Bộ Tài chính chỉ ra những sai phạm tại Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sunlife

Tại kết luận thanh tra chuyên đề bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (bancassurance) tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, bao gồm Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sunlife. Bộ Tài chính chỉ ra việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng có nhiều sai phạm.

Tại kết luận thanh tra, Bộ Tài chính khẳng định, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.

Kết luận cũng chỉ ra một số hành vi vi phạm điển hình như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

km-cac-cau-hoi-thuong-gap-ve-dai-dich-corona-thumb-366x244-1688460713.jpg
Bộ Tài chính chỉ ra nhiều sai phạm của Prudential Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Đối với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, năm 2021 và các thời kỳ có liên quan, Prudential đã triển khai bán bảo hiểm thông qua 7 ngân hàng gồm: VIB, MSB, PVcombank, SeABank, Standard Chartered, Vietbank, United Overseas (UOB), Shinhan Việt Nam. Các đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng không thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm. Prudential Việt Nam áp dụng các yếu tố tính phí bảo hiểm không chính xác theo cơ sở kỹ thuật và biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn dẫn đến tính toán không chính xác về số tiền phí bảo hiểm của 112.209 hợp đồng bảo hiểm thuộc sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tử kỳ với số tiền giảm dần (Bảo Tín Hưng Gia) khai thác qua Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Shinhan Việt Nam.

Còn Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam triển khai bán bảo hiểm thông qua 2 ngân hàng là ACB và TPBank. Các quy trình, quy chế do Sun Life ban hành chưa có quy định xử lý kỷ luật đối với cá nhân là nhân viên thuộc đại lý tổ chức là ACB và TPBank. Sun Life cũng chưa thực hiện phối hợp, đối soát giữa các bộ phận về thông tin phản ánh, khiếu nại đầy đủ. Việc kiểm tra, xác minh thông tin phục vụ giải quyết khiếu nại chưa đầy đủ theo quy trình…

1116-sun-life-vn-giao-dich-2018-1688460188.jpg
Sun Life để người khác ký thay bên mua bảo hiểm. (Ảnh: Internet)

Tại đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng trong quá trình triển khai bán bảo hiểm, có trường hợp Sun Life để người khác ký thay bên mua bảo hiểm hoặc ký thay bên mua bảo hiểm trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm lập qua ứng dụng SunSmart; ký thay bên mua bảo hiểm tại biên nhận bàn giao hợp đồng bảo hiểm…

Với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, năm 2021, Công ty này bán bảo hiểm thông qua 2 tổ chức tín dụng là ngân hàng MB và Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit). Các quy trình, quy chế do MB Ageas ban hành chưa có quy định xử lý kỷ luật đối với cá nhân là nhân viên thuộc đại lý tổ chức là ngân hàng MB. Hơn nữa, quy trình quản lý, đánh giá lực lượng bán hàng qua kênh bảo hiểm – ngân hàng chưa có chốt kiểm soát giám sát lại các đầu mục công việc cấp quản lý cần thực hiện, cơ chế giám sát báo cáo chưa được quy định cụ thể, chưa xây dựng các tiêu chí mang tính định lượng liên quan đến công tác quản lý chất lượng nhằm đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cấp quản lý. Quy trình tuyển dụng, đào tạo đại lý chưa có bước đối soát với ngân hàng về danh sách nhân viên tham gia đào tạo trước khi tổ chức đào tạo.

Có những đại lý chưa thực hiện đúng quy định của MB Ageas về hướng dẫn khách hàng điền thông tin, kê khai hồ sơ; về gặp mặt, giám sát khách hàng ký hồ sơ, tài liệu; để cho người khác sử dụng mã số đại lý của mình hoặc sử dụng mã số đại lý của người khác để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm; sử dụng biên lai thu phí, chậm bàn giao hợp đồng bảo hiểm…

Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife trong năm 2021 triển khai bán bảo hiểm thông qua Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Năm 2021, doanh thu phí bán bảo hiểm qua BIDV đạt hơn 1.553 tỷ đồng, tương ứng 99,2% tổng doanh thu phí.

bidv-metlife-6842-2989-1688460324.jpg
Bộ Tài chính cũng chỉ ra nhiều sai phạm của BIDV Metlife. (Ảnh: Internet)

Về cơ bản, các quy trình do Công ty ban hành quy định các nội dung liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm nói chung và đại lý bảo hiểm thuộc kênh phân phối qua BIDV đáp ứng quy định pháp luật. Tuy nhiên, quy trình đào tạo và tư vấn bảo hiểm chưa có quy định cụ thể về phân cấp, ủy quyền về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cá nhân, bộ phận và cơ chế phối hợp giữa các cá nhân, các bộ phận trong việc triển khai từng hoạt động theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

Cả 4 công ty bảo hiểm trên đều hạch toán các khoản chi phí liên quan là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, cách làm này chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế. Tổng số tiền 4 doanh nghiệp này hạch toán chưa đúng như sau: Prudential (Việt Nam) là 740,3 tỷ đồng, Sun Life là gần 600,5 tỷ đồng, BIDV Metlife là hơn 174,2 tỷ đồng, MB Ageas là gần 6 tỷ đồng.

Với sai phạm này, Bộ Tài chính đề nghị lãnh đạo 4 công ty bảo hiểm thực hiện hạch toán giảm chi phí nêu trên; đồng thời điều chỉnh hạch toán kế toán, xác định, tính toán lại, kê khai bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng, không phân bổ các chi phí do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả, hạch toán không đúng theo quy định pháp luật vào các quỹ chủ hợp đồng./.

Khánh Ngân (t/h)