Thành phố Hồ Chí Minh:

Các dự án đầu tư tăng trưởng xanh cần huy động nguồn vốn gần 160.000 tỷ đồng

Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng xanh và coi đây là chiến lược phát triển tương lai, là ưu tiên hàng đầu, TP.HCM kêu gọi đầu tư các dự án phát triển tăng trưởng xanh theo các hình thức kết hợp giữa đầu tư công và tư nhân. Các dự án công nghệ cao, hạ tầng đô thị, môi trường và giao thông với tổng vốn gần 160.000 tỷ đồng.
tang-truong-xanh-03-1706170916.jpg
TP.HCM chọn tăng trưởng xanh là chiến lược ưu tiên hàng đầu để kinh tế thịnh vượng, môi trường bền vững và công bằng xã hội.

Chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai

Chiều qua (24.1), UBND TP.HCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh thành phố. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phan Văn Mãi thông tin TP.HCM là một trong 10 TP trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Kết quả nghiên cứu gần nhất do Viện Môi trường - Tài nguyên (ĐHQG TP.HCM) công bố cho thấy, trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn TP là hơn 60 triệu tấn CO2. Vì thế, TP chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai, là ưu tiên hàng đầu.

"TP đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 nhằm nỗ lực để xây dựng một môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp", ông Mãi khẳng định.

tang-truong-xanh-05-1706170903.jpg
TP.HCM kêu gọi đầu tư 28 dự án trong chương trình tăng trưởng xanh với tổng vốn gần 160.000 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ)

Bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại VN, Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nhận định TP.HCM cũng như các đô thị lớn ở châu Á đang đối mặt với nhiều rủi ro và thiệt hại kinh tế từ biến đổi khí hậu. "TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn của VN nhưng đang gặp thách thức lớn. 65% diện tích ở TP có độ cao dưới 1,5 m so với mực nước biển; Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số làm tăng sức ép lên khu vực xanh".

Theo bà Carolyn Turk, thiệt hại về kinh tế do ngập lụt lên đến 250 triệu USD, con số này có thể tăng lên trên 350 - 500 triệu USD mỗi năm đến 2030 nếu biến đổi khí hậu gia tăng. Riêng tại TP.HCM, thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu có thể lên đến 50 triệu USD mỗi năm. "Các nhà đầu tư hay các nhà sản xuất tìm kiếm những nơi đặt nhà máy sản xuất có kinh tế xanh và phát thải carbon thấp.

Ví dụ, đến nay, Thái Lan đã thuê WB cố vấn để thu hút các nhà đầu tư quan tâm tăng trưởng xanh. Ở VN, các ngành dệt may và xuất khẩu đang giảm do tác động kinh tế toàn cầu. Một số bên mua đã chuyển dịch hợp đồng sang Bangladesh khi quốc gia này đã đưa ra các cam kết về giảm phát thải carbon", bà Carolyn Turk khuyến cáo.

Đánh giá về mục tiêu giảm 10% phát thải CO2 của TP.HCM, bà Carolyn Turk cho rằng có thể thực hiện được nếu có chiến lược phù hợp. Theo đó, TP cần tạo động lực cho khu vực tư nhân tham gia quá trình chuyển đổi xanh. Dù vậy, chuyên gia này thừa nhận nhiều nước trên thế giới sử dụng công cụ thuế để thu hút đầu tư vào tăng trưởng xanh nhưng không phải quốc gia nào cũng có thể thực hiện do giới hạn ngân sách, nhất là với các nước đang phát triển. Chính vì vậy, WB mong muốn đồng hành với TP.HCM thực hiện chiến lược phát triển kinh tế giảm phát thải. Đặc biệt, WB sẽ hỗ trợ TP.HCM tổng hợp tạo tín chỉ carbon quy mô đủ lớn để bán ra thế giới.

Kêu gọi gần 160.000 tỷ đồng đầu tư cho tăng trưởng xanh

Tại hội nghị, TP.HCM giới thiệu định hướng phát triển kinh tế, xã hội, cơ chế chính sách đặc thù, dự thảo khung chiến lược phát triển kinh tế xanh của thành phố để kêu gọi đầu tư các dự án phát triển tăng trưởng xanh theo các hình thức kết hợp giữa đầu tư công và tư nhân.

Trong đó, thành phố giới thiệu dự án Quản lý rủi ro ngập lụt đô thị tại thành phố Thủ Đức, dự án Đô thị carbon thấp trong các lĩnh vực ưu tiên và thông tin về một số dự án trọng điểm thu hút đầu tư xanh của thành phố.

Đáng chú ý, trong tổng số 28 dự án kêu gọi đầu tư của TP.HCM lần này có 6 dự án liên quan đến công nghệ cao. Trong đó có 3 dự án sản xuất công nghệ cao lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn trên diện tích 5,5 ha với tổng mức đầu tư dự kiến trên 4.100 tỷ đồng; 1 dự án nghiên cứu và triển khai lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn cần thu xếp nguồn vốn 213 tỷ đồng.

Hai dự án còn lại gồm: Dự án Trung tâm dữ liệu (Data Center) là dự án lớn nhất được mời gọi đầu tư với số vốn 6.950 tỷ đồng và dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao (345 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, có 5 dự án chỉnh trang đô thị và tái định cư được đưa vào danh mục này với số vốn kêu gọi là 1.440 tỷ đồng.

Thành phố Thủ Đức cũng lên kế hoạch xây dựng Khu trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng (12.071 tỷ đồng); Khu phức hợp trung tâm Hội nghị triển lãm, khách sạn và thương mại dịch vụ (1659 tỷ đồng); Quảng trường trung tâm (5.348 tỷ đồng).

Ở lĩnh vực môi trường, các dự án chủ yếu tập trung vào xử lý nước thải với tổng vốn khoảng 30.000 tỷ đồng, bao gồm nhà máy Tây thành phố, Tân Hóa - Lò Gốm; Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 2); Bắc Sài Gòn 2.

tang-truong-xanh-01-1706170983.jpg
Khu công nghệ cao TP.HCM đang đề xuất nhiều cơ chế, chính sách về tăng trưởng xanh. (Ảnh minh họa)

Trong danh mục 28 dự án kêu gọi đầu tư tại hội nghị này, lĩnh vực giao thông có 9 dự án. Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết đây đều là những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, cấp bách, ưu tiên, hoàn thành trước năm 2030, cần kêu gọi đầu tư.

Theo đó, 9 dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến trên 97.000 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý có dự án xây dựng cầu Cần Giờ vượt sông Soài Rạp và phần đường dẫn hai đầu cầu với quy mô 6 làn xe, chiều dài tuyến khoảng 7,3 km, tổng mức đầu tư dự kiến 10.569 tỷ đồng. Cầu Cần Giờ sẽ thay thế phà Bình Khánh nhằm kết nối giao thông giữa huyện đảo Cần Giờ với trung tâm TP.HCM và các khu vực lân cận.

Kế đến là dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Toàn tuyến dự án này dài khoảng 50,9 km đi qua địa bàn TP.HCM (24,660 km) và tỉnh Tây Ninh (26,317 km); quy mô 6 làn xe; tổng đầu tư dự kiến 19.803 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường năng lực giao thông khu vực; hoàn chỉnh hạ tầng giao thông theo quy hoạch nhằm phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án có vốn đầu tư lớn khác cần kêu gọi là dự án xây dựng đường trên cao tuyến số 5 (đi trùng với đường Vành đai 2 (Quốc lộ 1) từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Sương). Dự án nhằm tăng cường khả năng kết nối hệ thống đường trên cao thành phố cũng như khả năng kết nối giao thông theo hướng Đông - Tây. Đường trên cao tuyến số 5 dài khoảng 21 km; quy mô 4 làn xe; diện tích sử dụng đất khoảng 37,6 ha, diện tích giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 7,5 ha; tổng vốn đầu tư dự kiến là 15.400 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, cho biết hơn bất kỳ địa phương nào, TP.HCM xác định chỉ có chuyển đổi tiến đến tăng trưởng xanh và bền vững hơn. Hiện TP tập trung phát triển 4 nhóm liên quan chính sách và nguồn lực. Trong đó, tập trung nhóm chính sách phát triển giao thông xanh, đô thị xanh, đổi mới khoa học công nghệ. Đặc biệt, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, chip, pin công nghệ mới…

"Các hình thức thu hút mời gọi đầu tư của TP cho các dự án sẽ theo hình thức PPP (công - tư phối hợp), BT (xây dựng - chuyển giao), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120%", bà Mai cho hay./.

Bình Nguyên