Doanh nghiệp xuất khẩu Việt cần thận trọng trong thương mại quốc tế

Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cùng với việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, đã và đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kết nối đa dạng thị trường xuất khẩu, tăng cường hợp tác thương mại quốc tế, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
hang-hoa-1704010640.png
Doanh nghiệp xuất khẩu Việt cần thận trọng thương mại quốc tế. Ảnh minh họa

Theo kết quả ghi nhận trong năm 2022, các doanh nghiệp toàn cầu đã phải chịu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo với giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. Có thể thấy, tranh chấp và gian lận thương mại hiện đang là một vấn đề tồn tại trong giao dịch thương mại quốc tế mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam luôn phải tính đến, trong bối cảnh thương mại quốc tế nhiều biến động, rủi ro.

Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam dù có nhiều trải nghiệm xuất khẩu, nhưng đa số là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, chưa dày kinh nghiệm phòng ngừa và đối phó với các lừa đảo và tranh chấp thương mại quốc tế. Rất nhiều doanh nghiệp chưa quen thuộc với văn hóa kinh doanh của các nước nhập khẩu, có khi chưa hiểu biết nhiều các đối tác, hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp. Nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại như trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị "sập bẫy" gian lận thương mại, lừa đảo hoặc “vướng vấn đề về pháp lý” trong thời gian gần đây.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, thời gian gần đây, số lượng các vụ lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam có liên quan đến Canada đang gia tăng nhanh chóng. Mặc dù, hệ thống pháp luật của Canada khá minh bạch, rõ ràng để kiểm tra thông tin; các biện pháp chế tài/xử lý vi phạm của Canada cũng tương đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, với thực tế là Canada cho phép nhập cư khá ồ ạt trong những năm gần đây, từ nhiều quốc gia khác nhau, cấu trúc xã hội Canada có những biến động theo hướng đáng quan ngại, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.

Nhiều vụ việc lừa đảo liên quan đến một số cá nhân/chủ doanh nghiệp có gốc từ những nhóm sắc tộc đặc thù. Phức tạp hơn là hiện nay, một số cá nhân tự tiếp cận hồ sơ đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, có uy tín cao, có danh tiếng của Canada, download đăng ký kinh doanh và dùng vỏ bọc của các doanh nghiệp; dùng tên của các chủ doanh nghiệp này để đi lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam.

hat-dieu-16388684006251132377890-1704010654.jpg
Nhiều doanh nghiệp hạt điều Việt Nam bị lừa đảo do tin vào môi giới. Ảnh minh họa

Hình thức lừa đảo này chủ yếu là gọi điện trực tiếp, email (đuôi email miễn phí như gmail, hotmail…), Whatsapp, viber để gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh, thậm chí gửi cả chứng nhận ngân hàng (tài khoản, số dư); chứng nhận nộp thuế… để xác nhận uy tín; sau đó trao đổi đặt hàng, gửi hợp đồng (thường yêu cầu giá CIF), đóng dấu đầy đủ. Đến giai đoạn doanh nghiệp Việt Nam đề nghị chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng sẽ yêu cầu một số loại chứng nhận (thường là không tồn tại); và thậm chí gửi bản mẫu các chứng nhận này cho doanh nghiệp Việt Nam; khẳng định đây là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện của Chính phủ Canada/chính phủ tỉnh bang trước khi chuyển tiền.

Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, khi các doanh nghiệp Canada nhập khẩu đề nghị bên xuất khẩu tự đứng ra làm các chứng chỉ của Canada và coi đây là yêu cầu bắt buộc của giao dịch thì hầu hết đều là lừa đảo vì các doanh nghiệp nhập khẩu thường sẽ đứng ra thực hiện các thủ tục của sở tại. Các chứng chỉ như: Canadian Anti-Terrorist Clearance Certificate, Canadian Food Inspection Agency… đều không có thật.

Tại khu vực thị trường Châu Phi - Trung Đông, để phòng tránh lừa đảo trong thương mại Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập cảnh báo và khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Ai Cập trong giai đoạn hiện nay cần chú ý xem xét kỹ các điều khoản hợp đồng về điều kiện giao nhận hàng, hình thức thanh toán và bổ sung điều khoản xử lý các phát sinh như trường hợp hàng hóa phải lưu tại cảng dài ngày do vấn đề chậm thanh toán từ phía đối tác nhằm giảm thiểu rủi ro khi thực hiện hợp đồng.

Ngoài ra, để hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, thời gian qua Bộ Công Thương liên tục cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài cần phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất. Các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, nghĩa vụ của mỗi bên, những trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường./.

Hương Lan