trung quán triệt và triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu trên, với phương châm “sản xuất tập trung, cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị, kết nối hiệu quả vào thị trường”.

Điều này nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn, tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn nhanh và bền vững, góp phần hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, tỉnh Bến Tre đã hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu với trên 100 tổ hợp tác, 58 hợp tác xã tham gia. Cụ thể, chuỗi giá trị dừa đã hình thành 47 tổ hợp tác, 27 hợp tác xã, với tổng diện tích liên kết hơn 12.684 ha, đạt 16,5% tổng diện tích dừa toàn tỉnh; chuỗi giá trị bưởi da xanh có 32 tổ hợp tác, 9 hợp tác xã bưởi da xanh thực hiện liên kết với các công ty, doanh nghiệp với diện tích khoảng 330 ha.

Các chuỗi cây chôm chôm, nhãn và hoa kiểng chỉ mới hình thành được các liên kết ngang như tổ hợp tác, hợp tác xã và bắt đầu thực hiện liên kết dọc với các công ty, doanh nghiệp nhưng diện tích vẫn còn nhỏ lẻ, ở mức tạm thời, chưa có sự ràng buộc bởi các hợp đồng kinh tế.

Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Mekong (xã Hữu Định, huyện Châu Thành, Bến Tre) cho biết, hiện công ty liên kết với 300 hộ dân ở các huyện Châu Thành và Giồng Trôm để tiêu thu dừa uống nước, với diện tích khoảng 200 ha. Từ đó, công ty luôn chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, đồng thời việc tiêu thụ sản phẩm của người dân được đảm bảo với giá cả ổn định.

Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, việc xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, việc tổ chức lại sản xuất gắn với quy hoạch đất đai và tổ chức lại dân cư khu vực nông thôn để hình thành vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao chưa được thực hiện bài bản, căn cơ. Hơn nữa, thói quen sản xuất truyền thống của người nông dân còn phổ biến dẫn đến tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Cùng với đó, hoạt động của các hợp tác xã và các doanh nghiệp đầu tàu vận hành chuỗi giá trị, trừ doanh nghiệp chế biến dừa và bưởi da xanh vẫn chưa đủ mạnh, chưa có tác dụng tích cực đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt và quyết định tính bền vững, hiệu quả của chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực./.