Dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024, phát huy động lực tăng trưởng xanh

Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Mặc dù vậy, bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, do đó để hoàn thành mục tiêu đề ra, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương. Việt Nam cũng cần nỗ lực phát huy các động lực tăng trưởng theo xu hướng tăng trưởng xanh.
kinh-te-viet-nam-2024-01-1707446424.jpg
Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. (Ảnh minh họa)

Kịch bản điều hành: GDP tăng trưởng 6%-6,5%

Chính phủ nhận định tình hình thế giới, khu vực sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; hậu quả của đại dịch Covid-19 còn tác động kéo dài. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, xung đột tại Ukraine và dải Gaza nhiều khả năng còn kéo dài. Tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm. Lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa đựng yếu tố bất định…

Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát còn lớn; sản xuất kinh doanh dự báo còn khó khăn; nhu cầu các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam tiếp tục suy giảm.

Những tồn tại, hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế về cơ cấu kinh tế tích tụ từ lâu chưa được xử lý dứt điểm; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế…

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo chủ đề "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững.

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ đề ra 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Căn cứ chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng GDP tương ứng với GDP tăng trưởng 6% và 6,5%.

Kịch bản 1: Để đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 6%, tăng trưởng GDP quý I phải đạt 5,2%, quý II đạt 5,8%, tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,5%, tăng trưởng GDP quý III đạt 6,2%, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 5,7%, tăng trưởng quý IV đạt 6,5%.

Kịch bản 2: Để đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 6,5%, tăng trưởng GDP quý I phải đạt 5,6%, quý II đạt 6,2%, tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 6,0%, tăng trưởng GDP quý III đạt 6,7%, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,2%, tăng trưởng quý IV đạt 7%.

Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng

Đánh giá năm 2024 là một năm không mấy dễ dàng với kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng vì những khó khăn trong nội tại nền kinh tế từ năm 2023 vẫn tiếp tục kéo dài, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra 3 kịch bản dự báo tăng trưởng năm 2024.

Theo đó, ở kịch bản thấp, tăng trưởng GDP đạt 5,5% với mức tăng trưởng theo cơ cấu ngành kinh tế gồm khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 3,21%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng 5,44%; khu vực dịch vụ tăng 6,26%.

Kịch bản cơ sở (kịch bản dễ xảy ra nhất), tăng trưởng GDP đạt 6% với mức tăng trưởng theo cơ cấu ngành kinh tế gồm khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 3,45%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng 5,71%; khu vực dịch vụ tăng 7,02%.

Kịch bản cao, tăng trưởng GDP đạt 6,5% với mức tăng trưởng theo cơ cấu ngành kinh tế gồm khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 3,61%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng 6,67%; khu vực dịch vụ tăng 7,16%.

kinh-te-viet-nam-2024-02-1707446408.jpg
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thọ, đại diện Nhóm nghiên cứu của CIEM lưu ý trong các động lực tăng trưởng, các đầu tàu tăng trưởng truyền thống như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội có tốc độ tăng trưởng chậm dần trong khi đã xuất hiện một số đầu tàu mới như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa nhưng còn ít và chưa thực sự mạnh mẽ.

Để đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024, Nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất Chính phủ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung nhiều hơn cho các động lực tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh.

Đồng thời tập trung phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tăng cường hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ.

Trong Báo cáo nghiên cứu kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, Tiến sĩ Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết các tổ chức quốc tế như IMF, WB, OECD... đều hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 xuống thấp hơn so với năm 2023, tăng khoảng 2,4-2,9%.

Điểm tích cực là lãi suất sẽ giảm khi lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm (xuống mức khoảng 3,5% từ mức 5,5% năm 2023), qua đó sẽ kích thích đầu tư và tiêu dùng tăng dần trở lại.

Đối với Việt Nam, năm 2024 kinh tế vĩ mô trong nước dự báo sẽ đan xen cả thuận lợi và khó khăn, thách thức. Với đà phục hồi kinh tế và nỗ lực, quyết liệt hơn nữa của chính quyền, người dân và doanh nghiệp, dự báo kinh tế Việt Nam 2024 có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2023 với 3 kịch bản tăng trưởng:

Kịch bản cơ sở: Tiếp nối đà phục hồi nửa cuối năm 2023, sự gia tăng hiệu quả của các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng) kết hợp với khả năng phát huy các động lực tăng trưởng mới (khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tư nhân, tăng năng suất, liên kết vùng…), dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 có thể đạt 6-6,5%.

Kịch bản tích cực: Trong điều kiện môi trường quốc tế và trong nước thuận lợi hơn, các yếu tố rủi ro bên ngoài được dự báo và kiểm soát tốt; các động lực tăng trưởng được khai thác, phát huy tốt hơn; kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố...; tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5-7%.

Kịch bản tiêu cực: Nếu các rủi ro bên ngoài gia tăng và tác động tiêu cực hơn, các nền kinh tế lớn phục hồi chậm , xung đột địa chính trị leo thang, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế của Việt Nam, trong khi các động lực tăng trưởng chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 chỉ đạt khoảng 5-5,5%.

Phát huy các động lực tăng trưởng

Năm 2024, Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu, với tăng trưởng GDP khoảng 6%-6,5% đồng thời GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD. Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đã đặt ưu tiên điều hành nền kinh tế vào việc tạo hợp lực và phát huy động lực mạnh mẽ, ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Để thực hiện được mục tiêu này, chuyên gia kinh tế, Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho rằng phải thực hiện quyết liệt, kịp thời và đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy được các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Cụ thể là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, giá trị VND và kiềm chế lạm phát. Công tác điều hành đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn chính sách tiền tệ-tài khóa với sự điều chỉnh linh hoạt và phù hợp, nhằm hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động sản xuất.

kinh-te-viet-nam-2024-03-1707446496.jpg
Các chuyên gia cũng khuyến nghị khu vực doanh nghiệp đẩy mạnh quá trình xanh hóa sản xuất-kinh doanh. (Ảnh minh họa)

Theo ông Thịnh, Chính phủ cần bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế, theo dõi, đánh giá để phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng, lãi suất và tỷ giá, cân đối ngân sách và hỗ trợ tăng trưởng, đầu tư công hay trực tiếp nước ngoài và tư nhân.

Về phía doanh nghiệp, ông Thịnh cho rằng cần chủ động sắp xếp tinh gọn từ khâu quản lý đến hoạt động sản xuất, để giảm chi phí và giảm giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp cũng cần thực hiện tốt chế độ phúc lợi để thu hút và giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao để gắn bó lâu dài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục tập trung nguồn lực đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn đồng thời thúc đẩy liên kết mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần.

Trước xu hướng Sản xuất Xanh, Tiêu dùng Xanh trên thế giới và để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường các nước phát triển, các chuyên gia cũng khuyến nghị khu vực doanh nghiệp đẩy mạnh quá trình xanh hóa sản xuất-kinh doanh, như tiết kiệm nguyên nhiên, vật liệu, năng lượng.

“Bản thân các doanh nghiệp phải xem xét lại cơ cấu tổ chức, tái cấu trúc toàn bộ đồng thời tiết giảm đến mức tối đa các chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng những biện pháp lâu dài,” ông Thịnh nhấn mạnh.

Trên bình diện đó, ông Thịnh kiến nghị Nhà nước có các cơ chế, chính sách nhằm mục đích kích cầu hoạt động xanh hóa của doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp phải tận dụng thời cơ để tiến hành Chuyển đổi Số, áp dụng Công nghệ Số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh, từ đó đưa ra thị trường những sản phẩm hàng hóa rẻ hơn, thu hút sức mua tăng trở lại.

Về đẩy mạnh xuất-nhập khẩu, Bộ Công thương cùng các cơ quan thương vụ và hiệp hội ngành hàng nắm lại các thị trường truyền thống, tìm hiểu nguyên do giảm sút đơn hàng từ đó có sự thay đổi các điều kiện nhập khẩu cho các sản phẩm, sự thay đổi thị hiếu…

Bên cạnh đó, giới phân tích cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp cũng không nên "bỏ quên" thị trường tiêu dùng trong nước 100 triệu dân, với mức thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên nhanh chóng...

Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng cần phải có sự rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, trên cơ sở đó tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh. Điều này đang là rào cản lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh./.

Trọng Bình