Chính thức công bố Luật đất đai và Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với nhiều điểm mới

Sáng 19/02, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo Công bố lệnh của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
hop-bao-luat-dat-dai-1708326587.jpg
Họp báo Công bố lệnh của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Theo đó, Luật Đất đai gồm 16 chương, 260 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Một trong những điểm đáng chú ý của Luật Đất đai là bổ sung một số loại đất vào nhóm đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, nguyên tắc bảo vệ đất, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích việc sử dụng đất đai có hiệu quả, phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất; nghiêm cấm hành vi vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, phân biệt đối xử trong quản lý, sử dụng đất đai.

Luật Đất đai quy định cụ thể căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bổ sung một số trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất, chấm dứt việc sử dụng đất; thu hồi đất liên quan đến quốc phòng, an ninh...

Bên cạnh đó, luật bỏ quy định về khung giá đất. Đồng thời, quy định cụ thể nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất, bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố, áp dụng từ ngày 1-1-2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung từ ngày 1-1 của năm tiếp theo. Việc xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất. Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

Ngoài ra, việc quy định của Luật Đất đai về bảng giá đất cho phép thời gian chuẩn bị gần 2 năm trước khi áp dụng bảng giá đất mới, tạo điều kiện cho chính sách đi vào thực tiễn, tránh gây ra ách tắc. Cùng với đó cũng khuyến khích các địa phương đầu tư nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai.

Bên cạnh Luật Đất đai, tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm (Quốc hội khóa XV), Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng. Luật gồm 15 chương, 210 điều. Trong đó, luật hoàn thiện các quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.

Luật quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng rõ ràng, minh bạch, xử lý các khó khăn, vướng mắc, đồng thời, tạo cơ sở để tổ chức tín dụng đổi mới hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao năng lực cạnh tranh. Luật cũng luật hóa một số quy định về nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu... Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

thi-truong-bds-1708326587.jpeg
Luật đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới. Ảnh minh họa

Tại Họp báo, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, với việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 01/01/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Do đó, để nhanh chóng đưa Luật Đất đai vào cuộc sống, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống.
Khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết. Đồng thời, hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Loại bỏ khâu trung gian, thực hiện phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra và kiểm soát quyền lực; giải quyết hiệu quả trên thực tế những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản nói chung./.

Hương Lan