Đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng đường sắt

Năm 2023, ngành đường sắt sẽ khởi công 6 dự án hạ tầng đường sắt, trong đó 5 dự án được sử dụng nguồn vốn ngân sách và 1 dự án sử dụng vốn ODA của Hàn Quốc với tổng vốn khoảng hơn 7.400 tỷ đồng.

Theo Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), trong năm 2023 sẽ có 5 dự án hạ tầng đường sắt nhóm B nguồn vốn đầu tư sử dụng ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Dự án Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Bình), vốn ODA của Hàn Quốc được khởi công.

Trong đó, có 3 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM tại 3 đoạn: Hà Nội - Vinh, Vinh - Nha Trang, Nha Trang - Sài Gòn, thời gian dự kiến thực hiện trong 3 năm, giai đoạn 2022 - 2025.

Cụ thể, dự án Nha Trang - Sài Gòn có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.098 tỷ đồng, trên chiều dài khoảng 411km, vừa được khởi công ngày 26/1/2023.

Hai dự án còn lại là Dự án Hà Nội - Vinh có tổng mức đầu tư khoảng 811 tỷ đồng, trên tổng chiều dài dự án khoảng 319,202km; Dự án Vinh - Nha Trang có tổng mức đầu tư khoảng 1.189,9 tỷ đồng, trên tổng chiều dài khoảng 995,728km, dự kiến sẽ khởi công trong quý I/2023.

02080836-4-duong-sat-viet-nam-1676907528.jpg

Đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng đường sắt. Ảnh minh họa

Hai dự án nhóm B khác là Dự án Cải tạo các ga đường sắt phía Bắc và Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống). Dự án ga có tổng mức đầu tư dự kiến 476 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Dự án thực hiện cải tạo nâng cấp 3 ga hành khách và 4 ga hàng hóa, dự kiến khởi công trong quý I/2023.

Dự án cầu đường sắt Đuống có tổng vốn đầu tư dự kiến 1.848 tỷ đồng, nhằm thực hiện nâng tĩnh không thông thuyền cầu, tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt để bảo đảm an toàn và tránh ùn tắc (dự kiến sẽ khởi công xây lắp vào giữa năm 2023).

Cùng với đó, Ban cũng đang thực hiện đầu tư Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM, mục tiêu bảo đảm an toàn, rút ngắn thời gian chạy tàu và nâng cao năng lực, chất lượng vận tải qua khu vực đèo trên chiều dài gần 7km. Tổng mức đầu tư dự kiến 2.010,7 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA từ quỹ EDCF của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự kiến công tác triển khai thi công các gói thầu XL-01, XL-02 sẽ được bắt đầu vào quý III/2023.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đến năm 2030 cần khoảng 240.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 - 2030, ngành đường sắt cần đến hơn 227.000 tỷ đồng vốn cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng.

Thi Nguyên (t/h)