Gỡ khó, hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững

Để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển lành mạnh, bền vững, UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 10 về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu từng thành viên của Tổ chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn cụ thể các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) rà soát khó khăn, giải quyết, tháo gỡ theo thẩm quyền.
bat-dong-san-binh-duong-1686270371.jpg
Bình Dương đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường BĐS hiệu quả, bền vững. Trong ảnh: Những khu nhà ở đô thị hiện đại tại huyện Bàu Bàng đáp ứng tốt nhu cầu người dân

Chủ động rà soát khó khăn

Thời gian qua, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS; đồng thời, triển khai thực hiện bảo đảm các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt. Ngày 13-2-2023, UBND tỉnh cũng đã thành lập Tổ chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án BĐS tại Quyết định số 241/ QĐ-UBND.

Kết quả, thị trường đã có phản ứng tích cực, niềm tin của nhà đầu tư được phục hồi, lượng tìm kiếm và giao dịch BĐS cũng tăng dần. Đặc biệt trong 5 tháng đầu năm 2023, hoạt động kinh doanh BĐS là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 1 dự án cấp mới, 5 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn đầu tư gần 469 triệu đô la Mỹ, chiếm trên 53% tổng vốn đầu tư FDI vào tỉnh. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, thị trường BĐS và hoạt động của các DN trong ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ.

Nguyên nhân là thủ tục pháp lý đầu tư dự án nhà ở, BĐS còn gặp khó khăn, vướng mắc dẫn đến thời gian thủ tục kéo dài, ảnh hưởng đến tính hiệu quả của dự án đầu tư. Quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị còn vênh nhau khi xem xét chủ trương đầu tư, do thời điểm lập quy hoạch đã lâu, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhiều dự án không triển khai được do vướng quy định về phương pháp xác định giá thị trường, cơ chế và thủ tục xác định giá đất hiện nay còn mất nhiều thời gian. Một số dự án nhà ở, BĐS chậm triển khai do vướng thủ tục pháp lý gây lãng phí nguồn lực đất đai, tài chính và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại địa phương... Ngoài ra, việc khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư, năng lực của nhà đầu tư… đã ảnh hưởng rất lớn đến thanh khoản của DN BĐS, người mua và thị trường.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương, DN, chủ thể liên quan quan tâm triển khai các nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực môi trường thu hút đầu tư của tỉnh nói chung, lĩnh vực BĐS nói riêng, để vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy thị trường BĐS đúng quy định, hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Đáp ứng nhu cầu thực

Tại Chỉ thị số 10, UBND tỉnh đã yêu cầu Tổ chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án BĐS rà soát khó khăn, vướng mắc để giải quyết, tháo gỡ ngay các nội dung thuộc thẩm quyền; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các quy định pháp luật còn chồng chéo, bất cập, gây cản trở trong quá trình triển khai dự án BĐS thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh BĐS trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng đề nghị các DN BĐS, DN có liên quan tích cực, chủ động tái cơ cấu lại phân khúc sản phẩm, giá cả, thời hạn và phương thức thanh toán… phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thật sự.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group nhận định, từ giữa năm 2022 đến nay, thị trường BĐS Bình Dương cũng không tránh khỏi những khó khăn chung, khi lượng giao dịch chậm. Tuy nhiên, phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực, vừa túi tiền vẫn cho thấy sự quan tâm của khách hàng khi có lượng giao dịch nhất định, chuyển nhượng giữa các căn hộ đã bàn giao tương đối ổn định, tạo thanh khoản cho DN. Việc tỉnh tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS là tín hiệu vui, là động lực để DN, nhà đầu tư gắn bó nhiều hơn, tăng đầu tư vào Bình Dương.

Dù thị trường BĐS vẫn đang khó khăn, nhưng xét về mặt tổng thể, Bình Dương có nhiều lợi thế và kỳ vọng để thị trường BĐS sôi động trở lại khi kinh tế của tỉnh đang có dấu hiệu khởi sắc, nhất là đòn bẩy từ hạ tầng và dòng vốn FDI. Cụ thể, vốn đầu tư FDI vào BĐS 5 tháng đầu năm đang tăng mạnh. Bình Dương đang hợp tác hiệu quả với các tập đoàn lớn, có thương hiệu trên toàn cầu như Warburg Pincus, Sembcorp Tokyu, CapitaLand Development, Aeon… Các dự án của những tập đoàn này đang và sẽ tiếp tục đóng góp vào diện mạo đô thị Bình Dương. Đồng thời, các dự án giao thông trọng điểm huyết mạch liên vùng đang triển khai, sắp triển khai kết nối với toàn vùng Đông Nam bộ trong thời gian sắp tới chắc chắn sẽ tạo động lực hồi phục trở lại thị trường BĐS.

Bình Dương đang tập trung lập quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt, trong đó chú trọng kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại phù hợp với từng đối tượng có nhu cầu. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, BĐS trên địa bàn; làm việc trực tiếp với các DN để kịp thời xử lý đối với từng dự án, đề xuất cụ thể những giải pháp…