Bà Rịa - Vũng Tàu: GRDP ước đạt 390.293 tỷ đồng, tăng 7,15%

Theo báo cáo từ UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2022 tình hình dịch bệnh tại địa phương đang được kiểm soát tốt nên kinh tế - xã hội tại địa phương đã chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế đạt được thành tựu cao. Năm nay dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ước đạt 390.293 tỷ đồng, tăng 7,15% và tình hình phát triển kinh tế đang khởi sắc, ổn định trở lại.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 390.293 tỷ đồng, tăng 7,15%; tổng thu ngân sách trên địa bàn 109.800 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí tăng 10,47%; tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 2,07 tỷ USD, tăng 0,43%; phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc với 1.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 49,8% so cùng kỳ và 596 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Hoạt động du lịch có sự phát triển mạnh mẽ, trong đó khách quốc tế ước tăng 124,08%; doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 127,94%.

Công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, chi trả lương, trợ cấp thất nghiệp cho người lao động và giải quyết chế độ, chính sách cho người có công, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số... được quan tâm thực hiện.

Đến nay, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 38,3%. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đề ra.

images1751595-8675-2022-ven-bien-1670395440.jpg
Một góc TP Vũng Tàu nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa

Các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng của tỉnh đang được thực hiện theo đúng tiến độ yêu cầu như: Đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường 991B, đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh, đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận, dự án nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo,… được tập trung triển khai thực hiện theo đúng tiến độ yêu cầu.

Các hoạt động an sinh xã hội, tình hình quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định.

Trong đó chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 vừa qua ước tăng 5,36% so; tăng 5,53% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ đạo với tốc độ tăng 6,12%. Lũy kế 11 tháng, IIP ước tăng 5,91% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,25%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và hơi nước tăng 6,2%.

Công tác tổ chức xây dựng Đảng tiếp tục được chú trọng; hoạt động thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội có nhiều đổi mới. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh.

Thi Nguyên (t/h)