Theo kế hoạch, hàng năm tỉnh Bình Định sẽ tổ chức tiêm phòng chống bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng vaccine; tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh, không để lây lan trên diện rộng.
Bên cạnh đó, chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và tiêu diệt các vecto truyền bệnh; tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhiễm ra, vào địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của kế hoạch này nhằm kiểm soát, khống chế thành công dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh; góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững. Hàng năm, tỉnh phấn đấu giảm 20% số xã có dịch và số gia súc mắc bệnh viêm da nổi cục so với năm trước.
UBND tỉnh Bình Định giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung của kế hoạch này.
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ kế hoạch để mua vắc xin, dụng cụ phòng chống dịch, bố trí quỹ đất tiêu hủy trâu, bò chết do mắc bệnh; đồng thời tuyên truyền doanh nghiệp, người dân thông báo kịp thời với cơ quan chức năng khi có trâu, bò mắc bệnh và tuyệt đối không mua bán, vận chuyển trâu, bò đang mắc bệnh.
Bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò xuất hiện đầu tiên tại Bình Định vào cuối tháng 4/2021 tại một hộ chăn nuôi thuộc xã Cát Thành (huyện Phù Cát). Sau đó, bệnh lan rộng ra 144 xã, phường ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đến tháng 10/2021, tỉnh Bình Định kiểm soát được dịch bệnh và công bố hết dịch trên phạm vi toàn tỉnh. Qua thống kê, toàn tỉnh có gần 22.000 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục; trong đó, có trên 3.300 con bị chết và tiêu hủy.
Bệnh viêm da nổi cục là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trâu, bò, bệnh; bệnh mới xuất hiện ở nước ta, gây ra thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Do vậy, tỉnh Bình Định ban hành kế hoạch phòng chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò giai đoạn 2022 - 2025 sẽ giúp cho các các địa phương và ngành chức năng thực hiện những giải pháp hiệu quả, bền vững để phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục chăn nuôi và thú y Bình Định, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 300.000 con trâu, bò. Để đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục đạt theo kế hoạch, trong năm 2022, các địa phương vùng đồng bằng sẽ vận động người dân tự mua vaccine tiêm phòng; còn các huyện miền núi sẽ được ngành chức năng tỉnh hỗ trợ vaccine./.