An toàn trong lĩnh vực PCCC - Bài 1: “Cháy nhà” ngẫm ra lỗ hổng

Hàng ngàn quán karaoke trong cả nước đang phải dừng hoạt động vì chưa đạt tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã chỉ ra nhiều vấn đề trong việc cấp phép PCCC của chính các cơ quan chức năng.

Vòng luẩn quẩn an toàn cháy nổ

Trong những năm qua, nhiều vụ cháy, nổ nghiêm trọng đã gây tổn thất lớn về người và tài sản xảy ra nhiều ở các thành phố lớn, đặc biệt là các vụ cháy ở các cơ sở kinh doanh loại hình giải trí karaoke tại nhiều tỉnh thành. Qua đó đã gióng lên hồi chuông báo động, phơi bày những sự thật, lỗ hổng trong nhiều khâu quản lý suốt thời gian qua.

Theo thống kê, cả nước có khoảng 37.000 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, chủ yếu tập trung ở các thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Trong 37.000 cơ sở kinh doanh ấy, thử hỏi có bao nhiêu phần trăm đạt tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy, có bao nhiêu phần trăm luồn lót tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy để được hoạt động cốt “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”, có bao nhiêu phần trăm không đủ tiêu chuẩn mà vẫn hoạt động chui? Không ai rõ con số chính xác là bao nhiêu. Chỉ biết cứ sau một vụ cháy quán karaoke gây rúng động, các tỉnh, thành lại tổng kiểm tra toàn bộ các quán karaoke, quán bar, rồi rút giấy phép, rồi đình chỉ hoạt động hàng chục, hàng trăm cơ sở kinh doanh vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy.

karaoke-1681891599.jpg
Nhiều lỗ hổng trongquản lý, cấp phép cơ sở karaoke. (Ảnh: Internet)

Dù hoạt động karaoke hiện vẫn “cửa đóng then cài”, song nhìn lại những vụ việc thương tâm do cháy nổ ở các cơ sở giải trí này thời gian qua, dư luận không khỏi thắc mắc tại sao các vụ cháy quán karaoke tương tự vẫn xảy ra sau mỗi lần tổng kiểm tra? Trước tiên phải khẳng định, các quy định PCCC nói chung và áp dụng với những cơ sở nhiều nguy cơ như karaoke nói riêng hết sức nghiêm ngặt. Mặc dù, các cơ quan quản lý cũng khẳng định thường xuyên kiểm tra nhắc nhở. Nhưng cháy vẫn định kỳ xảy ra như 6 năm trước, vụ cháy kinh hoàng trong quán karaoke ở Hà Nội cướp đi 13 mạng người. Hay mới đây nhất là vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 1/8/2022 làm 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC hy sinh; cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 6/9/2022 làm nhiều người chết, tối 11/9/2022 xảy ra vụ cháy tại Đồng Nai…).

Thực tế, khi sự cố cháy nổ xảy ra mới xem xét nguyên nhân, quy trách nhiệm. Cháy rừng ở một vài địa phương thì các địa phương khác quan tâm đến công tác phòng chống cháy rừng. Cháy quán karaoke ở một địa phương thì ở các địa phương khác rà soát phòng, chống cháy nổ ở đây.

Chuyện đáng buồn là khi quy trách nhiệm thì có tình trạng đổ lỗi, trên đổ lỗi cho dưới là không chấp hành, dưới đổ lỗi cho trên là không hướng dẫn. Người dân cho là chính quyền không quan tâm, chính quyền cho là người dân không chấp hành. Cần nhìn thẳng vào các tồn tại, bịt ngay lỗ hổng trong công tác xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCCC và CNCH, hướng dẫn triển khai thực hiện, giám sát thực hiện là cấp thiết. Và hơn hết là hãy dừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn, từ đó tìm giải pháp phù hợp hơn.

quan-kara-1681891541.jpg
Không quản lý chặt chẽ các cơ sở karaoke sẽ đem lại hệ lụy lớn. (Ảnh: Internet)

Không để “mất bò mới lo làm chuồng”

Chúng ta có quyền băn khoăn tại quy trình cấp phép kinh doanh lỏng lẻo trong vấn đề phòng cháy chữa cháy? Tại chủ cơ sở kinh doanh chỉ nghĩ tới doanh thu mà không coi trọng phòng cháy chữa cháy? Quy định về phòng cháy chữa cháy đã có, quy trình cấp phép kinh doanh karaoke, quán bar cũng đã có. Do đó, khi để xảy ra những vụ cháy đau lòng, về phía lực lượng chức năng, chắc chắn có vấn đề về buông lỏng quản lý; về phía các chủ cơ sở kinh doanh, chắc chắn có những cái “tặc lưỡi” cho qua hoặc làm để đối phó.

Những băn khoăn của công luận là hoàn toàn có cơ sở bởi Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP. Hà Nội) đã từng cho cho biết, trong tổng số 1.400 cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn có đến 58% số cơ sở không đạt yêu cầu về an toàn PCCC. Thử hỏi, nếu không có Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu siết chặt dịch vụ karaoke và chỉ đạo của Bộ Công an về tổng kiểm tra rà soát PCCC trên cả nước thì những cơ sở ấy có bị phát hiện hay không.

Đó chỉ là một địa phương, còn lại 62 địa phương khác trong cả nước thì sao? Và đó cũng chỉ là với riêng hoạt động karaoke, trong khi còn rất nhiều lĩnh vực, hoạt động khác ẩn chứa khả năng cháy nổ nếu không được phòng cháy tốt.

Không để “mất bò mới lo làm chuồng” mà phải nghiêm túc đề phòng “giặc lửa” từ sớm, từ xa. Điều đó đòi hỏi ý thức của người dân phải được nâng lên nhưng rất quan trọng vẫn phải là việc nêu cao trách nhiệm, quy trách nhiệm cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, khi vẫn để những cơ sở trên địa bàn không đáp ứng điều kiện quy định về PCCC hoạt động. Nếu thế, thảm họa đau lòng từ những vụ cháy lớn kinh hoàng vẫn có thể sẽ không chấm dứt.

Bệnh “nhờn” luật có thể trở thành nan y nếu không chữa kịp thời quyết liệt bằng chính sức mạnh của pháp luật được trao vào tay những người đủ sức mạnh để sử dụng sức mạnh đó. Còn dễ dãi, xuê xoa, thỏa hiệp, không kỷ luật nghiêm, lo ngại không có người làm việc… thì “nhờn” luật là tất yếu.

Đã đến lúc phải thực thi pháp luật trên mọi lĩnh vực thật nghiêm. Không ai có thể né luật, lách luật, làm méo mó kỷ cương phép nước. Không có vùng cấm, “bầu trời riêng” cho bất cứ ai! Đó chính là thông điệp để đất nước đi vào kỷ cương nhất nhất mọi người phải tuân thủ./.

Sau 5 năm thực hiện Nghị định 83 quy định công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng PCCC, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng), làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính trên 7 nghìn tỷ đồng và trên 7.500 ha rừng. Xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, 190 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính nhiều tỷ đồng.
Doãn Hưng - Xuân Hợp