Cần tuyên dương Anh hùng trong chống dịch

Đại dịch Covid-19 đã kéo dài suốt hai năm qua, lấy đi sinh mạng của biết bao con người và gây tổn thất cực kỳ lớn cho kinh tế, xã hội, và sự phát triển chung của loài người. Tại Việt Nam, qua 4 làn sóng dịch tràn qua, đã có biết bao những tấm gương trong và ngoài ngành y không quản nguy hiểm tính mạng, bỏ công sức cứu chữa người.

Vậy xã hội cần làm cách nào để tôn vinh những tấm gương đó một cách xứng đáng? Chúng ta cùng trò chuyện với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu để nghe ông bày tỏ quan điểm về vấn đề tôn vinh người có công trong chống dịch Covid-19.

thuong-tuong-nguyen-huy-hieu-14579-1634104415.jpg
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu

Thưa ông, trong cuộc chiến với Covid-19 ở nước ta, đã có những cá nhân, tập thể trong và ngoài ngành y đóng góp đáng kể, và Chính phủ cũng đã tuyên dương họ, ông có suy nghĩ gì về việc này?

Đại dịch Covid-19 lần này đối với Việt Nam là quá lớn và kéo dài, thử thách tinh thần, ý chí, sức mạnh thực sự của con người Việt Nam. Đã có nhiều những tấm gương trong và ngoài ngành y xả thân cứu người. Họ đã đem hết sức lực, trí tuệ, tâm huyết để cống hiến cho xã hội, chăm sóc, cứu người bệnh, bảo vệ cộng đồng. Những hành động cao đẹp đó có sức lay động tâm cảm con người rất lớn, là động lực cho cộng đồng cùng chung tay chống dịch, giúp cả đất nước, cả dân tộc đồng sức, đồng lòng vượt qua thảm họa dịch bệnh chưa từng có trong lịch sử. Tôi thiết nghĩ, chúng ta cần tôn vinh những tấm gương đó ở mức cao.

Ông có ấn tượng nhất với tấm gương nào trong chống dịch ở nước ta?

Có rất nhiều tấm gương bác sĩ, y sĩ, y tá, điều dưỡng viên và cả người dân trong chống dịch, có hành động anh hùng, gây xúc động mạnh. Tôi vô cùng ấn tượng trước cả tập thể đông đảo những y bác sĩ lên đường vào Tp. Hồ Chí Minh, vào Bình Dương chống dịch. Hình ảnh đó gợi nhớ trong tôi thời năm 1965, khi đoàn quân chúng tôi ra trận, tiến vào miền Nam đánh Mỹ, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Những “người lính áo trắng” thời nay không quản khó khăn, với tinh thần xả thân mình vì sự nghiệp cứu người, bảo vệ sự an toàn cho nhân dân, không sợ hy sinh, gian khổ, thì không bút sách nào kể hết. Có những cặp vợ chồng bác sĩ, gửi con nhỏ lại cho bố mẹ mình chăm sóc, để cùng nhau lên đường vào Nam chống dịch, phơi thân mình làm việc trong điều kiện khó khăn và nguy hiểm tới tính mạng. Thực tế đã có nhiều y bác sĩ nhiễm bệnh, suy giảm sức khỏe, nhiều người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ…

  • thung-tung-nguyn-huy-hiu-24580jpg-paint-1634105179.jpg
    Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu 

Ông đã từng được tuyên dương Anh hùng các lực lượng vũ trang trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, giải phóng dân tộc. Vậy còn trong cuộc chiến với Covid-19, đã có không ít những dũng sĩ áo trắng ngã xuống nơi “chiến trường” cứu người, chống dịch. Chúng ta nên tôn vinh những tấm gương ấy theo cách nào?

Họ chính là những Anh hùng trên mặt trận ngành y, những biểu tượng người Anh hùng mới. Nhà nước ta đã có chính sách tuyên dương, khen thưởng cho những người hy sinh, có công lao trong chống dịch. Tuy nhiên cần có tổng kết đầy đủ theo từng đợt, tuyên dương tấm gương điển hình, tôn vinh với danh hiệu Anh hùng trong mặt trận chống dịch, như cách chúng ta đã làm trong chiến tranh. Từ tấm gương đó, chúng ta xây dựng những điển hình của tập thể, cá nhân, có những hành động anh hùng, được công chúng ngưỡng vọng như những Anh hùng thời chiến tranh, để toàn dân học tập, noi theo. Tôi cho rằng cách làm này thể hiện truyền thống văn hóa của nhân dân Việt Nam, biết ơn người có công, xây dựng hình tượng điển hình để khích lệ toàn dân noi theo, đồng tâm hợp lực đánh thắng kẻ thù dù chúng có sức mạnh tới đâu. Chính phủ ta đã nêu khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc”, thì chúng ta cần tôn vinh những Anh hùng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Và những Anh hùng trong mặt trận chống dịch, sẽ không chỉ là những người trong ngành y, phải không ông?

Kể cả những người dân thường, có cống hiến xứng đáng trong đại dịch, đều cần được tôn vinh Anh hùng. Thực tế có những cá nhân, tập thể, những Mạnh Thường Quân đã có những hành động anh hùng, như đóng góp hết tài sản để hỗ trợ người dân trong vùng dịch, hay nhận nuôi dưỡng và xây trường học cho hơn 1500 trẻ em mồ côi cả cha mẹ trong đại dịch… Hoặc có những nhà khoa học, cống hiến toàn bộ tâm sức, thời gian, âm thầm nghiên cứu, tìm ra thuốc trị bệnh dịch, thì cũng cần được tôn vinh Anh hùng. Không chỉ có thế, sau đại dịch, cần có tượng đài tri ân ngành Y với những nỗ lực, cống hiến, hy sinh trong đại dịch. Nước Nga là nước đầu tiên dựng tượng đài tôn vinh ngành Y trong đại dịch. Đó cũng là cách làm hay, đáng học hỏi.

Xin cảm ơn ông!

Kiều Mai (Thực hiện)