Hà Nội đối thoại tháo gỡ khó khăn với các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19

Ngày 6/11, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19”.
z2909786847784-d9c403f5d5b3cfb8cc76a0a0d2dd297b-1636189046.jpeg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Thành phố mong nhận được những kiến nghị, đề xuất, những sáng kiến, kinh nghiệm để có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Ảnh: VGP/Gia Huy

Các báo cáo, ý kiến, phân tích của các đại biểu tại hội nghị đã nêu rõ tình hình phát triển kinh tế - xã hội và kết quả giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của thành phố Hà Nội trong thời gian qua; đồng thời đề ra các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế của thành phố Hà Nội trong thời gian tới.

Đến dự Hội nghị có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội cùng đại diện các sở, ban, ngành thành phố, các hiệp hội, hơn 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, những kết quả bước đầu đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố thời gian qua là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố; trong đó có đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã luôn ủng hộ, chia sẻ và đồng hành cùng thành phố trong phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi thành phố thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, nhưng với ý thức trách nhiệm cao, các doanh nghiệp đã nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của thành phố, chủ động xây dựng và vận hành phương án sản xuất, kinh doanh thích nghi với tình hình dịch bệnh và phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, thành phố luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong phát triển kinh tế, là lực lượng quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đã đề ra...

"Với phương châm lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ, thành phố đã và đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập về cơ chế chính sách, về thủ tục hành chính để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững", Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Những nỗ lực đó của Hà Nội đã thu hút được trên 201.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn thành phố, đứng thứ hai toàn quốc và chiếm tới 23,7% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, góp phần cùng Thủ đô đóng góp 16% GDP, 18,5% tổng thu ngân sách, 8,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước… Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tổng sản phẩm GRDP của thành phố 9 tháng năm 2021 tuy vẫn tăng trưởng dương 1,28% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với kế hoạch đề ra.

Mặc dù, trong 10 tháng năm 2021, số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 76%, nhưng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại giảm 10%, doanh nghiệp giải thể tăng 26%, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, một số chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ bị gián đoạn; việc giao thương hàng hóa, đi lại của các doanh nhân, chuyên gia, người lao động cũng gặp nhiều khó khăn và bị xáo trộn bởi đại dịch COVID-19.

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, xác định "sức khỏe" của doanh nghiệp là "sức khỏe" của nền kinh tế nên chính quyền thành phố đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất. Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.

Bên cạnh ngoại lực đến từ các nhà đầu tư nước ngoài là nhân tố quan trọng, thành phố nhận định rõ nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước là nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững, tính tự chủ của nền kinh tế. Do đó, thành phố Hà Nội cam kết luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết thấu đáo ngay tại hội nghị đối với những kiến nghị, đề xuất chính đáng từ phía doanh nghiệp. Sau đó, thành phố sẽ tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền của thành phố.

Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, nhiều chính sách của Chính phủ và thành phố hỗ trợ doanh nghiệp đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, qua khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, nhiều chính sách hỗ trợ được đánh giá hữu ích nhưng còn khoảng cách khá xa từ chủ trương đến triển khai thực tế, đặc biệt, vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất vì nhiều điều kiện đi kèm.

Phần lớn các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, thành phố tiếp tục có các giải pháp về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 để duy trì hoạt động của doanh nghiệp; có giá cho thuê ưu đãi, chương trình hỗ trợ thiết thực đối với các doanh nghiệp làng nghề để thu hút các doanh nghiệp này đưa nhà máy sản xuất vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cũng đề nghị được hỗ trợ trong việc tiếp cận tài chính, điều chỉnh lãi suất cho vay, các điều kiện cho vay, tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội đến hết tháng 6/2022, ổn định chi phí logistic, ban hành các chính sách có tính chất dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm lãi suất, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh, các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi liên kết Việt, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số…

Ông Mạc Quốc Anh cũng đề xuất, kiến nghị với Trung ương và thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới; tiếp tục đề xuất giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc cho phép chậm nộp một số loại thuế cho doanh nghiệp; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm các chi phí mặt hàng thiết yếu như: Điện, nước, xăng dầu. Mặt khác, có các gói giải pháp hỗ trợ về chính sách, tài chính, đào tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ.

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đề nghị thành phố Hà Nội cần có các giải pháp quyết liệt hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta đã tham gia mang lại.

“Thành phố cần nhanh chóng có các giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vaccine đối với người lao động tại các doanh nghiệp; có hướng dẫn cụ thể hơn về công tác phòng, chống dịch tại chỗ đối với khu vực kinh tế này, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi có các ca F0, F1, tránh tình trạng bị đóng cửa toàn bộ nhà máy. Song song với đó là đẩy mạnh triển khai các chính sách tài chính, tài khóa như việc miễn, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giãn nợ, xóa nợ, cơ cấu lại nguồn vay, giãn nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…”, ông Lê Vĩnh Sơn kiến nghị.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga thì nêu ý kiến về tiếp tục đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính, qua đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng, khởi công các dự án, đưa du lịch, công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế của Thủ đô

Còn ông Chu Đức Lượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ, hiện có 10 bộ luật các cơ quan, trung ương, bộ, ngành, thành phố Hà Nội áp dụng đến cấp địa phương khiến nhiều dự án của doanh nghiệp gặp xung đột lớn về pháp lý. Vì vậy, cần có cơ chế đặc thù cho Thủ đô để tháo gỡ được những khó khăn này nhanh hơn, hiệu quả hơn…

Đây cũng là băn khoăn của ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse. Ông Phú chia sẻ, các luật chồng chéo khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, điển hình như doanh nghiệp chưa xin phép xây dựng được nhà máy do vướng quy định của tỉnh Hà Tây cũ… và mong muốn thành phố tháo gỡ khó khăn. Hiện Hà Nội có hơn 200.000 doanh nghiệp. Thành phố cần có hệ thống số hóa để ghi nhận các công việc, kiến nghị của doanh nghiệp để có thời hạn trả lời cho doanh nghiệp việc gì được, việc gì không được…

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, trước hội nghị, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với các doanh nghiệp lấy ý kiến khảo sát của hơn 25.000 doanh nghiệp các quy mô, các lĩnh vực khác nhau tập trung vào các vấn đề khó khăn, vướng mắc như: Tiếp cận vốn, tiếp cận chính sách hỗ trợ, thủ tục hành chính, mặt bằng sản xuất, tiêu thụ, nguyên liệu, bảo hộ người lao động, chi phí phòng chống dịch, thiếu lao động sau dịch…

Trước các khó khăn vướng mắc doanh nghiệp, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 1/11/2021 phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong quý IV/2021 và các năm 2022, 2023 để triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. Về các ý kiến vướng mắc, khó khăn chưa được giải đáp trong Hội nghị này, UBND thành phố cũng có văn bản giao nhiệm vụ cho các sở ngành, địa phương xem xét, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị các Sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố tiếp thu, chắt lọc để tham mưu ban hành cơ chế, chính sách cho thành phố, rà soát, giải quyết theo thẩm quyền; đồng thời, đối với các chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương, thành phố sẽ giao các sở, ngành tổng hợp, đề xuất các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết. Thành phố đã và đang triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của các cơ quan Trung ương; đồng thời tiếp tục nắm sát tình hình dịch bệnh để kịp thời xử lý theo đúng phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả" gắn với thúc đẩy hơn nữa hoạt động phục hồi, sản xuất kinh doanh...

Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch COVID-19 để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới, xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô thông minh, hiện đại./.