FED sẽ khó tránh tình trạng tăng lãi suất cao hơn mức cần thiết

Nỗ lực kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang khiến ngân hàng trung ương này khó tránh tình trạng tăng lãi suất cao hơn mức cần thiết. Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế Christina Romer, Giáo sư kinh tế tại Đại học California, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) của Nhà Trắng từ năm 2009 đến 2010.

Theo chuyên gia kinh tế Christina Romer, các nhà hoạch định chính sách FED sẽ phải đối mặt với một quyết định rất khó khăn về thời điểm ngừng tăng lãi suất hoặc đảo ngược chính sách này.

"Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải thay đổi chính sách lãi suất trước khi vấn đề lạm phát được giải quyết hoàn toàn nếu họ muốn giảm lạm phát mà không gây ra nhiều "đau đớn" hơn mức cần thiết, bà Christina Romer cho biết.

Các quan chức FED đã thừa nhận rất khó để đánh giá về mức tăng lãi suất và thời gian duy trì mức tăng này. Do đó, FED đã giảm tốc độ tăng lãi suất để tránh mắc sai lầm. Biên bản cuộc họp chính sách gần đây nhất của FED vào tháng 12/2022 cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang vật lộn để đánh giá rủi ro. Trong khi đó, các nhà kinh tế cảnh báo về khả năng cao tăng lãi suất sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế ở Mỹ trong năm tới.

fedsecurepaymenttaskforce-1673270749.jpg
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ở Whasington D.C.

Với việc nghiên cứu biên bản cuộc họp của FED từ những năm 1940, bà Romer cho biết khi lãi suất tăng, tổng sản lượng kinh tế bắt đầu chậm lại khoảng sáu tháng sau đó. Tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng sau khoảng 5 tháng và tăng trung bình 1,6 điểm phần trăm sau 27 tháng, với tác động giảm dần sau 5 năm.

FED không cắt giảm lãi suất trong năm nay

Giới chức ngân hàng trung ương Mỹ không cho rằng việc bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay là thích hợp khi lạm phát vẫn ở mức cao. Các quan chức FED khẳng định đã có những dấu hiệu cải thiện trên thị trường lao động, song kỳ vọng cung và cầu thị trường lao động sẽ đạt "cân bằng tốt hơn" với đường lối, chính sách thắt chặt tiền tệ phù hợp.

Biên bản cuộc họp cho biết không có quan chức nào tham dự cuộc họp nhận định rằng năm 2023 là thời điểm phù hợp để bắt đầu giảm mục tiêu lãi suất quỹ liên bang, mà cần duy trì chính sách thắt chặt cho đến khi xu hướng lạm phát giảm một cách bền vững trở nên rõ ràng.

Các quan chức FED cảnh báo rằng việc nới lỏng các điều kiện tài chính "không chính đáng", đặc biệt nếu do nhận thức sai lầm của công chúng, sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực ổn định giá cả. Một số quan chức nhấn mạnh rằng cần hiểu rõ việc giảm tốc độ tăng lãi suất không phải là dấu hiệu của sự suy yếu trong quyết tâm chống lạm phát. Biên bản cuộc họp cũng nêu rõ lạm phát tại Mỹ vẫn "dai dẳng và ở mức cao" và nước này cần đảm bảo duy trì một giai đoạn tăng trưởng kinh tế bền vững dù ở mức thấp.

Trong nhiều tháng qua, hoạt động chi tiêu được hỗ trợ nhờ thị trường lao động mạnh mẽ và các hộ gia đình tăng chi từ khoản tiết kiệm dư thừa sau đại dịch Covid-19 và xu hướng này có thể tiếp tục trong tương lai. Tuy nhiên, một số quan chức FED lưu ý đến thực tế nhiều hộ gia đình thu nhập thấp đang phải đối mặt khó khăn về ngân sách chi tiêu và nhiều người tiêu dùng phải điều chỉnh chi tiêu sao cho bớt tốn kém hơn.

Đây chính là lý do FED cho rằng triển vọng chi tiêu của người tiêu dùng không rõ ràng. Trong khi đó, thị trường lao động ở trạng thái siết chặt với tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng lương khiến các giới chức FED lo ngại sẽ đẩy giá dịch vụ lên cao hơn và trở thành yếu tố bất lợi đối với nỗ lực giảm lạm phát.

Các quan chức FED khẳng định, đã có những dấu hiệu cải thiện trên thị trường lao động, song kỳ vọng cung và cầu thị trường lao động sẽ đạt "cân bằng tốt hơn" với đường lối chính sách thắt chặt tiền tệ phù hợp. Điều quan trọng, các nhà hoạch định chính sách FED cho rằng cần cân bằng giữa chính sách thắt chặt tiền tệ với sự cắt giảm không cần thiết trong hoạt động kinh tế, qua đó tránh cho nhóm người dễ tổn thương nhất trong xã hội phải hứng chịu những gánh nặng lớn nhất.

Trước đó, ngày 14/12/2022, FED đã ra quyết định nâng biên độ lãi suất cơ bản của cơ quan này thêm 50 điểm cơ bản lên khoảng 4,25 - 4,5%. Đây là đợt tăng lãi suất nhỏ nhất của FED kể từ tháng 6/2022 khi ngân hàng trung ương Mỹ cố gắng kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế. Mặc dù vậy, các hộ gia đình Mỹ vẫn sẽ chứng kiến lãi suất đối với các khoản thế chấp, cho vay mua ô tô và thẻ tín dụng tăng cao trong năm tới. Các nhà lãnh đạo FED đã cam kết giữ lãi suất cao cho đến khi lạm phát được kiềm chế hiệu quả.
Thi Nguyên (t/h)