Hậu Giang hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong phòng, chống dịch và sản xuất

Chiều 1/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Vị Thanh và các doanh nghiệp về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp rà soát người lao động đã tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 để đăng ký với Ủy ban nhân dân thành phố Vị Thanh tiến hành tiêm mũi 2 trong thời gian tới. Nghiên cứu việc xét nghiệm định kỳ 20% cho người lao động bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp để đảm bảo kết quả chính xác và tiết kiệm chi phí.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Hòa cũng đề nghị khi tiếp nhận người lao động nên lập danh sách cụ thể, có thông tin địa chỉ ấp, khu vực của người lao động và đối chiếu tình hình cấp độ dịch để dễ kiểm soát; nếu người lao động mắc COVID-19 thì dựa vào danh sách thông báo ngay về địa phương, ngành y tế để thực hiện truy vết nhanh.
Ủy ban nhân dân thành phố Vị Thanh hướng dẫn các doanh nghiệp phương án xử lý khi phát hiện F0 trong doanh nghiệp; liên tục cập nhật tình hình cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh và thông tin đến doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động sắp xếp, bố trí người lao động. Tiếp tục rà soát các doanh nghiệp chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ để thực hiện hỗ trợ kịp thời.

hau-giang-240821-1635781273.jpeg
Ảnh: TTXVN

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Hòa đề nghị, Ủy ban nhân dân thành phố Vị Thanh phối hợp các doanh nghiệp phân chia giờ làm việc, tránh ùn tắc, tập trung đông người khi hết giờ làm việc. Các sở, ngành phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tiếp cận nguồn nhân lực, người lao động để phục hồi sản xuất; tập huấn việc xử lý tình huống khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp những ngày qua, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” nếu đủ điều kiện duy trì. Nếu không thể duy trì “3 tại chỗ” thì thực hiện phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” nhưng phải yêu cầu người lao động tuyên truyền với người nhà không tiếp xúc với người ở vùng thiết lập cách ly y tế để hạn chế tối đa việc lây nhiễm khi người lao động trở về nhà.
Ông Nguyễn Thanh Long, đại diện Công ty cổ phần Bê tông ly tâm Hậu Giang cho biết, khi đến giờ vào ca và tan ca, lượng người lao động tập trung rất đông trên đường vào cụm công nghiệp, không đảm bảo giữ khoảng cách làm tăng nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Do đó, đề xuất các doanh nghiệp cần phối hợp sắp xếp, bố trí giờ vào ca, tan ca lệch nhau để giảm lượng người tập trung.
Cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp thành phố Vị Thanh có 20 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 1.133,5 tỷ đồng, 4 dự án đang triển khai và 1 dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư.
Thực hiện các quy định về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của tỉnh, đến nay, có 15 doanh nghiệp với trên 3.620 lao động được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới. Ban quản lý Cụm công nghiệp đã phối hợp ngành y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 3.617 người lao động tại cụm (trong đó, có 445 người lao động đã tiêm đủ 2 mũi)./.