Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11: Cầu nối lan tỏa tinh thần đại đoàn kết

Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang ý nghĩa quan tâm, vận động, điều hướng các tầng lớp nhân dân và cán bộ phát huy tất cả tiềm năng và sức sáng tạo để cống hiến trong lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh. Phát huy toàn bộ ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng nhằm xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc.
t-1700185273.jpg

Từ nửa cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược, thống trị nước ta, từng biến nước ta thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn thống trị, áp bức, bóc lột hết sức tàn bạo và tìm mọi cách để đàn áp, dập tắt phong trào yêu nước và phong trào cách mạng của nhân dân ta. Lúc này, tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản: mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược và mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến.

Dưới tác động chính sách thống trị của thực dân Pháp và một số yếu tố khác làm cho xã hội Việt Nam biến đổi sâu sắc, các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp nổ ra liên tiếp từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX nhưng lần lượt bị thất bại vì thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức vững mạnh, thiếu lực lượng tiên phong.

Điều đó được lãnh tụ Hồ Chí Minh kết luận: “Từ ngày bị đế quốc xâm chiếm, nước ta là một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác. Trong mấy mươi năm khi chưa có Đảng, tình hình đen tối như không có đường ra”. Trong bối cảnh đó, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã không đi theo con đường cứu nước của các vị tiền bối vì nhận thấy ở đó còn những hạn chế. Người tìm hiểu một số cuộc cách mạng tư sản, nhất là Đại cách mạng Pháp năm 1789 với bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền và khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” nổi tiếng; cách mạng Bắc Mỹ với Tuyên ngôn độc lập năm 1776 tuyên bố về quyền con người thiêng liêng bất khả xâm phạm, nhưng nhận thấy ở đó “vẫn còn áp bức bất công”, không thể đáp ứng yêu cầu của dân tộc Việt Nam.

Cuối cùng, Người tìm được và quyết định đưa dân tộc Việt Nam đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Qua thời gian chuẩn bị về tư tưởng, lý luận, tổ chức và cán bộ, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2/1930 tại Cửu Long - Hương Cảng - Trung Quốc; thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do Người soạn thảo, vạch ra những vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng Việt Nam. Trong đó, có những nội dung về yêu cầu tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Từ Hội Phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta, nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận thành một lực lượng hùng mạnh để đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.

Cùng với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam qua từng thời kỳ, trải qua 93 năm ra đời và phát triển, với nhiều tên gọi khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng được củng cố, mở rộng với những hình thức tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của mỗi giai đoạn lịch sử và đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc; một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Thực hiện và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX về tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tăng cường củng cố liên minh chính trị, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội, thúc đẩy tinh thần thi đua sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc của các tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết quốc tế, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ nêu trên.

Từng bước giúp nhân dân ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vận động nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, quyết tâm thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh; thiên tai, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ về tinh thần, vật chất, từng bước ổn định cuộc sống.

Sau khi có quyết định của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư ngày càng được quan tâm hơn, diễn ra với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Ngay cả những vùng nông thôn, vùng miền núi, ngày hội càng mang nhiều bản sắc văn hóa và tập trung đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và thực sự trở thành ngày hội của toàn dân tộc. Ngày hội Đại đoàn kết đã tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thông qua ngày hội, các nét văn hóa đặc sắc của các tầng lớp dân cư, các dân tộc trên địa bàn sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy.

Thêm vào đó là tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Từ đó, góp phần thực hiện tốt các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng các gia đình điển hình có “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”… Cùng với việc xây dựng nếp sống mới là việc đấu tranh chống lại các hủ tục lạc hậu: mê tín, dị đoan. Xóa bỏ dần những tệ nạn trong xã hội như: rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, ma túy, mại dâm, đánh bạc…Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần động viên các tầng lớp nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Những hoạt động cụ thể của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư là những yếu tố quan trọng, thiết thực góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân được cải thiện, lối sống được lành mạnh hóa. Thông qua ngày hội, nhiều khu dân cư đã sáng tạo ra các hình thức giúp đỡ nhau như: chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm, thành lập các tổ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đẩy nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nhau về vốn, giống cây trồng, vật nuôi…Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần tích cực xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân ngày càng vững mạnh.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo ra được một môi trường gắn bó, thân thiết, gần gũi giữa Đảng với nhân dân. Giúp Đảng lắng nghe được những nguyện vọng, những phản ánh của nhân dân trong cuộc sống. Từ đó góp phần giúp Đảng ngày càng hoàn thiện hơn nữa phương thức lãnh đạo.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hằng năm đã, đang và sẽ ngày càng mở rộng và không ngừng được phát huy phong phú và đa dạng cả về hình thức tổ chức lẫn nội dung. Trách nhiệm của mỗi người dân chúng ta là cần phải tiếp tục phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết tại địa phương để từ đó tạo nên nguồn sức mạnh chung, to lớn của cả cộng đồng, tạo động lực mạnh mẽ để sớm thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Chúng ta có thể tin chắc rằng, với sự cố gắng của mỗi người và sự ủng hộ của toàn dân, Mặt trận Tổ quốc sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là giúp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh.

Thời gian qua, hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cách làm sáng tạo; nhiều mô hình được xây dựng có hiệu quả; huy động tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần tự nguyện tham gia của các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên khắc phục khó khăn, đóng góp các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều tập thể, hộ gia đình, cá nhân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, khu dân cư, trọng tâm là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Do đó, ngày 18/11 hàng năm, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, liên khu dân cư hoặc các khu dân cư trong toàn xã, phường, thị trấn vừa nhằm kỷ niệm ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11), thông qua đó còn góp phần tăng cường, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hội nghị cũng là dịp biểu dương các điển hình tiêu biểu thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng dân cư. Ý nghĩa hơn, sẽ giúp cho việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc để tiếp nối những thành quả mà Đảng, Bác Hồ, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã gầy công xây dựng vì một nước Việt Nam phồn thịnh và tươi đẹp.

Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023), chúng ta càng tự hào về truyền thống yêu nước, vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, kế thừa và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nhân tố cơ bản để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

Bình Thanh (T/h)