Chính phủ đồng ý tăng vốn, lùi tiến độ xây dựng tuyến đường sắt đô thị metro Nhổn - ga Hà Nội

Ngày 30/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Quyết định số 588 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án "Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội".

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4 km. Depot đặt tại Nhổn có diện tích 15 ha. Dự án được khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng sau 4 lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới là 2027.

nhon-1685509354.jpg
Ảnh minh họa.

Cụ thể, xét đề nghị của UBND TP. Hà Nội tại tờ trình số 104 và văn bản số 1522; ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 3813, Thủ tướng đã ban hành quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2009-2027.

Bên cạnh đó, quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án thành 34.826 tỷ đồng (tăng thêm 1.916 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng ngân sách TP. Hà Nội tăng 3.895,93 tỷ đồng và vốn vay ODA giảm 1.979,93 tỷ đồng).

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp UBND TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh các Hiệp định vay vốn với các nhà tài trợ cho dự án.

UBND TP. Hà Nội thực hiện thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh dự án bảo đảm tổng mức đầu tư, vốn vay ODA, vốn ngân sách đối ứng của TP. Hà Nội không vượt mức vốn được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Giao thông Vận tải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2023 về tình hình triển khai thực hiện dự án.

Trước đó, ngày 24/4 UBND TP. Hà Nội có tờ trình số 104 gửi Thủ tướng về việc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội với 2 nội dung sau:

- UBND TP. Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009-2022 thành 2009-2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng), trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2023 và đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm).

- UBND TP. Hà Nội xin điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 34.826 tỷ đồng (tăng thêm 1.916 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố tăng 3.895,93 tỷ đồng và giảm vốn vay ODA 1.979,93 tỷ đồng).

Tại Tờ trình nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư, UBND TP. Hà Nội đưa ra 8 lý giải cho đề xuất lùi tiến độ dự án. Đầu tiên là việc chậm trễ, vướng mắc về giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật. Thứ hai là do năng lực nhà thầu thực hiện gói thầu CP05 - Công trình kiến trúc Depot hạn chế và chậm trễ thực hiện các yêu cầu của Chủ đầu tư, UBND thành phố.

Tiếp đến, do năng lực triển khai thực hiện dự án của Chủ đầu tư, Tư vấn (PIC), sự phối hợp các sở, ngành còn hạn chế; Sự khác biệt giữa quy định của Hợp đồng FIDIC và pháp luật Việt Nam hiện hành; Quy định về giao kế hoạch vốn ODA của Việt Nam và quy định của các nhà tài trợ. Bên cạnh đó là vướng mắc về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị; Cơ chế, chính sách và quy định về giải phóng mặt bằng rất phức tạp và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo UBND TP. Hà Nội, tiến độ hoàn thành dự án hoàn toàn phụ thuộc vào gói thầu CP03 (hầm và các ga ngầm). Do khó khăn trong bàn giao mặt bằng nên chủ đầu tư đã thống nhất với nhà thầu điều chỉnh tiến độ thi công lên khoảng 4-5 năm.

Ánh Dương (t/h)