Hà Nội: Giảm diện tích đất trồng lúa, gia tăng giá trị canh tác

TP. Hà Nội tiếp tục giảm diện tích đất trồng lúa để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô từ nay đến năm 2025. Với mục tiêu lấy giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích canh tác hàng năm làm thước đo và đích đến, ngành nông nghiệp Thủ đô đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng suất, sản lượng và giảm diện tích, tăng giá trị canh tác.

Năm 2022, tổng diện tích trồng lúa trên địa bàn huyện Sóc Sơn là 18.771ha, giảm 259ha so với năm 2021. Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết, ngay từ đầu năm 2022, huyện đã chỉ đạo tập trung gieo trồng lúa năng suất, chất lượng cao trong vụ Xuân và vụ Mùa. Các giống lúa truyền thống được thay thế dần bằng một số giống mới như: HD11, VNR20, J02… cho năng suất vượt trội 64,7-65,8 tạ/ha. Năm 2023, Sóc Sơn phấn đấu giảm tỷ lệ giống lúa Khang Dân chất lượng thấp còn 12-14% diện tích gieo trồng; đồng thời đưa các giống chất lượng cao vào sản xuất đạt ít nhất 85% diện tích đất trồng lúa.

Không chỉ Sóc Sơn, các huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa… đều xác định giảm dần diện tích trồng lúa. Thay vào đó là sử dụng các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao nhằm gia tăng lợi ích kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Cũng trong năm 2022, Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) gieo cấy 100ha giống lúa Đài thơm 8 (50ha vụ Xuân, 50ha vụ Mùa) theo quy trình sản xuất an toàn. Hợp tác xã đã liên kết với một số doanh nghiệp thu mua hơn 600 tấn thóc cho nông dân sau thu hoạch.

Năm 2022, diện tích trồng lúa của thành phố đạt 158.457ha; vụ Xuân và vụ Mùa có diện tích đều giảm so với năm 2021, lần lượt là 1.453ha và 2.252ha. Tuy nhiên, với năng suất trung bình hai vụ là 60,5 tạ/ha, Hà Nội vẫn đạt gần 1 triệu tấn lúa các loại, trong đó có tới hơn 60% là lúa gạo chất lượng cao.

dbscl-img-0271-6330-1671639175.jpg
Ảnh minh họa.

Với huyện Sóc Sơn, cùng với các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa hàng hóa, “bài toán” đặt ra là tìm kiếm đầu ra ổn định hơn cho lúa gạo, đặc biệt là giống nếp cái hoa vàng. Thực tế không chỉ ở huyện Sóc Sơn mà nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội, việc tiêu thụ một sản lượng lớn thóc lúa sau thu hoạch vẫn gặp phải những khó khăn nhất định.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, ông Đỗ Minh Tuấn cho biết, trong năm 2023, địa phương sẽ nghiên cứu, xây dựng các mô hình sản xuất lúa theo hướng liên kết chặt chẽ các hộ nông dân với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với việc khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa gạo nói riêng, Sóc Sơn sẽ tăng cường công tác thông tin dự báo; đồng thời quản lý chặt chẽ, không để sâu bệnh gây hại cho cây lúa trên diện rộng. Mặt khác là tập trung chỉ đạo sản xuất đúng khung thời vụ, phấn đấu gieo trồng hết diện tích đất lúa, không để đất nông nghiệp bị hoang hóa, gây lãng phí.

Ghi nhận cũng cho thấy, Thanh Oai có diện tích sản xuất lúa hơn 6.000ha, trong đó vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung là trên 3.000ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, cùng với các chính sách của thành phố, Thanh Oai đã ban hành các cơ chế hỗ trợ sản xuất theo hướng ưu tiên nông nghiệp hàng hóa tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ nay đến năm 2025, diện tích đất lúa của địa phương sẽ giảm từ 200 đến 300ha, nhưng với việc triển khai các vùng chuyên canh tập trung, sản xuất lúa sẽ tiếp tục tăng cả về sản lượng và chất lượng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng cho hay: "Việc giảm diện tích lúa trên địa bàn thành phố không hẳn là một thách thức đối với ngành nông nghiệp. Đây là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại ngành sản xuất lúa gạo theo hướng đặc sản, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu".

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đặt hàng các nhà khoa học, doanh nghiệp xây dựng cho thành phố bộ giống lúa chất lượng cao, bao hàm nhiều giá trị như cân bằng dinh dưỡng, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng… Mặt khác, thành phố sẽ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển công nghệ sấy, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm lúa gạo nhằm gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thi Nguyên (t/h)