Đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm trên khu vực biên giới biển

Hơn 2 năm qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên khu vực biên giới biển của tỉnh Cà Mau tội phạm hình sự, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, các loại tệ nạn xã hội... còn xảy ra nhiều. Trên biển, hoạt động cặp mạn mua bán xăng dầu vẫn với phương thức thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Đó là chia sẻ và trăn trở của Đại tá Nguyễn Văn Ngọc – Phó chỉ huy trưởng Nghiệp vụ BĐBP tỉnh Cà Mau.
anh-1-large-1660190049.jpeg
Đồn BP Sông Đốc kiểm tra, niêm phong phương tiện buôn lậu dầu trên biển

Đánh mạnh tội phạm ma tuý

Trước những khó khăn và trăn trở của lực lượng trực tiếp đấu tranh với các loại tội phạm, Đại tá Nguyễn Văn Ngọc – Phó chỉ huy trưởng Nghiệp vụ BĐBP tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, Đảng ủy – Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã tập trung lãnh đạo quán triệt nghiêm túc các chủ trương, chỉ đạo nghiệp vụ của cấp trên, cụ thể hóa sát với tình hình, nhiệm vụ thực tế của đơn vị, địa bàn. Chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; tập trung triển khai toàn diện, chặt chẽ các biện pháp đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm; nâng cao hiệu quả mạng lưới mật, chủ động lập các kế hoạch, chuyên án, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm ma tuý, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại, trộm cắp tài sản, chiếm đoạt trẻ em, triệt phá các tụ điểm tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, vũ khí, trang bị. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới biển của tỉnh.

Từ năm 2020 đến nay, BĐBP tỉnh đã xác lập các chuyên án và nhiều kế hoạch nghiệp vụ, tổ chức đấu tranh triệt phá bắt hàng chục đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ 2,4787 gam Heroin, 61,9781 gam ma túy tổng hợp dạng đá và nhiều tang vật có giá trị khác. Đơn vị cũng đã khởi tố 13 vụ/15 đối tượng, hoàn chỉnh hồ bàn giao công an các huyện theo quy định của pháp luật. Đặc biệt Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh khởi tố 2 vụ đưa người nhập cảnh trái phép và các đối tượng cầm đầu đã bị xét xử theo quy định của pháp luật.

Chỉ tính trong trong tháng đầu năm 2022 đơn vị đã tổ chức đấu tranh triệt phá thành công 3 vụ với 21 đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính 25 vụ với 55 trường hợp, phạt tổng số tiền gần 700 triệu đồng. Điển hình, vào ngày 27/05/2022 tại ấp 4, Khánh Hội, U Minh, Đồn Biên phòng Khánh Hội và lực lượng Phòng PCMT&TP BĐBP tỉnh tổ chức bắt quả tang đối tượng Vũ Minh Chiến, sinh năm 1989, trú tại Khóm 8, Phường 8, TP Cà Mau, đang tàng trữ trong 1 bọc nilon màu trắng có chứa tinh thể rắn màu trắng. Kết quả giám định cho kết quả là ma túy tổng hợp dạng đá. Đồn Biên phòng Khánh Hội đã khởi tố vụ án hình sự, hoàn chỉnh hồ sơ bàn giao cơ quan CSĐT Công an huyện U Minh điều tra, xử lý theo luật định.

Trước đó, vào tối ngày 11/5/2020, qua công tác nắm tình hình và theo dõi các đối tượng trên địa bàn. Tổ công tác đồn BP Đất Mũi và lực lượng phòng, phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh Cà Mau phát hiện đối tượng Phạm Phi Long, sinh năm 1977, ngụ ấp Ông Trang A, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau đang cất dấu 05 túi nilon bên trong có chứa chất tinh thể dạng rắn, màu trắng. Điều tra nhanh, đối tượng Phạm Phi Long khai nhận là ma tuý đá. Các chất tinh thể rắn màu trắng được cơ quan nghiệp vụ Công an tỉnh Cà Mau giám định và cho kết quả là chất ma túy, với số lượng 2,0211 gam. Đồn BP Đất Mũi khởi tố vụ án và bàn giao Công an huyện Ngọc Hiển xử lí.

anh-2-1660189977.jpg
Đồn BP Sông Đốc kiểm tra niêm phong thuốc lá lậu

Buôn lậu trên biển khó khăn cho lực lượng

Đại tá Nguyễn Văn Ngọc – Phó chỉ huy trưởng Nghiệp vụ BĐBP tỉnh thông tin thêm, vùng biển Cà Mau rộng 80 ngàn ki lô mét vuông, tiếp giáp với vùng biển Thái Lan và Malaysia. Thời gian qua tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên vùng biển Tây Nam nói chung, vùng biển Cà Mau nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp. Trên địa bàn Biên phòng quản lí có hàng trăm công ty, xí nghiệp, dịch vụ của tư nhân và Nhà nước đứng chân kinh doanh, sản xuất về lĩnh vực thuỷ sản; số lượng phương tiện hoạt động đánh bắt thuỷ sản thường xuyên ra vào lên đến hàng ngàn chiếc mỗi con nước. Đây cũng là môi trường thuận lợi để các loại đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật như: Buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, trộm cắp tài sản, gây mất trật tự, an ninh trên biển.

Trung tá Phan Xuân Huyền – Đồn trưởng Đồn BP Sông Đốc cho biết, địa bàn đơn vị quản lí 4 xã, 1 thị trấn, có 9 cửa sông thông ra biển, trong đó có 7 cửa biển không có Trạm kiểm soát biên phòng. Trên địa bàn có 2.268 phương tiện hoạt động các nghề đánh bắt khai thác thủy sản; hàng chục công ty, xí nghiệp và hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ. Trước tình hình giá xăng dầu trong nước liên tục tăng trong những năm gần đây, nên tình hình buôn lậu xăng dầu trên biển diễn biến tinh vi và phức tạp gây nhiều khó khăn cho đơn vị và lực lượng chuyên trách. Trên địa bàn hoạt động của các loại tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, buôn lậu gian lận thương mại cũng diễn biến phức tạp. Để hoàn thành nhiệm vụ quản lý bảo vệ biên giới trong phạm vi phụ trách, thời gian qua đơn vị tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, hàng hoá ra vào địa bàn và các phương tiện khai thác thuỷ sản xa bờ dài ngày trên biển…nhằm kịp thời phát hiện đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm.

anh-3-large-1660190049.jpeg
Kiểm soát chặt chẽ người ra vào làm ăn trên biển

Điển hình, vào ngày 28/9/2021 Đồn Biên phòng Sông Đốc tổ chức lực lượng, phương tiện tuần tra bảo vệ Chủ quyền vùng biển kết hợp tuyên truyền ngư dân phòng chống dịch Covid-19 trên vùng biển thuộc đơn vị phụ trách. Khi đến tọa độ 08055/N - 104020/E phát hiện có hai tàu cá gồm KG 95471 TS và CM 1333 TS đang sang mạn dầu trái phép.

Lực lượng tuần tra tiến hành kiểm tra phát hiện trên boong tàu KG 95471 TS có nhiều ống nhựa gắn vào máy dùng để bơm hút dầu; tất cả các khoang hầm trên tàu đều chứa chất lỏng có mùi dầu. Thuyền trưởng khai nhận số chất lỏng trên là dầu DO, để bơm hút sang mạn bán cho các tàu cá khác đang hoạt động trên biển. Tại thời điểm kiểm tra hai thuyền trưởng khai nhận đang mua bán sang mạn dầu trái phép thì bị phát hiện. Tổ tuần tra đã yêu cầu hai thuyền trưởng điều khiển tàu chạy vào cửa biển Sông Đốc để phục vụ điều tra.

Qua điều tra ban đầu xác định, tàu cá KG 95471 TS của bà tống Thị Thanh Thúy, ngụ phường Vĩnh Hiệp, thành phố rạch Giá, Kiên Giang làm chủ, giao cho ông Phạm Văn Qưới, sinh năm 1962, ngụ phường An Bình, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang làm thuyền trưởng, trên tàu có thêm 2 thuyền viên. Ông Phạm Văn Qưới cũng khai nhận, hiện số dầu trên tàu còn khoảng trên 20 ngàn lít.

Ngày 03/3/2021, Tổ công tác Đồn BP Sông Đốc phối hợp lực lượng Phòng PCMT&TP và Phòng Trinh sát BĐBP tỉnh, tổ chức tuần tra địa bàn. Khi đến khu vực khóm 5, thị trấn Sông Đốc thì phát hiện hộ kinh doanh của bà Lâm Thị Hiền đang gói thuốc lá điếu nhập lậu chuẩn bị đem đi giao cho khách. Tổ công tác tiến hành kiểm tra phát hiện trong cửa hàng có trên 900 bao thuốc lá điếu nhập lậu gồm các nhãn hiệu SCOTT, HERO và JET. Đồn Biên phòng Sông Đốc, BĐBP Cà Mau đã triển khai Quyết định của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lâm Thị Hiền, sinh năm 1972, ngụ khóm 5, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, là chủ cửa hàng buôn bán thuốc lá điều nhập lậu với số tiền 40 triệu đồng.

anh-4-large-1660190049.jpeg
Trao đổi kế hoạch tuần tra bảo vệ địa bàn

Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình hình hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại trên khu vực biên giới biển vẫn đang diễn biến phức tạp, cần có sự vào cuộc đồng bộ, chặt chẽ và quyết liệt hơn của các lực lượng chức năng./.

Lê Khoa