Giúp cư dân Hòn Chuối an tâm bám biển

Ở đảo Hòn Chuối, từ chuyện thiếu kí gạo, lít nước ngọt, bịch muối… hay chuyện ốm đau bệnh tật, hoặc chuyện xuồng ghe của cư dân không may gặp sự cố… tất cả đều được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối có mặt kịp thời để giúp đỡ. Nhờ sự chăm lo chu đáo ấy mà đồng bào dân tộc Khmer sinh sống ở Hòn Chuối rất yên tâm để lao động, sản xuất…

Hòn Chuối được ví như một ốc đảo bởi nó nằm chơi vơi giữa vùng biển Tây Nam, cách cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau khoảng 18 hải lý. Ngoài lực lượng Đồn Biên phòng, trên đảo còn có trạm Ra đa Hải quân Vùng 5, trạm đèn Hải đăng và trên 40 hộ dân, trong đó có hơn 20 hộ là đồng bào dân tộc Khmer. Cư dân trên đảo sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác thủy sản theo mùa vụ, buôn bán nhỏ và những năm gần đây đầu tư nuôi cá bớp lồng bè. Đảo nhỏ, không có nơi cư trú an toàn nên mỗi khi có mưa giông, lốc xoáy xảy ra thì mức độ thiệt hại đối với người và tài sản của cư dân là rất lớn.

anh-2-large-1658983638.jpeg
Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Hòn Chuối tuần tra bảo vệ mục tiêu trên đảo, cư dân Hòn Chuối an tâm lao động sản xuất.

Đa số nhà cửa của cư dân trên đảo đều làm tạm bợ bằng cây gỗ địa phương. Lợi dụng địa hình vách đá mà kê kích cho chắc, cho bằng để dựng thành căn nhà và che chắn bằng nhiều vật dụng khác nhau. Nhà có điều kiện thì làm cây to, che chắn dựng vách bằng tol thiếc, tấm alu, khó khăn thì làm cây lá, xung quanh che thêm bạt cao su, hoặc lá cây lấy trên đảo. Vì vậy, chỉ cơn giông cũng có thể làm tốc mái, nặng hơn là đổ sập cả căn nhà. Điển hình, đầu tháng 7 vừa qua, mưa to, lốc xoáy đã làm sập và hư hỏng nặng 9 căn nhà của cư dân trên đảo, thiệt hại gần 400 triệu đồng.

Trung tá Lê Quốc Cường - Đồn trưởng, Đồn Biên phòng Hòn Chuối cho biết, do đặc thù của đảo nhỏ và vách đá dựng đứng, nên mỗi năm cư dân phải chuyển nhà 2 lần từ ghềnh Nam sang ghềnh Bắc để tránh sóng, tránh gió. Vì vậy, để giúp cư dân chủ động ứng phó với thiên tai, đơn vị thường xuyên cử cán bộ, chiến sỹ đến từng hộ gia đình tuyên truyền, nhắc nhở cư dân chằng chống nhà cửa; di dời lồng bè cá để tránh sóng, tránh gió, nhất là trong mùa mưa bão hiện nay. Khi có áp thấp nhiệt đới, tin bão xa, đơn vị chủ động có phương án di dời bà con cư dân lên đơn vị trú tránh.

anh-3-large-1658983738.jpeg
Việc học hành của con em trên đảo do Đồn Biên phòng đảm nhiệm.

Đối với ngư dân hoạt động trên biển, đồn Biên phòng kêu gọi qua hệ thống thông tin liên lạc nhắc nhở ngư dân thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, khi có tin áp thấp nhiệt đới, biển động mạnh thì nhanh chóng di chuyển vào bờ, vào các đảo tránh trú an toàn. Khi có sự cố xảy ra thì thông báo cho đồn biên phòng biết để hỗ trợ.

Anh Kim Văn Của, cư dân sinh sống trên đảo chia sẻ, mỗi năm, cư dân ở đây phải dời nhà 2 lần từ ghềnh Chướng sang ghềnh Nam và ngược lại để tránh sóng, tránh gió. Những lúc chuyển nhà, cán bộ chiến sỹ đồn Biên phòng tập trung hỗ trợ bà con phụ chúng tôi khuân vác mà còn dành ngày công giúp chúng tôi chuyển đồ, dựng lại nhà cửa. Còn chuyện tuyên truyền, nhắc nhở cư dân phòng chống giảm nhẹ thiên tai là việc làm thường xuyên của đồn Biên phòng. Nhờ vậy, xuồng ghe và bè cá của bà con luôn được đảm bảo an toàn.

Trung tá Lê Quốc Cường – Đồn trưởng Đồn Hòn Chuối cho biết thêm, đơn vị thường xuyên rà soát, thống kê, bổ sung, nắm chắc các tần số thông tin liên lạc, số điện thoại các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá, nhất là các tàu cá thường xuyên neo đậu, tránh sóng gió tại khu vực đảo để kịp thời trao đổi nắm bắt thông tin khi có tình huống xảy ra.

anh-4-large-1658983738.jpeg
Cư dân thu hoạch cá.

Điển hình như vụ việc xảy ra vào lúc khoảng 3h sáng ngày 9/7, Đồn Biên phòng Hòn Chuối nhận được tin tàu đánh cá CM 91109 TS do ông Huỳnh Văn Vũ, 48 tuổi, ngụ Vĩnh Thành, Thạch Trị, Sóc Trăng làm thuyền trưởng. Đi trên tàu có tất cả 10 người, khi tàu đang neo đậu cách đảo Hòn Chuối khoảng 2 hải lí về hướng Đông bắc thì bị giông lốc, sóng to đánh chìm tàu. Đồn biên phòng Hòn Chuối nhanh chóng tổ chức lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; đồng thời huy động thêm 1 tàu đánh cá CM 97989 TS và 6 thuyền viên của ngư dân Sông Đốc cùng phối hợp tìm kiếm, cứu nạn. Đến khoảng 4 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đã tìm thấy và cứu vớt được 9 thuyền viên đưa vào đảo an toàn. 1 thuyền viên mất tích sau đó được tìm thấy mắc kẹt trong ca-bin tàu.

Ông Đổ Tuấn Hiệp – Tổ trưởng an ninh tự quản đảo Hòn Chuối cho biết, xa đất liền nên điều kiện sinh hoạt của cư dân trên đảo nói chung, đồng bào Khmer nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Vào mùa khô, người dân trên đảo thường thiếu nước ngọt sử dụng, thậm chí ngay trong mùa mưa. Còn điều kiện về y tế, chăm sóc sức khỏe cho cư dân, cũng như việc học hành của con em trên đảo thì phụ thuộc hoàn toàn vào cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng. Nhiều khi biển động kéo dài, tàu trong bờ không ra đảo được thì chuyện thiếu lương thực thực phẩm, thiếu nước ngọt là chuyện bình thường. Và những lúc như vậy, bà con lại lên Đồn mượn, khi nào có thì tự động mang trả, anh em bộ đội không bao giờ đòi. Sống xa đất liền nhưng chúng tôi rất yên tâm vì luôn được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng giúp đỡ.

Ngoài cư dân sinh sống tại đảo, mỗi ngày cũng có hàng chục phương tiện hoạt động nghề khai thác hải sản của các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre… vào neo đậu tránh gió, hoặc vào mua thêm lương thực thực phẩm, nước đá, dầu…Vào đây, các ngư phủ thường lên các ghềnh đá để tổ chức ăn nhậu rồi có lúc phát sinh mâu thuẫn gây rối trật tự. Những lúc như vậy, nhiều hôm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối phải thức cả đêm để giải quyết. Công tác tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý nghiêm minh nên tình trạng ngư phủ lên đảo ăn nhậu, gây mất trật tự không còn. Hoặc, khi ngư dân hoạt động trên biển gặp tai nạn, rủi do trong lao động, gặp sóng to gió lớn thì Đồn Biên phòng luôn có mặt để hỗ trợ ngư dân.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển đảo, hỗ trợ, giúp đỡ cho ngư dân, nhất là với cư dân đang sinh sống, làm ăn tại đảo… là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người lính như chúng tôi. Trung tá Lê Quốc Cường mong muốn!

Mai Lan - Lê Khoa