Bình Dương thu hút gần 4.300 dự án FDI, chuyển hướng ưu tiên dòng vốn xanh

Tính đến tháng 5/2024, Bình Dương đã thu hút gần 4.300 dự án với tổng vốn đầu tư gần 40,6 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ ba cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bình Dương đã và đang tiếp tục chuyển hướng thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng tăng hàm lượng chất xám, khoa học công nghệ cao và thân thiện môi trường.
thu-hut-dau-tu-02-1716296536.jpg
Bình Dương chú trọng thu hút các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất tiên tiến. (Ảnh minh họa)

Nguồn vốn FDI tập trung vào hệ thống các khu công nghiệp

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến ngày 15/5/2024, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới và bổ sung tại Bình Dương đạt hơn 341 triệu USD. Trong số đó, phần lớn nguồn vốn FDI tập trung vào hệ thống các khu công nghiệp, đạt hơn 290 triệu USD.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhận cho biết các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn vào Bình Dương như: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đan Mạch, Hoa Kỳ...

Tính đến tháng 5/2024, Bình Dương đã thu hút gần 4.300 dự án với tổng vốn đầu tư gần 40,6 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ ba cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Hiện nay, tính riêng các khu công nghiệp tại Bình Dương có 3.128 dự án còn hiệu lực; trong đó có 2.448 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 29,6 tỷ USD và 680 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 93.847 tỷ đồng.

Các khu công nghiệp đã cho thuê hơn 285.700m2 đất công nghiệp và hơn 64.200m2 nhà xưởng trong những tháng đầu năm nay. Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp đã cho thuê 7.067,49ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 93,67%.

thu-hut-dau-tu-01-1716296585.jpg
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH R-PAC Việt Nam tại Bình Dương.(Ảnh minh họa)

Một trong những khu công nghiệp thế hệ mới là Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP 3), thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.

Gần đây, Tập đoàn Pandora của Đan Mạch đã đầu tư 150 triệu USD xây dựng nhà máy chế tác trang sức cao cấp tại Bình Dương.

Trước đó, Tập đoàn Lego cũng đã đầu tư hơn 1,3 tỷ USD vào VSIP 3 để sản xuất đồ chơi trẻ em. Hiện nay, khu công nghiệp này có hơn 30 công ty quốc tế quan tâm với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 1,8 tỷ USD.

VSIP 3 có quy mô 1.000ha và ưu tiên cho 7 ngành công nghiệp chính: điện tử, sản xuất ôtô, chế tạo cơ khí, dệt may, thực phẩm và các ngành công nghiệp khác.

Thu hút đầu tư có chọn lọc ưu tiên dòng vốn xanh

Khoảng 2 năm trở lại đây một số quốc gia như Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Sĩ đang có chiều hướng đầu tư mạnh vào tỉnh. Rõ ràng, đây là tín hiệu cho thấy dòng vốn FDI chất lượng cao từ châu Âu đang ngày càng chảy mạnh vào Bình Dương và sẽ còn nhiều triển vọng hơn nữa trong thời gian tới.

Vào tháng 6-2023, Tập đoàn Cicor (Thụy Sĩ) đã khánh thành Nhà máy Cicor Việt Nam thứ 4 tại Bình Dương. Cicor là một trong những doanh nghiệp sản xuất điện tử phát triển nhanh nhất tại châu Âu, chuyên sâu vào công nghệ cao.

Bình Dương đã và đang tiếp tục chuyển hướng thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng tăng hàm lượng chất xám, khoa học công nghệ cao và thân thiện môi trường. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với nền sản xuất mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

thu-hut-dau-tu-03-1716296522.jpg
Bình Dương đã và đang tiếp tục chuyển hướng thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng tăng hàm lượng chất xám, khoa học công nghệ cao và thân thiện môi trường. (Ảnh minh họa)

Sau dự án “xanh” từ Lego, nhiều nhà đầu tư cũng có những cam kết “xanh” khi tìm hiểu đầu tư vào Bình Dương. Đơn cử như Tập đoàn Pandora (Đan Mạch), SEP (Hàn Quốc), A.P Moller Maersk (Đan Mạch), Far Far Eastern… đều cam kết giảm thiểu các tác động đến môi trường, sử dụng nhiên liệu sạch, nhiên liệu xanh trong vận hành, hướng đến phát triển bền vững, tạo các giá trị cho cộng đồng.

Cùng với đó, để cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác, các tập đoàn lớn, có thương hiệu trên toàn cầu như Warburg Pincus, Sembcorp, Tokyu, CapitaLand Development, Aeon… đều cam kết sẽ đưa hàm lượng công nghệ cao vào các dự án đầu tư tại Bình Dương. Đây cũng chính là lĩnh vực mà Bình Dương mong muốn thu hút đầu tư trong thời đại 4.0.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết việc nâng cấp và mở rộng hạ tầng giao thông gắn với hệ thống các khu công nghiệp đã đầu tư hoàn chỉnh, cùng với việc đẩy mạnh hạ tầng kết nối với các cảng và sân bay lớn trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa đáp ứng các nhà đầu tư.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cũng cho biết thêm, các cấp chính quyền tỉnh Bình Dương luôn cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vốn FDI tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh và thương mại đạt hiệu quả tại Bình Dương.

"Chúng tôi đang tiếp tục nâng cấp các hệ thống khu công nghiệp tập trung nhằm tạo ra hệ sinh thái sản xuất công nghiệp thông minh, đáp ứng ngày càng cao của nhà đầu tư, qua đó hy vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế để góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh," Chủ tịch tỉnh Bình Dương nhấn mạnh./.

Bình Nguyên