Nhiều tín hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024

Mặc dù được dự báo còn nhiều khó khăn tiếp tục bủa vây doanh nghiệp và nền kinh tế trong năm 2024, nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã có bước khởi động năm 2024 khá ấn tượng.
sxcn-1706601213.jpg
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 tăng 18,3%. Ảnh minh họa

Theo số liệu mới nhất được công bố từ Tổng cục Thống kê mới đây, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 tăng 18,3%, Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 21,6%, đóng góp 1,9 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 7,3%, đóng góp 1,2 điểm phần trăm.

Cùng với đà phục hồi của năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa những ngày đầu năm 2024 tiếp tục cho thấy những tín hiệu khởi sắc. Trong nửa đầu tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 29,78 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 4 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện thoại và linh kiện đạt hơn 2,86 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,246 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tăng cao. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 407.5 ngàn tỷ đồng, tăng 7.3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 22.5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13.4%; lương thực, thực phẩm tăng 6.2%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 2.5%; hàng may mặc tăng 1.5%.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, ngay tháng đầu năm, tình hình đã khá khả quan, với 2,36 tỷ USD vốn đăng ký, tăng 40.2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, vốn giải ngân đạt khoảng 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng đầu tiên của năm 2024, đã có 190 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 24,2% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ. Số dự án tăng, đặc biệt là dự án quy mô lớn (hơn 600 triệu USD) là một trong những nhân tố chính thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh.

img-839320230713104109-1706593840.jpg
Vốn FDI giải ngân trong tháng 1/2024 cũng khá khả quan, đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh họa

Xét về đối tác đầu tư, đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong tháng 1/2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư, tăng 72,8% so với cùng kỳ 2023. Nhật Bản đứng thứ hai với gần 297 triệu USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo là Samoa, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc),… Tuy nhiên, nếu xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 19%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,7%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 25,3%

Chính số doanh nghiệp FDI thành lập mới tăng mạnh đã đẩy số doanh nghiệp thành lập mới trên cả nước trong tháng đầu năm cũng tăng vọt cả về số lượng lẫn số vốn đăng ký. Cụ thể, trong tháng 1 có đến 13.536 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2023; tổng số vốn đăng ký thành lập đạt 151.451 tỉ đồng, tăng gần 53% so với cùng kỳ. Đặc biệt, có đến 13/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Chẳng hạn, ngành vận tải kho bãi tăng hơn 44%; ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng gần 48,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 32%; khai khoáng tăng 25,5%; xây dựng tăng hơn 23%...

Những tín hiệu tích cực trên đã khởi đầu một năm được dự báo chưa hết khó khăn. Tuy nhiên, nhờ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ tiếp tục phát huy hiệu quả tốt. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng vọt cho thấy nguồn tiền có sự lưu thông, được đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều hơn. Cùng với đó, trong bối cảnh lạm phát ở nhiều nền kinh tế tăng cao, Việt Nam vẫn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá tiêu dùng đạt mục tiêu đề ra, đây là nỗ lực rất lớn. Đồng thời, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay cũng được cải thiện, từ đó tạo tác động lan tỏa tới toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, nhiều chuyên gia cho rằng, để tạo đà phát triển, trong những tháng tới cần tận dụng mọi cơ hội và dồn mọi nguồn lực “thúc” tăng trưởng kinh tế, để năm 2024 thực sự là năm “bứt phá, về đích”. Muốn vậy, phải tiếp tục có chính sách nhằm đẩy mạnh đưa dòng tiền vào lưu thông nhiều hơn.

Năm 2024 được dự báo kinh tế đỡ áp lực hơn, lạm phát giảm, lãi suất không tăng. Tuy vậy, những rủi ro bên ngoài về địa chính trị, biến đổi khí hậu, rủi ro tài chính… vẫn cần lưu ý. Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất sau đại dịch và hy vọng áp lực từ các yếu tố quốc tế sẽ giảm đi trong thời gian tới.

Việt Nam đang có chiến lược thu hút đại bàng tới làm tổ trong các lĩnh vực công nghệ, chip bán dẫn… nên các chính sách thu hút đầu tư phải bám sát mục tiêu này, không được lơ là. Phải tận dụng cơ hội mới bằng cách hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy nền kinh tế mới sang tuần hoàn./.

Hương Lan