Chuyển đổi số, thời cơ và thách thức cho doanh nghiệp xứ Thanh

Chuyển đổi số và sự lan tỏa mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0 đã dần trở thành xu thế phát triển tất yếu. Đây là cơ hội giúp các doanh nghiệp bứt phá trong thời đại mới.
chuyen-doi-so123-1701936321.jpg
Chuyển đổi số, thời cơ và thách thức cho doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Theo báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Thanh Hóa xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố; trong đó, chỉ tiêu về kinh tế số xếp thứ 14. Nhiều doanh nghiệp Thanh Hóa đã kịp thời nắm bắt xu hướng chuyển đổi số vào phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

Chuyển đổi số giúp cải thiện sự nhanh nhạy của doanh nghiệp và tối ưu hoá hoạt động quản trị bằng cách tránh lãng phí thời gian và công sức trong các bước. Các sáng kiến số cung cấp thông tin chi tiết hơn về dữ liệu, hiệu suất và tiến độ làm việc, đồng thời đảm bảo rằng các doanh nghiệp không rơi vào trạng thái bất ngờ trước các tình huống phát sinh. Sự nhanh nhạy này của doanh nghiệp đã giúp cải thiện các vấn đề về chuỗi cung ứng, phân phối sản phẩm, ngân sách khó khăn và đình trệ triển khai các dự án.

Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp cũng phải có cách theo dõi, đo lường kết quả và đánh giá các yếu tố cần thiết để quản trị trong toàn doanh nghiệp. Bằng cách áp dụng sáng kiến Chuyển đổi số, doanh nghiệp tạo ra môi trường đo lường số, nơi hệ thống và người dùng được kết nối và báo cáo dựa trên số liệu thời gian thực.

Tại Thanh Hóa các doanh nghiệp đã và đang nắm bắt, lựa chọn nhiều giải pháp công nghệ số phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và mang lại hiệu quả vượt trội. Theo số liệu công bố của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số thì đến nay, tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh đạt 8,28%.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Sở Công thương là đơn vị chủ trì đã tổ chức triển khai nền tảng số kết nối doanh nghiệp sản xuất với các chuyên gia công nghệ và các nhà cung cấp giải pháp chuyên nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; tăng cường liên kết kinh doanh theo mô hình hợp tác tiên tiến giữa các doanh nghiệp sản xuất với đối tác trong nước và nước ngoài để tạo ra các giá trị mới, chia sẻ mạng lưới dịch vụ và tài nguyên dữ liệu, thông tin.

Ngoài các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử với hơn 150 sản phẩm OCOP, hơn 11.000 sản phẩm đặc trưng của các huyện; cung cấp tem truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ khoảng 850.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu.

Ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại yến sào Xứ Thanh chia sẻ: “Chuyển đổi số giúp mở rộng thị trường kinh doanh thông qua việc thiết lập và củng cố mối quan hệ giữa các đối tác tham gia vào quá trình thương mại một cách dễ dàng và thuận tiện hơn nhiều so với phương thức truyền thống”.

Chuyển đổi số giúp mở rộng thị trường kinh doanh thông qua việc thiết lập và củng cố mối quan hệ giữa các đối tác tham gia vào quá trình thương mại một cách dễ dàng và thuận tiện hơn nhiều so với phương thức truyền thống.

Thách thức lớn trong cuộc cách mạng 4.0

Mặc dù chuyển đổi số hiện nay đã lan rộng đến mọi ngóc ngách trong cuộc sống và nền kinh tế, nhưng vẫn còn không ít nhân sự chưa nhận thức được đúng đắn và đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động này. Điều này dẫn đến sự hời hợt, thiếu bài bản khi hoạch định chiến lược và triển khai.

Do đó, để đối mặt với những thách thức chuyển đổi số, doanh nghiệp cần chú ý đào tạo về nhận thức để các cấp bậc nhân viên từ lãnh đạo, quản lý cấp cao & cấp trung cùng toàn thể nhân viên hiểu được và đồng lòng chung sức. Ngoài ra, việc xây dựng một lộ trình rõ ràng là một bước quan trọng quyết định hành trình chuyển đổi số tổng thể của doanh nghiệp thành công hay thất bại.

Với nhiều doanh nghiệp còn ít được tiếp cận và không có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác các giải pháp sử dụng công nghệ mới thì việc chuyển đổi số sẽ còn khó khăn hơn muôn phần.

Với tình hình các mối đe dọa về an ninh thông tin ngày càng gia tăng, việc Chuyển đổi số sẽ không thể thành công nếu thiếu một chiến lược bảo mật phù hợp. Việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số.

E ngại về vấn đề an ninh mạng cũng đặt ra cho doanh nghiệp các thách thức của chuyển đổi số về việc trang bị các sản phẩm, phần mềm bảo mật chất lượng cao. Vấn đề bảo mật cần được thực hiện ngay từ các bước đầu của hành trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đã dần nhận thức được chuyển đổi số mang lại cơ hội và thách thức trong sự lan tỏa mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0. Đây không còn là việc lựa chọn mà dần trở thành xu thế phát triển tất yếu để doanh nghiệp thực sự đứng vững trước thời đại./.

Hà Khải