Đắk Lắk: Hỗ trợ phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể

Xác định tầm quan trọng của kinh tế tập thể, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác thành lập mới, phát triển sản xuất kinh doanh. Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả đã nâng cao đời sống của người nông dân, tạo đầu ra cho nông sản, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

*Nâng cao đời sống xã viên

Gia đình chị Phạm Thị Chinh (dân tộc Mường, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) tham gia Hợp tác xã nông nghiệp 714 năm 2010. Được hợp tác xã hỗ trợ phân, cây giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và bao tiêu đầu ra, gia đình chị Chinh từ nghèo khó dần dần có “của ăn của để”, mua được 2 máy cày và 1 máy gặt phục vụ sản xuất. Hiện nay, với 6 ha ruộng, mỗi năm gia đình chị thu được từ 100 - 110 tấn lúa, doanh thu trung bình 500 triệu đồng/năm.

Anh Lường Văn Lâm, Trưởng thôn 1B, xã Ea Ô cho biết, thôn có 110 hộ dân, dân tộc thiểu số chiếm khoảng 50%. Thôn có hơn 90% hộ dân nhận khoán của Hợp tác xã nông nghiệp 714, từ đó đời sống của bà con nâng lên rõ rệt. Hợp tác xã cũng đã tích cực tham gia các phong trào thi đua, hỗ trợ hoạt động an sinh xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới của thôn.

Hợp tác xã nông nghiệp 714 thành lập ngày 22/6/2010, hiện có 30 xã viên và 587 hộ dân nhận khoán, canh tác gần 384 ha/vụ. Ngày mới thành lập, hợp tác xã khó khăn trăm bề song với sự vươn lên từ nội lực cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, hợp tác xã dần hoạt động ổn định và phát triển. Từ 6 tạ/ha vào năm 2010, năng suất lúa của hợp tác xã ở vụ Mùa năm 2021 đạt từ 9 - 11 tấn/ha, bán tại đồng với giá bình quân 8.300 đồng/kg. Nhiều xã viên hiện có đời sống khấm khá, sắm sửa máy móc để cơ giới hóa vào sản xuất.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp 714 Vũ Xuân Thu cho biết, những năm qua, hợp tác xã được các cấp, các ngành hỗ trợ về nhiều mặt như giao đất làm trụ sở, hỗ trợ thủy lợi phí, máy cày đất, kinh phí xây dựng kho chứa, nâng cấp tuyến kênh và trạm bơm tưới. Để nâng cao sản lượng, hợp tác xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, 2 vụ lúa xen 1 vụ khoai lang xuất khẩu, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa cắt mầm mống sâu bệnh. Hợp tác xã đang đưa những giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, đầu tư lò sấy không đảo công nghệ cao và từng bước xây dựng cánh đồng mẫu lớn để ngày càng nâng cao đời sống xã viên.

Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Quyết Tiến (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’Gar), hiện có 154 thành viên, canh tác trên diện tích 232 ha. Những năm qua, hợp tác xã hướng dẫn xã viên sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững như: trồng xen canh cây tiêu trong vườn cà phê để vừa tạo bóng mát vừa tăng thu nhập, sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, sản xuất cà phê đặc sản.

ca-phe-132144-518-1645945853.jpeg Hỗ trợ phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể tại Đắk Lắk. Ảnh minh hoạ

Gia đình bà Đào Thị Lý, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’Gar trồng 2ha cà phê, tham gia hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Quyết Tiến hơn 5 năm nay. Tham gia hợp tác xã, gia đình bà được hướng dẫn sản xuất theo hướng hữu cơ, được hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư nhà màng, máy chế biến ướt, hệ thống tưới nước tiết kiệm. Từ đó, năng suất cà phê ổn định, giá bán cao, lợi nhuận tăng rõ rệt. Vụ cà phê năm 2021, gia đình bà thu được 4 tấn nhân, giá bán cao hơn thị trường 13.000 đồng/kg.

Ông Lê Văn Diện, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Quyết Tiến cho biết, tham gia hợp tác xã và sản xuất theo hướng hữu cơ vừa mang lại lợi nhuận ổn định, vừa đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường nên người dân rất phấn khởi. Năm 2020, sản phẩm cà phê của hợp tác xã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, là bước đệm tốt để vươn ra thị trường xuất khẩu. Thời gian tới, hợp tác xã tích cực kết nối, liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định, tăng giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

*Nhiều chính sách hỗ trợ

Tính đến ngày 31/12/2021, tỉnh Đắk Lắk có 608 hợp tác xã, 300 tổ hợp tác và 4 liên hiệp hợp tác xã đăng ký hoạt động. Kinh tế tập thể đang tạo việc làm cho khoảng 21.000 lao động thường xuyên.

Để phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-TU ngày 17/3/2020 về phát triển kinh tế tập thể. Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong 3 ngày (8 - 10/12/2021) đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 - 2025.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh dự kiến sử dụng hơn 64 tỷ đồng để hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Tỉnh hỗ trợ thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể; nâng cao năng lực, nhận thức cho người quản lý và đưa lao động trẻ về làm việc tại hợp tác xã; vận hành và duy trì trang tin điện tử về kinh tế tập thể.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 700 hợp tác xã, 80% hợp tác xã hoạt động hiệu quả, thu hút 50% số hộ nông dân tham gia tổ chức kinh tế tập thể.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, phát triển kinh tế tập thể là xu thế cũng là mắt xích trọng yếu trong phát triển nông nghiệp. Thời gian tới, Chính phủ cần ban hành Nghị quyết, Nghị định riêng về phát triển hợp tác xã nông nghiệp và ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể về kết cấu hạ tầng và vùng sản xuất, công tác tập huấn, kết nối thị trường, liên kết doanh nghiệp… để hợp tác xã phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, thời gian tới, tỉnh tiếp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, tạo điều kiện tốt nhất cho hợp tác xã phát triển; nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trong triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Tỉnh Đắk Lắk chú trọng triển khai Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025”; tập trung nguồn lực hỗ trợ, phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, tại các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã 2012, tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hoạt động khu vực kinh tế tập thể phát triển cả về số lượng và chất lượng, doanh thu và thu nhập của người lao động được cải thiện, các hợp tác xã từng bước hoạt động ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị tại địa phương./.