3 đột phá chiến lược và 11 nhóm giải pháp để có 240.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.
ho-tro-doanh-nghiep-01-1706410943.jpg
Năm 2024 dự kiến có 240.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường, gồm thành lập mới và quay lại hoạt động. (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, cùng với Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, nhiệm vụ Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu đưa số DN gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023 là không hề dễ dàng. Bởi để có gần 240.000 DN gia nhập thị trường trong năm, việc cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN phải thực chất và “đồng hành tăng tốc” từ mọi cấp ngành.

Tháo gỡ khó khăn cho 240.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường

Năm 2023, số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại thị trường gần 220.000, tăng 4,5% so với một năm trước đó. Trong khi đó, 172.500 đơn vị giải thể, tăng 20,5% so với 2022.

Chính phủ đặt mục tiêu năm nay số doanh nghiệp gia nhập thị trường, gồm thành lập mới và quay lại hoạt động đạt 240.000, tăng 10% so với năm trước.

Nội dung này được đề cập trong Nghị quyết 02 về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh vừa công bố. Ngoài ra, số doanh nghiệp rút lui dự tính tăng dưới 10%, tương đương 190.000 đơn vị.

Mục tiêu này cũng tương đương mức dự báo của Tổng cục Thống kê mới đây. Theo đó, cơ quan này ước tính sẽ có thêm 230.500 doanh nghiệp gia nhập nền kinh tế năm 2024. Trong đó, 162.500 doanh nghiệp ra đời và 68.000 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng 16%.

Nghị quyết 02 cũng xác định đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi với các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo. Các cải cách theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.

ho-tro-doanh-nghiep-02-1706410997.jpg
Chính phủ dự kiến nâng cao chất lượng xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường. (Ảnh minh họa)

Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ dự kiến nâng cao chất lượng xây dựng chính sách. Kế hoạch thanh, kiểm tra được rà soát, đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo, cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Chính phủ cũng tập trung tháo gỡ bất cập pháp lý, cải cách danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, hoàn thiện chính sách và nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.

Mục tiêu cải thiện chỉ số Đổi mới sáng tạo của WIPO (chỉ số GII) tăng 3 bậc, gồm: nhóm chỉ số Hạ tầng công nghệ thông tin lên ít nhất 3 bậc; chỉ số Xuất khẩu dịch vụ ICT và chất lượng môi trường tăng lần lượt 5 và 10 bậc.

Chỉ số GII - bộ công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia có uy tín trên thế giới. Thời gian qua, chỉ số này được sử dụng như công cụ quản lý điều hành và phân công các cấp, ngành có trách nhiệm cải thiện chỉ số. Sáu năm qua, chỉ số GII của Việt Nam liên tục cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên 46 trên tổng số 132 quốc gia, nền kinh tế vào 2023. Ngoài ra, đến 2025, Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng 0,2 điểm chỉ số Thủ tục thông quan trong xếp hạng Hiệu quả logistics của Ngân hàng thế giới.

Hành động mạnh mẽ giữ vững niềm tin với doanh nghiệp

Đến thời điểm này, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã ban hành Chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024. Nhận định năm 2024 vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức tác động lên nền kinh tế và DN, nên nhiệm vụ “củng cố năng lực, tăng sức cạnh tranh, giữ vững niềm tin DN” được nhấn mạnh trong các Chương trình hành động của các Bộ, ngành, địa phương. Các nhóm giải pháp vì thế cũng được đề ra sát hơn với tình hình thực tế.

Tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc ngành thực hiện 3 trọng tâm phát triển của ngành trong năm 2024, với 3 đột phá chiến lược và 11 nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Chính phủ giao cho ngành Công Thương năm 2024.

Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7-8%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 24%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu khoảng 15 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 9%; thương mại điện tử B2C tăng trưởng khoảng 18-20%...

ho-tro-doanh-nghiep-03-1706410926.jpg
Đơn giản thủ tục hành chính và quy định kinh doanh là một trong những giải pháp hỗ trợ DN.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hỉệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, hỗ trợ DN.

“Ngành Công Thương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phục hồi phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu.

Báo cáo chuyên đề khảo sát tình hình DN cuối năm 2023 và nhận định bối cảnh kinh doanh năm 2024 với chủ đề "Niềm tin đã trở lại nhưng cần vun đắp" được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng công bố mới đây cho thấy, “niềm tin đã quay trở lại” mặc dù khó khăn của các DN vẫn còn tiếp diễn trong năm 2024.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nêu thực tế vẫn thiếu sự “đồng tốc” ở lãnh đạo cấp trên với bộ máy cấp dưới. Đây là một trong những tồn tại từ lâu và có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân trước hết là sự thiếu đồng bộ về mặt luật, luật lớn thì thoáng, tư duy ở trên rất thoáng nhưng hướng dẫn cụ thể xuống dưới (dạng các Nghị định, Thông tư và các văn bản dưới hơn đã trở thành những chỉ đạo miệng hằng ngày lại thu hẹp dần.

“Sự liên thông, thấu hiểu, thấu cảm và năng lực pháp lý cũng như tính minh bạch của các thể chế pháp lý chưa thật đầy đủ. Trình tự tạo ra nhiều cách hiểu và càng cấp dưới cách hiểu càng khác nhau. Sự khác nhau đó đã tạo ra sự thiếu nhất quán với tinh thần trên là vấn đề đã được đề cập rất nhiều, đó là chất lượng văn bản không minh bạch, không rõ ràng, không tạo ra một cách hiểu duy nhất và đơn giản trong thực hiện”, TS. Nguyễn Minh Phong chỉ ra.

Cùng với tháo gỡ về thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh, việc hỗ trợ DN tiếp cận thị trường luôn là vấn đề đặt ra. Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh nhiều khó khăn của năm 2024, rất cần có các chương trình, chính sách hỗ trợ, tăng cường năng lực cạnh tranh cho khu vực DN Việt Nam, đặc biệt là khu vực tư nhân, để phát triển mạnh mẽ, qua đó tăng thêm năng lực nội sinh của nền kinh tế./.

Bình Châu