Bước đà để Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới

Những kết quả đạt được trong năm 2023 từ sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao, của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, tiếp tục tạo dựng nền tảng căn bản để hiện thực hóa mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới.
thanh-hoa-1-1704250692.jpg
Kết quả đạt được năm 2023 là bước dệm vững chắc sớm đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới.

Tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt kỳ vọng

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra ngay từ đầu năm. Qua đó, kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Duy tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,01%, đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,16%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,67% (công nghiệp tăng 10,73%), khu vực dịch vụ tăng 7,19% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,22%. Hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện.

Tổng sản lượng lương thực năm 2023 ước đạt 1,57 triệu tấn, vượt 2,8% kế hoạch; năng suất lúa cả năm ước đạt 61,5 tạ/ha. Chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định, công tác phòng, chống dịch bệnh được chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm.

Năm 2023, Thanh Hóa có thêm 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thị xã Bỉm Sơn), 17 xã đạt chuẩn NTM, 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 160 sản phẩm được công nhận OCOP tỉnh, nâng tổng số sản phẩm OCOP được công nhận lên có 452 sản phẩm, đứng thứ 2 cả nước.

xk-thanhhoa-1704286594.jpg
Năm 2023, Kim ngạch xuất nhập khẩu tại Thanh Hóa cán mốc 11 tỷ USD

Trong sản xuất công nghiệp, tuy phải đối mặt với những biến động khó lường từ thị trường trong nước và thế giới và nhất là Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn tạm dừng sản xuất để bảo dưỡng theo kế hoạch. Song, các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung đẩy mạnh sản xuất ngay từ đầu năm và có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động như: Nhà máy xi măng Đại Dương 1 (Khu kinh tế Nghi Sơn), Nhà máy may Victory tại thị trấn Sao Vàng (huyện Thọ Xuân), Nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu giày và giày xuất khẩu của tập đoàn HuaLi (huyện Yên Định)… nên sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 ước tăng 4,87%.

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt 41.200 tỷ đồng, vượt 16,6% dự toán giao, trong đó thu nội địa ước đạt 24.810 tỷ đồng, vượt 13,6% dự toán. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển năm 2023 ước đạt 132.745 tỷ đồng, bằng 94,8% kế hoạch. Trong năm, đã thu hút được 83 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 14 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 29.057 tỷ đồng và 209,9 triệu USD.

Với sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, cùng tinh thần quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, trong năm, các ngành dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá, nhiều lĩnh vực khởi sắc; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước đạt 172.926 tỷ đồng, bằng 98,8% kế hoạch, tăng 14,1% so với cùng kỳ.

Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, năm 2023, ngành du lịch ước đón 12,35 triệu lượt khách, tăng 11,9% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 616 nghìn lượt, gấp 2,5 lần; tổng doanh thu du lịch ước đạt 24.252 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư tiếp tục được quan tâm.Trong năm 2023, tỉnh đã tổ chức thành công các Đoàn công tác của tỉnh đi làm việc và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư vào tỉnh tại Nhật Bản, Italia, Séc, Đức, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)…

Đặc biệt, tỉnh đã phối hợp tổ chức thành công các sự kiện nhân Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Thanh Hóa, tạo dấu ấn tốt đẹp đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đối tác Nhật Bản...

Sớm Thanh Hóa trở thành tỉnh “Kiểu mẫu”

Trên nền tảng đạt được trong năm 2023, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã đưa ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 3.540 USD trở lên; sản lượng lương thực giữ ở mức 1,5 triệu tấn; tổng giá trị xuất khẩu đạt 6 tỷ USD trở lên; thu ngân sách nhà nước đạt 35.567 tỷ đồng trở lên; số doanh nghiệp thành lập mới đạt 3.000 doanh nghiệp trở lên…

Để hiện thực hóa hững mục tiêu đó, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất; quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

anh-san-xuat-gach-1704286698.jpg
Nhà máy gạch viglacera sản xuất theo dây chuyền hiện đại, phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang Mỹ và EU

Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Thẩm định, trình phê duyệt các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết xây dựng trên địa bàn tỉnh. Rà soát, điều chỉnh những bất cập, chồng chéo, chưa thống nhất giữa các loại quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hút đầu tư.

Thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trọng tâm là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao; khai thác hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của tỉnh; nâng cao chất lượng các loại hình vận tải.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, tăng thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 ở mức cao nhất; tăng cường quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả để tập trung nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển và các nhiệm vụ cấp bách của tỉnh.

Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện cả 3 trụ cột “chính quyền số, kinh tế số và xã hội số”; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, trọng tâm là phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo.

Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài, không để phát sinh thành “điểm nóng” về an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội./.

Hà Khải