Giới đầu tư Mỹ lo lắng sau “vụ sụp đổ thế kỷ” của ngân hàng SVB

Hàng loạt tên tuổi lớn ở Thung lũng Silicon và lĩnh vực tài chính đang kêu gọi Chính phủ Mỹ can thiệp sau “vụ sụp đổ thế kỷ” của Ngân hàng Silicon Valley (SVB). Khi nhiều công ty mới thành lập đang lo ngại sẽ không đủ khả năng trả lương trong tháng 3 này, dẫn tới 1 làn sóng phá sản hoặc sa thải rộng rãi trong lĩnh vực công nghệ.

Theo Bloomberg, với khoảng 209 tỷ USD tài sản, Ngân hàng SVB đã trở thành ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ. Ngân hàng này đã bị cơ quan quản lý Mỹ buộc đóng cửa, sau khi khách hàng rút 42 tỷ USD, tương đương 25% tổng số tiền gửi của ngân hàng chỉ trong 1 ngày.

Nhà đầu tư mạo hiểm và từng là Giám đốc điều hành công nghệ David Sacks, đã kêu gọi chính phủ liên bang thúc đẩy một ngân hàng khác mua tài sản của SVB, nhằm ngăn chặn khủng hoảng lây lan. Chia sẻ quan điểm này, nhà đầu tư Bill Ackman cho rằng, chính phủ không có nhiều thời gian để khắc phục một sai lầm “sắp không thể sửa chữa được nữa”.

Theo nhà phân tích Alexander Yokum tại Công ty nghiên cứu CFRA đánh giá, tại thời điểm này, SVB đang ở trong tình trạng khá tồi tệ. Việc mua lại dường như có thể xảy ra bởi vì SVB từng là một ngân hàng rất hấp dẫn và khách hàng của họ cũng vậy. Đó là một mô hình kinh doanh tuyệt vời.

“Nếu danh mục đầu tư chứng khoán của SVB được định vị khác đi một chút, nghĩa là không quá dài hạn, để trái phiếu không giảm nhiều thì họ sẽ ổn. Tuy nhiên bài học từ SVB cho thấy, bạn cần nhận thức rõ về danh mục đầu tư chứng khoán của mình và đảm bảo rằng bạn sẽ không bị rơi vào tình huống tồi tệ như vậy”, vị chuyên gia này đánh giá.

Nhiều ngân hàng đã tìm cách trấn an thị trường, bằng cách đưa ra tuyên bố nhấn mạnh sự khác biệt giữa họ và SVB về tài sản và cơ sở người gửi tiền.

Trong một động thái trấn an, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngay ngày hôm qua đã gặp gỡ các quan chức của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED), Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ để thảo luận về SVB.

Bà Cecilia Rouse, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng cho biết, Bộ trưởng Tài chính đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến của SVB.

“Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, hệ thống ngân hàng của Mỹ đang ở một vị trí khác về cơ bản so với một thập kỷ trước. Những cải cách được đưa ra sau đó thực sự mang lại khả năng phục hồi mà chúng ta mong muốn. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào các cơ quan quản lý của mình”, theo bà Cecilia Rouse.

11svb-crypto-jmwt-jumbo-167859447927876593801-1678680099.jpeg

Ảnh minh hoạ.

Việt Nam không bị ảnh hưởng từ vụ phá sản ngân hàng Mỹ

Theo Chuyên gia kinh tế - tài chính TS Bùi Kiến Thành cho rằng, việc ngân hàng SVB (Mỹ) đóng cửa không ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng cũng như các hoạt động kinh tế tài chính khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự việc này có thể tạo ra tâm lý lo lắng cho một số người có tiền gửi ở các ngân hàng chưa thực sự vững chắc.

"Người gửi sẽ đi rút tiền ở các ngân hàng và ngân hàng đó phải đối mặt với khó khăn về tiền mặt khi thanh khoản", TS Bùi Kiến Thành bày tỏ.

Ông Thành chia sẻ, từ 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước quản lý tốt hoạt động của các ngân hàng, trong đó cả những ngân hàng chưa thật sự bền vững. Các ngân hàng này chưa có sự quản lý chặt chẽ cho nên có thể dẫn đến nợ xấu và đến một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng dư luận, từ đó việc quản lý trở nên khó hơn. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quản lý và đưa vào danh sách các ngân hàng cần được theo dõi, kiểm soát.

Cũng có cùng nhận định trên, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng khẳng định, ngân hàng SVB (Mỹ) đóng cửa không ảnh hưởng đến Việt Nam, mà chỉ ảnh hưởng về mặt tâm lý. Lỗi của ngân hàng này là cho vay quá nhiều, trong khi tiền vốn và tiền người dân gửi tiết kiệm qua kỳ dịch COVID-19 vừa rồi giảm sút. Vì thế họ không có tiền trả lại cho khách.

Theo Luật phá sản của Mỹ, khi đơn vị không chi trả được các khoản nợ tới hạn ở một thời gian nhất định thì đơn vị đó phải làm thủ tục phá sản, chuyên gia Lê Đăng Doanh phân tích.

Thuật ngữ phá sản có vẻ nặng nề, kinh khủng, nhưng trong Kinh tế học được cho đó là sự “tàn phá sáng tạo”, tức là đơn vị hỏng thì đơn vị giải thể, sau đó nhà đầu tư khác vào đầu tư và vực dậy. Như vậy là "từ đống tro tàn sẽ có một ngôi nhà mới được dựng lên".

Vì vậy, vụ đóng cửa của ngân hàng SVB không mang tầm cỡ quốc tế, không gây phản ứng dây chuyền trong hệ thống tài chính, ngân hàng của Việt Nam, mà nó chỉ là ảnh hưởng về tâm lý.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng cho rằn, đây cũng là một bài học cho Việt Nam, chứ không ảnh hưởng đến việc điều chỉnh tỷ giá, đến hoạt động tài chính ngân hàng. Vị chuyên gia này cho rằng việc này cũng không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động ngân hàng của Mỹ.

Kể từ khi được thành lập cách đây 40 năm, SVB đã trở thành trung tâm tài chính trong ngành công nghệ, đặc biệt là đối với các công ty khởi nghiệp (Start-up) và các nhà đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên SVB đã phải đối mặt với các vấn đề về dòng tiền trong năm nay, khi nguồn tài chính khởi nghiệp cạn kiệt và tài sản của chính SVB bị khóa trong các trái phiếu dài hạn. Chưa đầy 18 tháng trước, SVB được định giá hơn 44 tỷ USD.

Thi Nguyên (t/h)