Bắc Ninh: Xây dựng các vùng nông nghiệp xanh góp phần phát triển kinh tế bền vững

Tư duy làm “nông nghiệp xanh” đang thổi làn gió mới vào khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Là một trong các tỉnh đang có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, nhưng Bắc Ninh vẫn chú trọng ưu tiên phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp xanh, theo hướng hiện đại, bền vững.

Theo quy hoạch của tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị Bắc Ninh đến năm 2045, nông nghiệp được xác định là vùng dự trữ năng lượng, là vùng đệm cho kinh tế của tỉnh phát triển bền vững.

Chính vì vậy, việc hoàn thành quy hoạch ổn định các vùng sản xuất nông nghiệp; quy hoạch nông thôn, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến, sinh thái, kinh tế trang trại tập trung sẽ được ưu tiên tập trung.

Đặc biệt, với lợi thế có gần 2.000 ha đất bãi dọc sông Đuống là điều kiện thuận lợi để hình thành vành đai xanh hai bên bờ sông Đuống, tạo đà cho nông nghiệp sinh thái phát triển bền vững.

bac-n-1676174031.jpg
Là một trong các tỉnh đang có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, nhưng Bắc Ninh vẫn chú trọng ưu tiên phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp xanh. (Ảnh: Báo Bắc Ninh)

Năm nay, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế - xã hội; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với du lịch và xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo thống kê, Bắc Ninh hiện có 1.242 vùng lúa năng suất, chất lượng cao với quy mô mỗi vùng từ 3 ha trở lên; 71 vùng rau màu chuyên canh quy mô từ 5 ha trở lên, với các sản phẩm chủ lực như cà rốt, khoai tây, bí các loại, hành tỏi, rau xanh các loại... 24 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung có quy mô từ 2 ha trở lên như vùng cam Đường canh, cam Vinh ở các huyện Thuận Thành, Lương Tài; bưởi Diễn, chuối, ổi ở huyện Tiên Du; bưởi Da xanh ở huyện Lương Tài; xây dựng và phát triển được 69 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 167 ha, trong đó có 22 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP (138 ha); 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính với tổng diện tích 29,13 ha, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trồng trọt.

Tỉnh Bắc Ninh cũng đang triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn tại làng Diềm (Hòa Long, TP. Bắc Ninh), làng tranh Đông Hồ (Song Hồ, Thuận Thành) và làng gốm Phù Lãng (Quế Võ).

Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp gắn với nâng cao đời sống nhân dân với mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân của cư dân nông thôn tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020; không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 10%; tỉ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 70%.

Xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu và đáp ứng tiêu chí đô thị với 65% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, trên 30% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.

Đặc biệt, phát triển nông nghiệp sinh thái, tạo cảnh quan môi trường gắn với du lịch, dịch vụ đô thị dọc hai bờ sông Đuống.

Để thúc đẩy hình thành, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, cần có cơ chế trong việc phát triển nông nghiệp và hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp và mở rộng hình thức cho vay tín chấp để tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; ưu tiên mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác; tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP.

Ánh Dương (t/h)