Bản chất của chuyển đổi số

Thời đại internet bùng nổ, chuyển đổi số (Digital Transformation) ra đời và trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Nếu hoạt động hiệu quả thì chuyển đổi số sẽ thay đổi toàn diện cách thức mà một tổ chức, doanh nghiệp hoạt động, từ đó hỗ trợ tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.

Chuyển đổi số là gì?

Có nhiều định nghĩa và cách hiểu về chuyển đổi số. Theo Gartner, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Microsoft cho rằng chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp nguồn nhân lực, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới.

Còn theo quan điểm của FPT, chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

c1-1679270902.jpg
Ảnh minh họa

Theo khảo sát năm 2018 của IDC, chuyển đổi số đang trở thành chiến lược tại các doanh nghiệp, tổ chức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Gần 90% doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu, cho tới bắt đầu triển khai, thực hiện. Hơn 30% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát xem chuyển đổi số là vấn đề sống còn, xác nhận hiệu quả trên nhiều khía cạnh như thấu hiểu khách hàng, tăng năng suất lao động, tăng tốc sáng tạo… Dưới đây là một số quan điểm về chuyển đổi số:

- Chuyển đổi số không đơn thuần chỉ là công nghệ

Chuyển đổi số không đơn giản chỉ là công nghệ doanh nghiệp áp dụng, mà đó còn là cả quá trình sử dụng để tạo ra, sửa đổi các quy trình kinh doanh, văn hóa cũng như trải nghiệm khách hàng hiện có. Từ đó, đáp ứng các yêu cầu kinh doanh và sự thay đổi của thị trường.

- Chuyển đổi số phải bắt đầu và kết thúc bằng khách hàng

Trước khi xem xét về vấn đề dẫn đến thay đổi doanh nghiệp, chúng ta cần trả lời một câu hỏi cơ bản: “Do đâu mà chúng ta có động lực thay đổi, từ việc lưu giữ hồ sơ bằng giấy và bút chuyển sang nền tảng của công nghệ kỹ thuật số?”. Đó chính là khách hàng. Khách hàng muốn cầm ít tiền mặt và giao dịch ngoài giờ hành chính. Đó là lý do ngân hàng số phát triển. Khách hàng muốn có thực phẩm tươi và sạch hơn. Đó là lý do ngành hàng thực phẩm áp dụng phần mềm quản lý sản xuất và kho vận.

Doanh nghiệp không thể tồn tại nếu thiếu khách hàng. Bởi vậy, khách hàng luôn là mục tiêu cuối cùng mà doanh nghiệp hướng tới và nỗ lực đáp ứng. Khách hàng chính là động lực để xây dựng quá trình chuyển đổi số thành công trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng biết bản thân mình đang thực sự muốn gì. Hãy tạm thời quên đi khái niệm “Khách hàng là thượng đế” và đáp ứng tất cả yêu cầu của họ. Hãy biến họ trở thành người bạn của doanh nghiệp để tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Đây chính là cơ sở để xây dựng và phát triển quá trình này thành công.

- Công nghệ vốn dĩ vẫn chỉ là công cụ

Chuyển đổi số có phát triển như thế nào thì công nghệ vốn dĩ vẫn chỉ là công cụ do con người nỗ lực tạo nên. Áp dụng công nghệ chẳng thể đảm bảo được kết quả cuối cùng mà doanh nghiệp hướng tới có thành công hay không. Một công ty mà nhân viên không có tư duy số hóa, văn hóa không nuôi dưỡng sự đổi mới thì đừng mong có một công nghệ nào có thể cứu sống được doanh nghiệp. Chuyển đổi số không chỉ là hoạt động nhằm tối ưu hóa quy trình làm việc, tăng năng suất, tạo lợi nhuận mà hơn hết, nó phải là nền tảng văn hóa của một doanh nghiệp. Và văn hóa đó phải được xây dựng và thực hành trong một chiến lược lâu dài và kiên định.

- Ứng dụng chứ không chỉ là áp dụng

Chỉ áp dụng thôi thì chưa đủ, cốt lõi là phải hiểu được tiềm năng của công nghệ ấy có thực sự phù hợp hay không? Thành công của chuyển đổi số phải nằm trong tư duy và cách tiếp cận, giải quyết vấn đề. Hãy trả lời cho câu hỏi: “Công nghệ này thực sự có khả năng gì và chúng ta có thể điều chỉnh quy trình và công việc như thế nào để tận dụng tối đa các khoản đầu tư công nghệ của mình?”

Ứng dụng công nghệ là xác định rằng công nghệ đó có thực sự phù hợp với bước phát triển của doanh nghiệp hay không? Một chiến lược chuyển đổi số đúng đắn phải ứng dụng chính xác các tiềm năng và cơ hội của công nghệ nhằm thực hiện mọi thứ một cách nhanh hơn, tốt hơn và sáng tạo hơn.

- Tại sao chuyển đổi số lại quan trọng trong doanh nghiệp?

Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường lớn như Gartner, IDC… đều chỉ ra rằng chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp: từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh…

- Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp:

Tạo ra sản phẩm/dịch vụ mới hoặc phương thức phục vụ mới; Tiếp cận nhiều khách hàng hơn, xóa bỏ ranh giới vật lý trong kinh doanh; Loại bỏ nhiều khâu trung gian, tối ưu hóa quy trình của doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và mang lại lợi ích, sự tiện lợi khách hàng; Giúp doanh nghiệp quản lý tốt hơn nhờ nguồn thông tin quản lý dồi dào và hệ thống hơn; Ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt, kịp thời. Nhờ đó, nâng cao năng suất lao động nhờ đòn bẩy công nghệ.

- Thực tiễn việc áp dụng chuyển đổi số tại doanh nghiệp Việt Nam

Tại Việt Nam, việc này đang được diễn ra tại rất nhiều doanh nghiệp, ở nhiều mức độ khác nhau. Tại các ngân hàng, ví dụ Techcombank, việc triển khai hệ thống core banking và app cho người dùng giúp khách hàng tham gia sâu vào quy trình kinh doanh của ngân hàng, và trong nhiều trường hợp, làm thay nhiệm vụ của nhân viên ngân hàng. Khách hàng của hầu hết các ngân hàng giờ đây có thể tự thực hiện các nghiệp vụ như kiểm tra số dư, chuyển tiền, gửi tiết kiệm mà không cần đến chi nhánh hay phòng giao dịch ngân hàng.

c2-1679270941.jpg
Ảnh minh họa

Sự có mặt của Grab hay Uber trước đây đã thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ gọi xe trong nước như Be hay FastGo, những doanh nghiệp vận hành hoàn toàn nhờ vào nền tảng công nghệ. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ hoặc kinh doanh chuỗi như GGG đã triển khai App cho khách hàng, nhờ đó khách hàng có thể tích điểm thành viên ở bất kỳ cửa hàng nào trong hệ thống cũng như chủ động chọn các chương trình khuyến mại của nhà cung cấp.

Những doanh nghiệp lớn sở hữu hệ thống khách hàng lớn như VinGroup cũng xây dựng những nền tảng quản lý khách hàng thống nhất như VinID, giúp khách hàng tích hợp và quản lý thông tin khi giao dịch với VinGroup ở nhiều dịch vụ khác nhau như thanh toán tiền điện, mua sắm tại Vinmart… Ở mức độ thấp hơn, nhiều doanh nghiệp từng bước ứng dụng các phần mềm quản lý vào các chức năng khác nhau như DMS ở Trapharco, Sohaco, phần mềm KPI ở Cityland, phần mềm quản lý sản xuất ở Hoya Việt nam, bên cạnh phần mềm kế toán vốn đã phổ biến ở hầu hết các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa nhận thức đúng vai trò chuyển đổi số trong cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể, theo VCCI, hiện doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, có 80% đến 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990.

Trong tháng 4/2019, Cisco công bố báo cáo “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, thực hiện trên 1.340 doanh nghiệp tại khu vực nói chung và 50 doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%),…

Ngoài ra, chuyển đổi số tương đương với việc thay đổi hầu hết các quy trình làm việc, văn hóa và phương thức điều hành, việc thay đổi này cần bỏ ra một số vốn đầu tư lớn cũng như nguồn lực để hoàn thành. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp vẫn đang đắn đo việc chưa chắc chắn được kết quả sau khi áp dụng chuyển đổi số và những rủi ro nếu như thất bại. Do đó, đây là một khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam cần đối mặt và đưa ra quyết định để cạnh tranh với các doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Dù vậy, báo cáo cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây (18%), an ninh mạng (12,7%), nâng cấp phần mềm, phần cứng để chuyển đổi số (10,7%). Bài này này sẽ cung cấp những kinh nghiệm cũng như phương thức chuyển đổi số trong từng cấu phần của doanh nghiệp như sản xuất, nhân sự và bán hàng. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích dành cho các doanh nghiệp đang băn khoăn về chuyển đổi số trong trong thời đại CMCN 4.0./.